TP.HCM: Thầy giáo dự đoán điểm thi môn Ngữ văn thấp

Giáo viên dạy Ngữ văn tại TP.HCM cho rằng, với đề thi Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, có thể thí sinh không đạt điểm cao như năm ngoái.

Kết thúc 120 phút thi môn Ngữ văn, rất nhiều thí sinh tại TP.HCM tỏ ra thích thú với câu nghị luận xã hội. Bởi, câu hỏi này gắn liền với thực tế và tâm lý lứa tuổi. Tuy nhiên, để đạt điểm cao sẽ rất khó.

Tại hội đồng Thi trường THPT Trưng Vương (quận 1), thí sinh Huỳnh Tú Hiền, học sinh trường trung học Quốc tế Á Chấu hào hứng cho biết: "Nhìn chung đề thi năm nay không quá khó. Với đề thi này, các bạn chọn môn Ngữ văn làm chủ lực sẽ có lợi thế trong xét tuyển".

Đặc biệt, đề thi năm nay khá hay bởi có sự kết hợp giữa các câu hỏi với nhau và có sự kết hợp giữa kiến thức lớp 11 và 12.

Trong khi đó, thí sinh Đặng Trúc Ly, học sinh trường THPT Trưng Vương tỏ ra rất thích thú với câu hỏi nghị luận xã hội. Em chia sẻ: "Chỉ cần ôn tập kỹ các tác phẩm văn học là có thể làm bài tốt. Năm nay, em thấy câu hỏi nghị luận xã hội khá hay và rất thực tế. Nó gắn liền với tâm lý lứa tuổi chúng em".

"Em không đặt nặng điểm thi vào môn Văn nhưng với đề thi này thì không khó. Đề vừa sức với học sinh trung bình và tránh điểm liệt. Tuy nhiên, để có điểm cao rất khó. Câu nghị luận xã hội khá hay bởi có sự liên hệ gắn liền với thực tế", thí sinh Phân Huỳnh Đức, học sinh trường THPT Trần Đại Nghĩa chia sẻ.

Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc chúc thí sinh thi tốt.

Em Thiên Kim, học sinh trường Quốc tế Á Châu cũng nhận xét: "Đề Văn năm nay khá mở, phần nghị luận xã hội phù hợp với lứa tuổi học sinh. Đây là lứa tuổi đang lớn có những suy nghĩ cho đất nước và tương lai của mình. Ở bài nghị luận xã hội đòi hỏi thí sinh phải có khả năng suy luận".

Đánh giá về đề thi môn Ngữ văn năm nay, Ths. Phan Thế Hoài, giáo viên THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP.HCM) nhận định: “Nhìn chung, đề thi năm nay có cấu trúc quen thuộc, vì thí sinh đã làm quen qua đề thi minh họa của bộ GD&ĐT, và được luyện tập trên lớp nhiều. Phần đọc hiểu văn bản có câu hỏi khá nhẹ nhàng, bao quát cả phần Văn và tiếng Việt, tăng tiến qua mức độ khác nhau: Nhận biết, thông hiểu và vận dụng".

"Câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh viết đoạn văn 200 chữ về một hiện tượng đời sống. Đây là vấn đề có tính thời sự, đòi hỏi vận dụng cả kiến thức lớp 11, yêu cầu thí sinh phải có kỹ năng làm kiểu bài nghị luận xã hội mới đạt điểm cao”, Ths Hoài nói thêm.

Thí sinh tại TP.HCM bước vào môn thi đầu tiên kỳ thi THPT Quốc gia vào sáng nay (25/6).

Cũng theo ông, câu nghị luận văn học yêu cầu thí sinh phân tích vẻ đẹp chiếc thuyền ngoài xa và bạo lực gia đình hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa, của Nguyễn Minh Châu). Từ đó liên hệ với sự đối lập giữa cảnh phố huyện đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (Hai đứa trẻ của Thạch Lam) để làm rõ chất hiện thực qua hai tác phẩm.

Câu này bất ngờ cho cả giáo viên và thí sinh. Với câu này, học sinh khá trở lên mới có thể làm trọn vẹn. Và, ông Hoài nhận định, điểm thi và điểm trung bình môn Ngữ văn năm nay có thể không cao, dự định sẽ thấp hơn năm ngoái. Từ cách ra đề thi này, đòi hỏi người thầy phải thay đổi về cách dạy, người học thay đổi về cách học.

Lành Nguyễn

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/tphcm-thay-giao-du-doan-diem-thi-mon-ngu-van-thap-a375177.html