TP HCM tìm cách gỡ 'nút thắt' hợp tác PPP với nhà đầu tư

TP HCM mong muốn được trao đổi với các nhà đầu tư để chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và công bố chiến lược huy động vốn tư nhân trong các việc xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, xử lý chất thải, xử lý nước thải và chống ngập.

Đây là nội dung chính được đưa ra tại hội thảo quốc tế về đối tác công tư trong một số lĩnh vực ở TP. HCM, tổ chức ngày 27/3.

Trên cơ sở các dự án và dự kiến nguồn vốn triển khai giai đoạn 2016-2020, Thành phố kêu gọi các Bộ ngành, các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu, đề xuất giải pháp đầu tư các dự án thuộc Chương trình Giảm ngập nước của thành phố bằng hình thức đối tác Công - Tư.

Theo đó, các dự án triển khai mời gọi đầu tư và xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư năm 2019 - 2020 với đầu tư Xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải phải đảm bảo yêu cầu đề ra về mặt công nghệ, trong đó ưu tiên công nghệ mới, hiện đại, tiết kiệm diện tích xây dựng cũng như đảm bảo nhu cầu mở rộng trong tương lai.

Các dự án tại lưu vực Tây Sài Gòn, Bình Tân và Tân Hóa Lò Gốm với tổng Công suất: 630,000 m3/ngày; lưu vực Bắc Sài Gòn 1 với công suất: 170.000 m3/ngày; Lưu vực Bắc Sài Gòn 2 với công suất 130.000 m³/ngày; Lưu vực Rạch Cầu Dừa với công suất 100.000 m³/ngày; Đầu tư Cải tạo, nạo vét các tuyến kênh rạch phải đảm bảo yêu cầu về sự phù hợp với quy hoạch thoát nước trong tương lai, đồng bộ giải quyết đối với các kênh chính, nhất là trong khu vực trung tâm thành phố.

Các dự án bao gồm: Xây dựng kè bờ kênh và hạ tầng kỹ thuật hai bên kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên; Xây dựng hệ thống thoát nước mưa và ngăn triều lưu vực từ cầu Tham Lương đến sông Chợ Đệm.

Hai dự án này đồng bộ với dự án Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (sử dụng nguồn vốn vay ADB), là 01 trong 04 trục thoát nước chính của thành phố và 03 trong số 04 trục này đã được Thành phố đầu tư cải tạo, chỉnh trang trong thời gian qua (tuyến Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tuyến Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, tuyến Tân Hóa - Lò Gốm).

Giai đoạn 2021-2022, tiếp tục đầu tư các dự án xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải; cải tạo, nạo vét các tuyến kênh rạch thoát nước, đê bao và các cống Kiểm soát triều vòng ngoài của Thành phố thuộc quận 8, Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh.

Trong lĩnh vực giáo dục, theo Sở giáo dục và đào tạo TP HCM, Thành phố hiện có 36 dự án để chuẩn bị đầu tư theo hình thức PPP tại 24 quận, huyện.

Kế hoạch năm 2019, đầu tư Xây dựng mới trường THCS Lê Văn Nghề, quận 3 (127 tỷ đồng) và Trường THCS Nguyễn Thái Bình (200 tỷ đồng), quận Tân Bình và Trường TH Trần Văn Kiểu (250 tỷ đồng), quận 6; trường liên cấp EMASI – Khu đô thị Vạn Phúc quận Thủ Đức hình thức giao đất….

Tuy nhiên, hiện nay, việc đầu tư PPP vào lĩnh vực giáo dục còn gặp trở ngại bởi tâm lý e dè của nhà đầu tư.

Nguyên nhân chính là nhà đầu tư đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu do đó các nhà đầu tư nước ngoài hay doanh nghiệp trong nước với nguồn vốn hạn chế hơn sẽ ưu tiên lựa chọn lĩnh vực không cần nhiều vốn, không đòi hỏi công nghệ hiện đại và thời gian quay vòng vốn nhanh.

Chẳng hạn đối với đầu tư trong giáo dục, để thu hồi vốn nhanh cần phải tăng quy mô đầu tư dự án để có thể tăng số học sinh, tuy nhiên phần lớn đều bị khống chế bởi các qui định tại Điều lệ và Tiêu chuẩn thiết kế trường học hiện hành cũng như các chỉ tiêu về quy hoạch xây dựng.

Mặt khác, mức đầu tư bỏ ra ban đầu cho việc xây dựng một trường học khá lớn, do đó để thu hồi vốn nhanh nhà đầu tư phải đưa ra mức thu cao, như vậy chỉ đối tượng có điều kiện mới có thể theo học và các quận, huyện ngoại thành không phải là điểm đến phù hợp…

Theo Sở kế hoạch đầu tư TP HCM, để đảm bảo hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Thành phố phải huy động 154.571 tỷ đồng (khoảng 16,4 tỷ USD) từ các nguồn vốn khác như vốn PPP.

Trong giai đoạn từ đầu những năm 2000 đến nay, dù có nhiều nỗ lực để huy động các nguồn lực đầu tư, tuy nhiên thực tế khả năng huy động nguồn vốn PPP của Thành phố Hồ Chí Minh luôn thiếu hụt lớn so với nhu cầu đầu tư, chưa đáp ứng so với kỳ vọng.

Vì vậy, để đẩy mạnh mô hình PPP cho TP. HCM trong thời gian tới, Thành phố sẽ xây dựng các giải pháp theo những hướng: PPP là quan hệ đối tác, bình đẳng giữa các bên tham gia hợp đồng; PPP là hợp đồng dài hạn (20 - 30 năm), ẩn chứa nhiều rủi ro trong tương lai, do đó cần cách làm bài bản từng bước, bố trí đủ nguồn lực đầu tư, chính sách rõ ràng và quan trọng là phải ổn định chính sách.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư PPP phải có lợi nhuận khi thực hiện đầu tư; Việc thực hiện dự án PPP cần đảm bảo nguyên tắc của thị trường, đặt yếu tố cạnh tranh, công bằng và minh bạch, Hợp đồng dự án phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và Nhà đầu tư.

Nhằm xây dựng, quảng bá môi trường đầu tư PPP trên địa bàn thành phố, trong thời gian tới, Thành phố sẽ tập trung hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư đối với một thuộc lĩnh vực xử lý nước thải, một dự án thuộc lĩnh vực y tế thông qua việc thu phí, hoàn trả chi phí đầu tư dự án từ nguồn thu dịch vụ công; qua đó nhân rộng mô hình, đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư các dự án trong lĩnh vực tương tự.

Chia sẻ tại hội thảo ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới nói rằng, để mô hình PPP thành công cần phải công nhận đây là mô hình hợp tác dài hạn, trong đó có cả khu vực công và tư cùng chia sẻ không chỉ lợi ích mà còn cả rủi ro.

Trong bất kỳ mối quan hệ hợp tác nào, nếu rủi ro và lợi ích không được chia sẻ đồng đều thì khả năng thất bại sẽ rất cao. PPP phải là mô hình hợp tác để các bên liên quan đều có lợi.

"Chính vì thế, các khung pháp lý quy chế và thể chế cũng phải rõ ràng, chặt chẽ để giúp các nhà đầu tư có thể chấp nhận rủi ro trong dài hạn với mức độ chắn chắn nhất định về những khuôn khổ pháp lý và thể chế nói trên, trong đó đã tính đến các rủi ro", ông Ousmane Dione nhận định.

N.Lan

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/tp-hcm-tim-cach-go-nut-that-hop-tac-ppp-voi-nha-dau-tu-261346.html