TP.HCM: Tiếp tục phân cấp, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ đất đai

Trong 6 tháng đầu năm 2019, ngành TN&MT TP.HCM đã giải quyết 380.000 hồ sơ cấp Giấy chứng nhận, đăng ký biến động đất đai…, trung bình mỗi tháng có 60.000 - 70.000 hồ sơ. Tỷ lệ đúng hẹn là 91% và trễ hẹn là 9%, tương ứng khoảng 30.000 hồ sơ.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM phát biểu tại Hội nghị

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM phát biểu tại Hội nghị

Đây là thông tin được ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết tại phiên thảo luận tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 30 vừa qua. Theo đó, tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn đã được kéo giảm nhiều so với con số 30% giai đoạn trước tháng 9/2017 (thời điểm thẩm quyền ký Giấy chứng nhận cho các gia đình, cá nhân được chuyển từ UBND các quận huyện chuyển về Sở TN&MT). Lý do là Sở TN&MT đã thực hiện phân cấp, ủy quyền ký Giấy chứng nhận cho Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố, giúp rút ngắn thời gian luân chuyển hồ sơ xuống từ 3-5 ngày (không phải trình Sở TN&MT ký và đóng dấu). Từ tháng 9/2017 đến nay đã thực hiện được 87.483 hồ sơ.

Việc phân cấp, ủy quyền đã hạn chế luân chuyển hồ sơ qua nhiều đơn vị mất rất nhiều thời gian (thời gian này không được tính trong quy trình), rút ngắn được thời gian giải quyết hồ sơ so với tình hình thực tế hiện nay, đảm bảo hồ sơ được giải quyết đúng theo thời gian quy định, góp phần làm giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn khoảng 70%; tiết kiệm ngân sách (một hồ sơ luân chuyển sẽ phải chi trả cho Bưu điện từ 80.000 đến 100.000 đồng, trong năm 2017, chi phí này khoảng 2,5 tỷ đồng và năm 2018 khoảng 3 tỷ đồng); giảm áp lực công việc tại Sở TN&MT và Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố để tập trung vào công tác giám sát, kiểm tra, tham mưu chính sách.

Ông Nguyễn Toàn Thắng cũng cho biết, để giải quyết căn bản khối lượng hồ sơ trễ hẹn hiện nay, TP.HCM đang kiến nghị Chính phủ, Bộ TN&MT cho phép Sở TN&MT phân cấp cho Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận, huyện ký cấp Giấy chứng nhận đối với 11 loại thủ tục liên quan đến đăng ký biến động đất đai. Việc phân cấp này giúp các hồ sơ không phải luân chuyển Ban Giám đốc Văn phòng phòng Đăng ký đất đai thành phố; không những rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục mà còn giải quyết hồ sơ cho dân nhanh hơn để người dân không phải chờ đợi, không mất cơ hội đầu tư, kinh doanh, hợp tác và không phải đi lại nhiều lần để hỏi kết quả giải quyết. Dự kiến, việc ủy quyền này sẽ rút ngắn thời luân chuyển hồ sơ thêm từ 05 đến 07 ngày tùy theo từng loại thủ tục; số lượng hồ sơ thực hiện khoảng từ 65.000 đến 70.000 hồ sơ.

Nộp hồ sơ đăng ký biến động đất đai tại Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM

Ngoài ra, Sở TN&MT đã phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện quy trình rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục liên quan đến đăng ký quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (công nhận sở hữu công trình) từ 57 ngày xuống 15 ngày. Bên cạnh đó, Sở TN&MT cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết hồ sơ. Trong đó, Sở TN&MT đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thí điểm hệ thống một cửa điện tử quản lý đất đai trên địa bàn thành phố. Việc tiếp nhận, luân chuyển và hoàn trả, thống kê báo cáo đối với hồ sơ đất đai được triển khai thí điểm trên phần mềm một cửa điện tử quản lý đất đai. Hiện tại, phần mềm này đang được thử nghiệm xử lý phần mềm xét duyệt liên thông điện tử đã làm tại Quận 1 và Quận 12. Ngày 15/7, Sở TN&MT sẽ báo cáo Bộ TN&MT để công nhận và sẽ triển khai tại 24 quận, huyện.

Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng khẳng định: Với việc xử lý bằng phần mềm, từ tiếp nhận, lưu trữ văn bản trên phần mềm điện tử gắn với phân cấp sẽ giải quyết hồ sơ trễ hẹn hiệu quả. Trước đây, nếu hồ sơ giấy người dân phải đi lại 4 cơ quan, 9 bước thì việc liên thông từ nơi đăng ký đến nơi đóng thuế giảm việc đi lại 2 bước và giảm thời gian rất nhiều. Ngoài ra, người dân sẽ giám sát và kiểm tra được việc tiếp nhận luân chuyển, hoàn trả hồ sơ nhà, đất của mình; lãnh đạo thành phố sẽ kiểm tra được kết quả giải quyết hồ sơ, số hồ sơ trễ hẹn, đúng hẹn, lỗi thuộc về ai...

11 thủ tục dự kiến phân cấp cho Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai

Thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp đã chuyển quyền sử dụng đất trước ngày 01/7/2014 mà bên chuyển quyền đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền theo quy định (trường hợp không nộp Giấy chứng nhận).

Thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp đã chuyển quyền sử dụng đất trước ngày 01/7/2014 mà bên chuyển quyền đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền theo quy định (trường hợp có nộp Giấy chứng nhận). Thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (cấp mới Giấy chứng nhận).

Thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; xử lý nợ hợp đồng thế chấp, góp vốn; kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để thi hành án; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập tổ chức (trừ doanh nghiệp); thỏa thuận hợp nhất hoặc phân chia quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, của vợ và chồng, của nhóm người sử dụng đất (cấp mới Giấy chứng nhận).

Thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ nhân thân, địa chỉ); giảm diện tích thửa đất do sạt lở tự nhiên; thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký, cấp Giấy chứng nhận; đưa quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp (cấp mới Giấy chứng nhận). Thủ tục tách thửa do chuyển quyền sử dụng một phần thửa đất hoặc do giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đấu giá đất hoặc do chia tách hộ gia đình, nhóm người sử dụng đất; do xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn, kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án (cấp mới Giấy chứng nhận).

Thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng; thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện “dồn điền đổi thửa”; thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc trang bổ sung của Giấy chứng nhận do bị mất; thủ tục đính chính Giấy chứng nhận đã cấp; thủ tục đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cấp mới Giấy chứng nhận).

Nguyễn Quỳnh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/tai-nguyen/tp-hcm-tiep-tuc-phan-cap-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-giai-quyet-ho-so-dat-dai-1271719.html