TP HCM thông tin về việc thu hồi đất 2 bên đường

Việc thu hồi đất dọc các công trình giao thông để bán đấu giá và tái định cư cho người dân liên quan đang được TP HCM tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để khi triển khai thực hiện bảo đảm lợi ích của người dân

Ngày 19-3, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP HCM và Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) đã thông tin đến báo chí về đề án Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP, trong đó có nội dung thu hồi đất dọc theo các công trình giao thông để bán đấu giá và tái định cư cho người dân liên quan.

Chỉnh trang đô thị đồng bộ

Đại diện Sở TN-MT thông tin về đề án, ông Võ Công Lực, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất, cho biết đề án được Ban Thường vụ Thành ủy TP cho ý kiến đồng thuận vào ngày 15-10-2020 và được UBND TP phê duyệt vào ngày 17-2-2021. Đề án này được thực hiện trong 5 năm. Hiện Sở TN-MT đang triển khai các bước tiếp theo để thực hiện đề án.

Ông Võ Công Lực cho hay TP HCM đã từng làm ở tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè. "Quan điểm lúc đầu chỉ làm đường Nguyễn Hữu Thọ nhưng sau đó nhận thấy hai bên đường Nguyễn Hữu Thọ là đất nông nghiệp, chưa có hạ tầng giao thông nên TP đã nghiên cứu tạo quỹ đất hai bên đường để đầu tư đồng bộ. Theo quy hoạch xây dựng thời điểm đó, TP lấy thêm từ mép đường ra mỗi bên 75 m để thực hiện đấu giá, bù lại chi phí làm cầu đường Nguyễn Hữu Thọ" - ông Võ Công Lực nói.

Đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè, TP HCM Ảnh: LÊ PHONG

Đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè, TP HCM Ảnh: LÊ PHONG

Về tính pháp lý của việc thu hồi đất hai bên đường, ông Võ Công Lực cho biết hiện nay Luật Đất đai và Luật Quy hoạch cho phép TP làm điều này nhưng cần nghiên cứu và hoàn thiện để có các bước đi phù hợp. Nếu TP làm tốt, hạ tầng đô thị hai bên công trình sẽ hoàn thiện hơn, không còn những nhà "siêu mỏng", việc chỉnh trang đô thị cũng được đồng bộ.

Tuy nhiên, có những khó khăn mà Sở TN-MT phải tính toán khắc phục khi thực hiện. Dù luật cho phép nhưng chưa có những bước đi rõ ràng nên Sở TN-MT sẽ tiếp tục làm việc với các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành, Bộ TN-MT và các bộ, ngành liên quan để xin ý kiến. Ngoài ra, vốn cho dự án sẽ lớn khi thu hồi đất hai bên công trình. Hơn nữa, còn cần sự đồng thuận của người dân, bởi việc thu hồi đất hai bên đường cũng sẽ làm xáo trộn lớn đến cuộc sống của họ nên chính quyền phải có chính sách đi kèm thỏa đáng.

Tùy thuộc vào nhiều yếu tố

Đề cập việc thu hồi thêm bao nhiêu mét đất từ mép đường, ông Võ Công Lực cho biết Sở TN-MT đang nghiên cứu. Việc này sẽ được tính toán cụ thể trên cơ sở căn cứ vào quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng cũng như mật độ dân cư và từng dự án cụ thể. Về lộ trình thực hiện, có một số nội dung Sở TN-MT đang tiếp tục nghiên cứu; tuần tới, Sở TN-MT sẽ trình UBND TP kế hoạch thực hiện đề án này. Trong năm 2021, Sở TN-MT sẽ lấy phiếu đánh giá tác động từ người dân, đồng thời nghiên cứu đưa quỹ đất này vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm để trình HĐND TP.

Đồng tình, đại diện Sở QH-KT cho rằng việc thu hồi thêm đất hai bên công trình sẽ làm cho tuyến đường hài hòa, hợp lý hơn, tránh trường hợp giải tỏa xong thì xuất hiện những miếng đất nhỏ, không đáp ứng nhu cầu sử dụng, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Điều 31 Luật Quy hoạch đô thị đã quy định khi nghiên cứu lập quy hoạch khu đô thị mới phải bảo đảm nguyên tắc sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và khai thác tối đa quỹ đất hai bên đường. Luật cũng quy định nghiên cứu mở rộng tối thiểu 50 m khi quy hoạch chi tiết để giải tỏa. "Luật quy định tối thiểu là 50 m, chúng ta có thể lấy rộng hơn nếu có nhiều quỹ đất trống, khai thác được" - đại diện Sở QH-KT nói.

Dẫn kinh nghiệm một số nước trên thế giới, đại diện Sở QH-KT cho hay khi làm một công trình, họ nghiên cứu từ 3- 4 năm, lấy ý kiến người dân. Người dân được bố trí tái định cư tại chỗ, phần dôi dư đem đi đấu giá, đấu thầu rồi đầu tư lại, đồng bộ với hạ tầng hiện có. Việc thu hồi thêm bao nhiêu đất nên căn cứ trên đề án nghiên cứu để khảo sát và ưu tiên lấy theo địa giới hành chính tự nhiên.

Đem lại hiệu quả cao nhất

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, cho biết đề án này sẽ còn tiếp tục được hoàn thiện, trong đó căn bản nhất là trưng cầu ý dân, qua đó chọn phương án tốt nhất, mang lại hiệu quả cao nhất cho người dân. "Vấn đề này chưa có quyết định chính thức để triển khai. Sở TN-MT và Sở QH-KT nên có gắn kết, trao đổi nhiều hơn với báo chí để thông tin đề án đến người dân một cách đầy đủ, chính xác" - ông Phan Nguyễn Như Khuê lưu ý.

PHAN ANH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tp-hcm-thong-tin-ve-viec-thu-hoi-dat-2-ben-duong-20210319212237965.htm