TP.HCM thu ngân sách bằng 50 tỉnh thành nhưng được hưởng quá ít

Thu ngân sách 2019 của TP.HCM cao gấp 1,1 lần tổng dự toán thu ngân sách của 4 thành phố trực thuộc Trung ương còn lại là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ (365.900 tỉ đồng) và bằng thu ngân sách của hơn 50 địa phương tính từ dưới lên.

TP.HCM muốn tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách - Ảnh: Internet

TP.HCM muốn tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách - Ảnh: Internet

TP.HCM thu ngân sách cao nhất cả nước

Hiện nay, TP.HCM là địa phương bị giao chỉ tiêu thu ngân sách lớn nhất nước. Uớc thu ngân sách của TP.HCM năm 2019 đạt hơn 412.000 tỉ đồng, vượt 3,3% chỉ tiêu (400.000 tỉ đồng) được giao, chiếm hơn 27,2% tổng thu cả nước. Trong đó, thu nội địa 266.474 tỉ đồng; thu từ dầu thô ước khoảng 25.000 tỉ đồng; từ hoạt động xuất nhập khẩu khoảng 121.000 tỉ đồng, lần lượt đạt 138,89% và 11,21% dự toán.

Đáng chú ý, nếu xét riêng kết quả thu phần nội địa, ước thực hiện thu ngân sách thành phố chỉ đạt 97,85% dự toán. Nếu không tính số Bộ Tài chính ghi thu cho ngân sách thành phố thì chỉ đạt 91,53% dự toán. Đặc biệt, số thu từ khu vực kinh tế chỉ đạt 90,05% dự toán.

Lý giải nguyên nhân, lãnh đạo UBND TP.HCM chỉ ra Trung ương giao dự toán thu từ khu vực kinh tế tăng quá cao so với thực hiện năm 2018 (tăng 20,97%), vượt quá khả năng huy động nguồn thu trên địa bàn.

UBND TP.HCM cũng cho biết số chi ngân sách thành phố năm 2019 khoảng 77.718 tỉ đồng. Nếu không tính kinh phí chi trả thu nhập tăng thêm theo nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND thì tổng chi là 70.474 tỉ đồng.

Trong đó, khoảng 22.611 tỉ đồng thành phố dùng để chi cho đầu tư phát triển, 47.027 tỉ đồng dùng chi thường xuyên. Ngoài ra, chi trả nợ lãi do địa phương vay khoảng 1.175 tỉ đồng; chi từ số bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương là 3.492 tỉ đồng...

Như vậy, với con số trên, thu ngân sách 2019 của TP.HCM cao gấp 1,1 lần tổng dự toán thu ngân sách của 4 thành phố trực thuộc Trung ương còn lại là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ (365.900 tỉ đồng) và bằng thu ngân sách của hơn 50 địa phương tính từ dưới lên.

Năm 2020, thành phố được Trung ương giao chỉ tiêu thu ngân sách hơn 405.800 tỉ đồng. Con số này tăng 1,68% so với dự toán và giảm 1,61% so với thực hiện năm 2019. Nếu không tính số thu tiền sử dụng đất và thu cổ tức, lợi nhuận bổ sung mà Bộ Tài chính ghi thu cho ngân sách TP.HCM năm 2019 là 17.212 tỉ đồng, thì dự toán năm 2020 tăng 2,67% so với thực hiện năm 2019.

Ngân sách TP.HCM được giữ lại thấp nhất thế giới

Tại cuộc họp HĐND TP.HCM diễn ra từ 7-9.12 mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ ra bất cập về khoản ngân sách TP.HCM được hưởng. Theo ông Phong, số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng cao qua các năm và chiếm hơn 27% tổng thu ngân sách cả nước, nhưng ngân sách TP.HCM được hưởng không tăng tương ứng. Tổng chi ngân sách địa phương được hưởng theo tỷ lệ điều tiết chỉ chiếm tỷ trọng hơn 4% tổng chi cả nước.

Trong khi đó, theo phân tích của ông Phong, TP.HCM là đô thị đặc biệt, đông dân nhất cả nước với 9 triệu người. Nếu tính cả số người đang sinh sống, học tập, lao động thực tế tại thành phố thì con số này phải hơn 13 triệu người. Đây là áp lực lớn trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực.

“Số thu ngân sách thực tế TP.HCM được hưởng ngày càng giảm do tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố giảm. Năm 2003 tỷ lệ điều tiết là 33% nhưng đến thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020, tỷ lệ này chỉ còn 18%. Đây là thời kỳ ổn định ngân sách có tỷ lệ điều tiết giảm mạnh so với các giai đoạn trước (5%).

Qua nghiên cứu sự phát triển của nhiều quốc gia và các thành phố lớn trên thế giới, tỷ lệ ngân sách được giữ lại của các địa phương trên 10 triệu dân bình quân là 46,43%, thấp nhất là 33,09% (Paris). Năm 2019, UBND TP.HCM đã đề xuất xây dựng đề án điều chỉnh tỷ lệ phần trăm các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Theo đề xuất, UBND TP.HCM cho rằng cần nghiên cứu tỷ lệ điều tiết hợp lý cho ngân sách địa phương của TP.HCM cũng như các tỉnh - thành phố khác. Trong đó, tăng tỷ lệ điều tiết đối với TP.HCM từng bước trong 10 năm 2020-2030 từ 18% lên 33%, để TP.HCM có đủ nguồn lực, điều kiện phát triển bền vững, giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước và tiếp tục đóng góp lớn nhất cho cả nước.

Đáng chú ý, tại phiên bế mạc ký họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa IX diễn ra từ 7-9.12.2019, các đại biểu đã biểu quyết thông qua các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Một trong những nội dung chú ý là TP.HCM sẽ hoàn thành đề án điều chỉnh tỉ lệ điều tiết giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, dự kiến tháng 5.2020 sẽ trình đề án chính thức.

Phan Diệu

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/tphcm-thu-ngan-sach-bang-50-tinh-thanh-nhung-duoc-huong-qua-it-127443.html