TP.HCM tính lại bài toán quản vỉa hè

TP.HCM nhận ra nhiều bất cập và đang soạn thảo dự thảo thay thế quyết định quy định về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè sau hơn 12 năm.

“Chúng tôi đã trình dự thảo cho UBND TP, về cơ bản vỉa hè phải chừa tối thiểu phần đường 1,5 m dành cho người đi bộ” - ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng, Sở GTVT TP.HCM, trao đổi với PV.

Nhiều quán nhậu lấn chiếm vỉa hè trên đường Phạm Văn Đồng (phường 3, quận Gò Vấp) khiến người đi bộ phải đi dưới lòng đường. Ảnh: THU TRINH

Nhiều quán nhậu lấn chiếm vỉa hè trên đường Phạm Văn Đồng (phường 3, quận Gò Vấp) khiến người đi bộ phải đi dưới lòng đường. Ảnh: THU TRINH

Lý do phải thay thế quyết định cũ

Cụ thể, theo tờ trình Sở GTVT TP trình UBND TP thì sau 12 năm triển khai thực hiện theo Quyết định số 74/2008/QĐ-UBND (QĐ 74), công tác quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố đã có những chuyển biến tích cực, người dân chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố. Tuy nhiên, qua quá trình rà soát, tổng hợp, Sở GTVT, UBND các quận, huyện cũng như một số đơn vị liên quan ghi nhận một số vấn đề chưa được quy định, hướng dẫn cụ thể trong QĐ 74. Trong đó có thể kể đến bốn bất cập chính.

Chiều rộng hè phố cho người đi bộ tối thiểu từ 1,5 m

Dự thảo mới quy định điều kiện sử dụng tạm thời một phần hè phố là mọi hoạt động phải đảm bảo chiều rộng hè phố cho người đi bộ lưu thông tối thiểu từ 1,5 m. Những hè phố hiện hữu không đảm bảo chiều rộng thì phải có lộ trình thay thế tạm thời, đảm bảo an toàn cho người đi bộ.

Dự thảo mới cũng đề ra quy định về việc sử dụng tạm thời lòng đường. Theo đó, phải đảm bảo phần lòng đường còn lại dành cho các loại phương tiện có bề rộng tối thiểu bố trí dư hai làn ô tô cho một chiều đi và không áp dụng trên một số tuyến đường đặc thù do UBND TP quyết định.

Thứ nhất là vai trò phối hợp tham gia công tác quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố của các sở, ban, ngành chưa được thể hiện đầy đủ. Thứ hai là chưa quy định chi tiết điều kiện hè phố cần có để tổ chức các hoạt động có tính chất khác nhau như trông giữ xe hai bánh, ô tô, kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa...

Thứ ba, về lòng đường chưa quy định một số hoạt động khác diễn ra trên thực tế như điểm trung chuyển rác thải của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị, tổ chức các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội, chưa quy định cơ quan cấp phép, trông giữ xe dưới lòng đường. Thứ tư là chưa tập trung định hướng xã hội hóa, khai thác hiệu quả việc sử dụng lòng đường, hè phố.

Mới đây, Văn phòng UBND TP có văn bản thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan về việc xem xét dự thảo thay thế QĐ 74. Theo đó, ông Hoan cơ bản thống nhất tờ trình của Sở GTVT TP, tuy nhiên cần lưu ý quy định rõ trách nhiệm của UBND các quận, huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm, tổ chức tự quản... Trong đó, các tổ chức và cá nhân trực tiếp sử dụng lòng đường, hè phố phải có trách nhiệm chấp hành nghiêm các quy định về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè.

