TP.HCM: Thí điểm tổ chức xe đạp công cộng trong 1 năm

Tổ chức cho thuê 350 xe đạp công cộng tại 43 vị trí gần các trạm xe buýt trong khu vực trung tâm TP.HCM.

Sở GTVT TP.HCM cho hay đang tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo đề xuất thí điểm mô hình xe đạp công cộng Mobike để trình UBND TP xem xét, thông qua. Để hiểu rõ hơn một số vấn đề liên quan đến mô hình xe đạp công cộng này, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ TP.HCM.

Sở GTVT sẽ thí điểm tổ chức cho thuê 350 xe đạp công cộng ở trung tâm TP. Ảnh: T.NGUYÊN

Sở GTVT sẽ thí điểm tổ chức cho thuê 350 xe đạp công cộng ở trung tâm TP. Ảnh: T.NGUYÊN

Góp phần hạn chế xe cá nhân

. Phóng viên: Xin ông cho biết mục tiêu cụ thể của việc thí điểm xe đạp công cộng tại trung tâm TP?

+ Ông Đỗ Ngọc Hải: Mô hình xe đạp công cộng nhằm thu hút nguồn lực xã hội hóa cùng TP mở rộng mạng lưới kết nối giao thông công cộng của TP. Đồng thời mô hình này cũng góp phần tạo thêm sự lựa chọn về phương thức giao thông công cộng cho du khách đến tham quan khu vực trung tâm TP.

Đặc biệt, loại hình xe đạp công cộng này sẽ kết nối những cự ly ngắn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế các xe cá nhân vào trung tâm TP. Tương lai, đây cũng là một trong những phương tiện kết nối với các tuyến metro của TP.

Do đó, khi Tập đoàn Trí Nam (chủ đầu tư dự án) đề nghị triển khai thí điểm mô hình này, Sở GTVT cũng khuyến khích. Trường hợp các nhà đầu tư khác muốn tham gia trong thời gian thí điểm, sở cũng sẽ tiếp tục trình UBND TP.

. Nhiều tuyến đường trung tâm TP thường xuyên bị kẹt xe, việc thí điểm xe đạp công cộng có đảm bảo lưu thông không?

+ Ban đầu chủ đầu tư đề xuất cho thí điểm 1.000 xe đạp. Sau đó, Trung tâm Điều hành giao thông công cộng đã cho chạy mô phỏng 1.000 xe này trên mô hình giao thông. Qua kiểm tra thì việc tăng thêm 1.000 xe đạp công cộng không làm ảnh hưởng đến giao thông. Tuy vậy, thời gian đầu Sở GTVT chỉ cho phép chủ đầu tư triển khai thí điểm 350 xe đạp.

Trước mắt, xe đạp công cộng sẽ sử dụng làn đường chung với xe máy. Ngoài ra, hiện một số tuyến đường trung tâm như Hàm Nghi, Pasteur đã có hai bên làn đường 1,5 m có thể thiết kế thành làn đường cho xe đạp.

Đồng thời, việc thí điểm xe đạp công cộng trong thời điểm hiện nay sẽ là cơ sở để điều chỉnh việc thiết kế các dự án mới cũng như các dự án sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường sau này… Bởi khi tiến hành nghiên cứu các dự án giao thông, ngành chức năng cũng sẽ nghiên cứu phương án mở thêm làn đường riêng cho xe đạp.

Nhiều chức năng định vị và chống trộm

. Kế hoạch triển khai cụ thể của Sở GTVT và chủ đầu tư như thế nào nếu được UBND TP thông qua?

+ Hiện nay, Sở GTVT đang làm rõ hơn về các bước khảo sát vị trí, con người, xe cộ và phần mềm cho dự án xe đạp công cộng này.

Sau khi thường trực UBND TP thông qua, Sở GTVT và chủ đầu tư sẽ lên kế hoạch chi tiết và sẵn sàng triển khai ngay công tác thí điểm mô hình này. Dự kiến thời gian thí điểm là 12 tháng. Nhà đầu tư sẽ bỏ chi phí đầu tư, vận hành. Sau đó ngành chức năng sẽ đánh giá tổng kết để có những quyết định tiếp theo.

Sở GTVT và chủ đầu tư đã tiến hành khảo sát, lập hồ sơ cho 43 vị trí trạm xe đạp công cộng ở trung tâm TP. Khu vực được chọn làm trạm xe đạp sẽ được bố trí gần với các điểm dừng xe buýt để đảm bảo cho người dân có thể tiếp cận thuận lợi.

Mỗi trạm này sẽ có 10-12 xe đạp, mỗi xe đạp đều được gắn khóa thông minh và có chức năng định vị GPS.

. Người dân chưa quen sử dụng xe đạp công cộng liệu có gặp khó trong thời gian đầu? Ngoài ra, tình trạng mất cắp có thể cũng là vấn đề đáng quan tâm?

+ Trong thời gian thí điểm, chủ đầu tư sẽ bố trí nhân viên tại các vị trí đỗ xe để hướng dẫn cách sử dụng cho người dân được rõ. Cách sử dụng cũng rất đơn giản nên vấn đề tạo thói quen cho người dân cũng không hề khó.

Còn về tình trạng mất cắp cũng không đáng lo ngại. Khách hàng khi sử dụng đều phải đăng ký dịch vụ và xác minh tính hợp lệ của thông tin cá nhân. Việc này được thực hiện thông qua ứng dụng di động, web (thẻ căn cước, ảnh chân dung, thẻ ngân hàng) hoặc đăng ký trực tiếp tại trung tâm.

Đặc biệt, mỗi xe đạp đều được gắn một thẻ ID định danh, thông qua hệ thống phần mềm, trung tâm có thể giám sát được xe nào đang ở vị trí nào và xe nào đang có người sử dụng. Các khóa thông minh trên xe sử dụng sẽ có kết cấu khóa đặc thù và có khả năng cảnh báo nếu có tác động mở khóa trái phép. Đồng thời, trung tâm giám sát cũng đưa ra cảnh báo nếu người dùng không trả xe, dùng xe quá thời gian.

Bên cạnh đó, thiết kế xe đạp sẽ có chi tiết đặc thù, khó có khả năng thay thế và khó mua bán trên thị trường. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng sẽ lắp đặt camera tại các trạm xe để giám sát kỹ hơn.•

Miễn phí 15 phút đầu
Để sử dụng dịch vụ này, người dân sẽ tải miễn phí và cài ứng dụng Mobike trên điện thoại thông minh. Thông qua ứng dụng này, người dân có thể quét tìm xung quanh để đến được điểm có xe gần nhất.
Người dùng xe có thể thanh toán tiền thuê xe qua các kênh như tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, nộp tiền trực tiếp. Giá vé dự kiến là 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút. Thời gian đầu sẽ miễn phí trong 15 phút sử dụng đầu tiên để khuyến khích người dùng.
Thời gian tới, nhà đầu tư sẽ mở rộng các khung thời gian sử dụng từ 15 phút, 30 phút đến 60 phút và đa dạng các loại vé theo ngày, tháng, quý, năm. Mức giá đề xuất nêu trên chỉ mới là tham khảo và cần chờ giá vé chính thức sau khi được UBND TP thông qua.
Ông ĐỖ NGỌC HẢI, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ TP.HCM

Thái Nguyên

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/tphcm-thi-diem-to-chuc-xe-dap-cong-cong-trong-1-nam-956951.html