TP.HCM tìm giải pháp 'đánh thức' tiềm năng kênh rạch

Chiều 10/9, tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo về quy hoạch, phát triển bờ kè sông Sài Gòn và kênh nội thành. Sự kiện này nhằm huy động ý tưởng, đề xuất của các chuyên gia trong việc ứng phó với các nguy cơ đồng thời khai thác được lợi thế về cảnh quan, môi trường của hệ thống sông tại TP.HCM.

Bến du thuyền được xây dựng trên một con rạch tại TPHCM

Bến du thuyền được xây dựng trên một con rạch tại TPHCM

Tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan khẳng định tầm quan trọng của sông ngòi đối với sự phát triển của TP. Tuy vậy, ông nhìn nhận hệ thống này đang đối mặt với những thách thức lớn cả về tự nhiên - như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đến những tác động của con người – là quá trình đô thị hóa, lấn chiếm trái phép.

Đồng quan điểm này, trong tham luận của mình – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM Lê Hoàng Châu cho rằng, do trước năm 2004 chưa có quy định cụ thể về hành lang bảo vệ kênh rạch nên có một số dự án được cấp phép xây dựng ngay bờ sông Sài Gòn.

Để hạn chế những tác động xấu đến môi trường, ông Châu đề nghị xây dựng một quy chế quản lý, khai thác quỹ đất hành lang bảo vệ kênh rạch. Đồng thời TP không nên để tồn tại tình trạng phát triển nhà cao tầng lấn át sông, hoặc biến không gian sông thành không gian riêng của dự án.

Có mặt tại đây, kiến trúc sư Luigi Campanale dẫn lại câu chuyện của thành phố Milan (Ý). Theo ông, vào thế kỷ 19 Milan đã đứng trước những vấn đề mà TP.HCM đang đối mặt như đô thị hóa nhanh, các dòng sông ô nhiễm, ngập úng…

Khi đó chính quyền thành phố này từng lấp kênh, tuy nhiên do gặp phải sự phản ứng của người dân nên hoạt động này bị dừng và dần khôi phục lại những phần kênh đã lấp. Thực tế hiện nay chứng minh việc làm đó là chính xác, bởi các dòng kênh đã tạo nên cảnh đẹp của Milan hôm nay, đồng thời kết nối thành một hệ thống đổ ra biển.

Các khu đất ven kênh rạch có giá trị lớn nếu có chính sách phù hợp

Trình bày quan điểm của chính quyền, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã cho biết, TP đã có quy hoạch phân khu tại bờ sông, theo đó dọc các con sông sẽ có cây xanh, đường giao thông và các công trình hạ tầng. Tuy nhiên, ông nhìn nhận quy hoạch còn nhiều hạn chế.

Cụ thể là việc lấn chiếm hành lang bờ sông cho mục đích cá nhân vẫn còn, nhiều nơi được cải tạo để xây dựng bến tàu thuyền hay kinh doanh nhà hàng, quán cà phê nhưng chưa bị xử lý dứt điểm. Ngoài ra chất lượng một số đồ án chi tiết thiếu đồng bộ với việc quản lý của các ngành về giao thông, môi trường.

Tuy nhiên ông Nhã cũng cho biết, nếu phát triển tốt và có quy hoạch cùng khung pháp lý phù hợp sẽ có rất nhiều cơ hội cho không gian dọc các bờ sông, như hình thành các điểm du lịch, hệ thống vận tải đường thủy hay các dự án bất động sản.

Kết luận hội thảo, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng TP cần nghiên cứu sâu kinh nghiệm quốc tế trong việc quy hoạch, làm kè và sử dụng đất ven sông. Theo ông Nhân, phải phân loại rõ chức năng sông theo các phần như giao thông, thoát nước, không gian chung, hay các dự án kinh doanh. Ông nhấn mạnh trong quá trình làm việc thực tế TP sẽ rà soát những vấn đề không hợp lý và điều chỉnh cho phù hợp.

Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc, hiện hệ thống sông rạch chiếm 16,8% diện tích TP.HCM. Ngoài sông Sài Gòn có dài 256km, TP còn một hệ thống kênh rạch lớn nhỏ như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm...lên đến 112 tuyến, với tổng chiều dài hơn 900km.

Phong Vũ

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/tphcm-tim-giai-phap-danh-thuc-tiem-nang-kenh-rach-post312594.info