Nên tiếp cận vấn đề hợp lý

Theo TS Nguyễn Thị Hậu, chuyên gia đô thị, nên tiếp cận vấn đề sử dụng vỉa hè một cách hợp lý và từng bước sắp xếp lại theo luật pháp, không nên đặt ra sự cấm đoán hay dẹp bỏ những sinh hoạt đô thị trên vỉa hè. Ví dụ như Bangkok (Thái Lan) có một nền “kinh tế vỉa hè” phong phú, đa dạng, sinh động nhưng trật tự, ngăn nắp, tuân thủ pháp luật. Ở đây có chỗ cho buôn bán ở vỉa hè, có chỗ cho đậu xe… nhưng được quản lý chặt chẽ, ai vi phạm xử lý rất nghiêm.

“Tôi nghĩ nên cho người dân thuê một phần vỉa hè để kinh doanh, nhất là những hộ có mặt tiền. Những vỉa hè rộng, khi đã có lối đi cho người đi bộ thì phần trống nên cho thuê và tổ chức quy củ để người kinh doanh tuân thủ, qua đó còn tạo nguồn thu cho ngân sách” - TS Nguyễn Thị Hậu nói.

KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, thì cho rằng câu chuyện quản lý vỉa hè là câu chuyện lâu dài, đi từng bước một. Bước đầu tiên nên đánh vào thói quen của người dân là biết tôn trọng không gian vỉa hè, không gian công cộng.

“Tôi không ủng hộ việc lấn chiếm vỉa hè để làm kinh tế, muốn làm kinh tế nên làm ở khu vực vỉa hè đủ rộng. Tôi đề xuất quản lý vỉa hè bằng những vạch màu khác nhau như màu xanh lá, màu đỏ, màu vàng. Trong đó, màu xanh lá dành cho người đi bộ, màu vàng cho phép kinh doanh (chỉ được sử dụng trong vạch màu vàng này), màu đỏ là cấm xâm phạm. Đây là cách đơn giản nhất, dễ thực hiện, nếu thực hiện được bước này sẽ là bước tiến tốt cho việc quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè của TP.HCM” - KTS Sơn đề xuất.

Vỉa hè bị lấn chiếm gần hết

Ghi nhận của PV những ngày cuối năm dọc nhiều tuyến đường trên địa bàn TP, hầu hết vỉa hè đều bị lấn chiếm để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau.

Đơn cử, dọc đường Cách Mạng Tháng Tám, đường Trường Chinh (quận Tân Bình), hầu hết vỉa hè đều dùng làm chỗ để xe cho các cửa hàng kinh doanh hai bên đường. Đường Cách Mạng Tháng Tám có lòng đường hẹp, mật độ lưu thông khá cao, đặc biệt vào giờ tan tầm nên khi vỉa hè bị chiếm dụng thì người đi bộ chỉ còn cách đi xuống lòng đường và nguy cơ tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Tương tự, dọc hai tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa hằng ngày, cứ vào khoảng 15 giờ trở đi lại trở nên nhộn nhịp, sôi động. Các quán xá kinh doanh dịch vụ ăn uống thi nhau bịt kín vỉa hè và biến lối đi công cộng trở thành khu vực sở hữu riêng của mình bằng cách giăng đèn, bày bàn ghế tràn lan để đón khách.

Nghiêm trọng hơn là tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh buôn bán trên đường Bạch Đằng (quận Tân Bình) nhiều năm qua khiến cho con đường cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng kẹt xe trầm trọng. Trên cả tuyến đường, các cửa hàng, xe hàng rong thi nhau bày biện buôn bán đủ thứ, chỉ cần vài chiếc xe ghé lại mua hàng sẽ khiến cả đoạn đường tắc tị.

Bà Lê Mai Anh (đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình) than thở: “Làm gì còn vỉa hè để người dân đi lại. Các cửa hàng, quán nhậu bày biện hàng hóa tràn lan che hết lối đi. Ngoài lấn chiếm vỉa hè, tôi còn thấy cảnh bát nháo, lộn xộn rất khó chịu”.

KIÊN CƯỜNG - THU TRINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/tphcm-tinh-lai-bai-toan-quan-via-he-957808.html