TP.HCM thiệt hại hàng trăm triệu đồng sau một trận mưa

TGTTO TP.HCM đã triển khai hàng loạt dự án chống ngập với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, nhưng đến nay ngập nước vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng với người dân.

Hôm qua (5/12), các nhà nghiên cứu, lãnh đạo các công ty phát triển thiết bị chống ngập... đã tham gia hội thảo “Tìm giải pháp chống ngập ở TP.HCM”.

Có đến 2/3 diện tích TP.HCM ngập nước nếu mưa

Tại hội thảo, thạc sĩ Lê Văn Thành - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, khảo sát cho thấy có 2/3 diện tích của TP.HCM bị ảnh hưởng bởi ngập nước. Chỉ riêng trận mưa lớn cuối tháng 11 vừa qua theo tính toán chưa đầy đủ, gây thiệt hại ước tính khoảng 200 tỷ đồng.

Trong đó, ước tính thiệt hại do di chuyển đi lại chậm, xe tắt máy… khoảng 100 tỷ; thất thu kinh doanh dịch vụ thương mại khoảng 30 tỷ; thiệt hại sản xuất công, nông nghiệp khoảng 20 tỷ; các bệnh truyền nhiễm, y tế phòng chống dịch 10 tỷ; hoạt động văn phòng, cơ quan đình trệ khoảng 10 tỷ và thiệt hại dọn dẹp nhà cửa, đường sá, trường học… khoảng 10 tỷ đồng.

Ông Thành chia sẻ: “Đây chỉ là một ước tính mang tính chất gợi ý nhưng nó cho thấy một khoảng tổn thất rất lớn. Phạm vi ảnh hưởng và tác động của vấn đề ngập nước ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của người dân và mục tiêu phát triển của thành phố. Do đó, nếu không giải quyết được vấn đề ngập úng thì các mục tiêu lớn khác của thành phố cũng sẽ khó đạt được”.

Ông Lê Văn Thành, phát biểu tại hội thảo

TS Đỗ Tấn Long - Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước mưa thuộc Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM cho biết, công tác chống ngập tại TP.HCM mới chỉ thực sự được quan tâm từ năm 2.000 tới nay. Hiện TP.HCM đang thực hiện chống ngập theo 2 quy hoạch chính gồm Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ 752/QĐ-TTG ngày 19-6-2001 (Quy hoạch 752) và Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt tại QĐ 1547/QĐ-TTG ngày 28-10-2008 (Quy hoạch 1547).

Tuy nhiên, do nguồn vốn không đủ đáp ứng nên không thể hoàn thành các dự án theo kế hoạch đã đề ra. Theo đó, tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2016-2020 là 73.379 tỷ đồng, nhưng tất cả nguồn vốn bao gồm ngân sách TP, hỗ trợ từ trung ương, cổ phần hóa... mới được 26.852 tỉ đồng, cần huy động thêm 46.527 tỉ đồng.

Nhìn nhận về vấn đề chống ngập tại TP.HCM, TS Lê Xuân Bảo, Viện trưởng Viện Thủy lợi và môi trường cho rằng, chúng ta bàn và phân tích nguyên nhân rất nhiều song có điểm chính gồm: Thủy triều, lũ thượng nguồn và mưa. Do đó, bản chất chống ngập là cần "dắt mưa" ra ngoài và ngăn triều lũ tiến vào.

Chống ngập - hành trình “dài hơi”

Tại hội thảo, ông Nguyễn Tăng Cường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung cho hay, sau 7 năm ròng rã nghiên cứu và sáng chế để chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, hầu hết các trận mưa lớn nhỏ đều xử lý được.

Ông Cường cho rằng, thủ phạm chính gây ngập, 65% diện tích bị ngập, đa phần cốt nền những vị trí này tầm 1,5m trong khi thủy triều 1,68m, chưa kể nước biển dâng…

Đa phần các giáo trình chống ngập đều nói đến vấn đề thoát nước phải có cống, có độ dốc, phải có hồ điều tiết… Tuy nhiên, việc làm hồ chứa nước và nâng cốt nền gần như không thể. “Ví dụ như Hà Lan, cốt nền họ thấp hơn nước biển, nếu thủy triều lên thì họ đóng cổng lại, nếu mưa xuống thì bơm nước ra và TP.HCM cũng tương tự như vậy. Về giải pháp, nếu cốt nền thấp thì chỉ dùng bơm”, ông Cường cho hay.

Chỉ một cơn mưa, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM sẽ ngập trong "biển nước"

Trong phần thảo luận, rất nhiều câu hỏi liên quan việc vì sao ở một số khu vực ngoại thành có nhiều tuyến đường “làm đường nhưng không làm cống”... Đại diện Phòng Quản lý cấp Thoát nước, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho rằng, vấn đề này lệ thuộc vào quy hoạch, định hướng của khu dân cư nơi đó. Chẳng hạn nhưng một số tuyến đường ở huyện Bình Chánh không làm cống mà chủ động nước chảy sang hai bên.

Trong khi đó, ông Lý Khánh Tâm Thảo, quyền trưởng Phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cho rằng, việc phát triển tăng trưởng của thành phố liên quan đến nâng cấp hạ tầng kỹ thuật.

“Sở quy hoạch kiến trúc đang đề xuất UBND TP.HCM để điều chỉnh về quy hoạch cốt san nền, tham mưu UBND đặt hàng cho đơn vị thi công cách thoát nước khác nhau cho từng khu vực khác nhau. Có từng giải pháp như vậy thì sẽ có gương mặt cốt san nền cụ thể hơn, hiệu quả hơn” – ông Thảo cho biết.

Theo số liệu của một số chuyên gia đưa ra, chỉ cần một trận mưa gây ngập, TP.HCM thiệt hại gần 200 tỷ đồng

Người dân chật vật sau mỗi trận mưa

Theo các chuyên gia, công tác chống ngập còn phải nghiên cứu lâu dài, cần có hướng đi cụ thể và khắc phục toàn bộ khu vực chứ không phải cục bộ tại các điểm ngập thường xuyên. TP.HCM cần có giải pháp đồng bộ để ngăn triều lũ tiến vào, cần tập trung xây hồ điều tiết và đẩy nhanh hoàn thành dự án ngăn triều chống ngập có xét yếu tố biến đổi khí hậu. Đồng thời, sử dụng các giải pháp tình huống như máy bơm thoát nước khi mưa lớn đổ xuống...

Hàng chục năm qua, TP.HCM đã triển khai hàng loạt dự án chống ngập với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, nhưng đến nay ngập nước vẫn còn là nỗi ám ảnh kinh hoàng với người dân.

HỒNG TRÂM

Đỉnh triều cường năm sau cao hơn năm trước và hiện nay đã xác lập kỷ lục 1,71 m. Thành phố đang lún với tốc độ từ 3 đến 5 cm mỗi năm. Cơ sở hạ tầng phát triển không đồng bộ, quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập với các cao ốc, chung cư tiếp tục mọc lên ở trung tâm thành phố… càng làm bài toán chống ngập trở nên nan giải.

Đến nay toàn thành phố xây được 4.176 km/6.000 km cống thoát nước; nạo vét, cải tạo 60,3/5.075 km kênh rạch (đạt hơn 1%); hoàn thành xây dựng 1/10 cống kiểm soát triều; xây dựng 64/129 km đê bao bờ hữu sông Sài Gòn… và, vẫn chưa giải quyết được bài toán chống ngập.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/tp-hcm-thiet-hai-hang-tram-trieu-dong-sau-mot-tran-mua-19681.html