TP.HCM thành lập sàn giao dịch heo, người chăn nuôi được gì?

UBND TP.HCM vừa giao Sở Công Thương thực hiện Đề án thành lập sàn giao dịch heo.

Mục tiêu của việc thành lập sàn giao dịch heo nhằm tạo sự minh bạch thông tin, giá cả thị trường, điều tiết hợp lý về giá. Vậy khi có Sàn giao dịch heo, người chăn nuôi sẽ được gì?

Trại heo của ông Lê Văn Hiền, ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre mỗi tháng xuất chuồng khoảng 500 heo thịt. Là người có nhiều kinh nghiệm trong ngành chăn nuôi, với 15 năm làm việc cho các doanh nghiệp FDI lĩnh vực này, nhưng vẫn bị các thương lái ép giá, sản phẩm thịt heo phải chịu nhiều chi phí trung gian mới tới tay người tiêu dùng. Vì vậy, việc TP.HCM chuẩn bị thành lập Sàn giao dịch heo là một tín hiệu vui đối với người chăn nuôi như ông.

Sàn giao dịch heo nhằm tạo sự minh bạch thông tin, giá cả thị trường, điều tiết hợp lý về giá.

Sàn giao dịch heo nhằm tạo sự minh bạch thông tin, giá cả thị trường, điều tiết hợp lý về giá.

Ông Hiền nghĩ, khi đó heo của ông sẽ được bán trực tiếp cho người kinh doanh ở chợ đầu mối với giá tốt, chứ không phải qua nhiều tầng nấc trung gian như hiện nay. Ông Hiền cũng chuẩn bị cho việc tham gia sàn giao dịch.

“Trong tương lai tôi sẽ nâng chất lượng sản phẩm gắn kết những hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ để tạo nguồn cung lớn tham gia sàn để sản phẩm bán giá tốt”, ông Hiền nói.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và người chăn nuôi, việc thành lập sàn giao dịch heo là rất cần thiết. Với điều kiện kinh doanh, giết mổ, mức tiêu thụ hiện nay, thành phố có đủ điều kiện thành lập sàn giao dịch heo. Thị trường thịt heo của TPHCM có quy mô 17.000 tỷ đồng/năm. Nguồn cung thịt heo cho thành phố đến từ 10 tỉnh lân cận với 1.500 cơ sở chăn nuôi, 24 cơ sở giết mổ, 70 thương lái và hơn 100 thương nhân kinh doanh heo mảnh tại các chợ đầu mối, 24 nhà bán lẻ hiện đại.

Việc hình thành sàn giao dịch sẽ minh bạch thông tin, giá cả thị trường, điều tiết hợp lý giá, tránh tình trạng thương lái ép giá và heo giao dịch qua sàn luôn đảm bảo chất lượng. Khi đó, người chăn nuôi thực sự được quyền quyết định giá của mình và người mua cũng được lợi vì không phải qua trung gian.

Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, với vai trò là doanh nghiệp, ông ủng hộ sàn giao dịch heo. Vissan mỗi ngày cần 1.200 - 1.500 con heo nhưng không nhất thiết giao heo ngay trong ngày mà có thể đặt trước 1 tuần hoặc 1 tháng.

“Khi thông tin được công khai, giao dịch như vậy sẽ giải quyết được tình trạng thương lái ép giá”, ông Phú cho hay.

Thịt heo trong thời gian gần đây đang tăng giá mạnh ở khắp các khu vực trong cả nước.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đối với sàn giao dịch heo, cơ quan nhà nước chỉ nên đóng vai trò định hướng, còn việc vận hành dành cho doanh nghiệp cổ phần, và hoạt động giống như sàn giao dịch chứng khoán. Ở đó không chỉ có người mua, bán và có cả nhà đầu tư. Chính vì vậy, Ban đề án phải tính đến những dịch vụ liên quan kho trữ, chứa hàng hóa, nhất là lúc giá cả biến động, dịch vụ tài chính, bảo hiểm và logistic…

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam cho rằng, nhiều nước đã thành công với sàn giao dịch hàng hóa. Tuy nhiên, Việt Nam từng thất bại với Sàn giao dịch Cà phê ở Buôn Ma Thuột nên thành phố cần nghiên cứu kỹ.

“Nếu chúng ta thành lập sàn giao dịch heo mà chỉ xác định giao dịch thật, mua hàng thật thì thu phí sẽ không đủ duy trì hoạt động cho cả bộ máy vận hành. Nếu sàn giao dịch có cả ngàn người mà chỉ có 100 người giao dịch lớn thì số tiền phí không bao nhiêu. Đã làm sàn thì phải giao dịch như sàn chứng khoán”, ông Nam cho biết.

Hiện nay, điều người chăn nuôi băn khoăn khi tham gia sàn giao dịch là hình thức giao heo như thế nào? Nếu giao dịch heo mảnh thì việc giết mổ, kho trữ đông như thế nào đảm bảo chất lượng…? Hiện Ban Đề án Sàn giao dịch heo TP.HCM cũng tính đến những chủ thể tham gia dịch vụ logictis này.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó trưởng Ban Đề án sàn giao dịch heo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM cho biết: “Khi hình thành phương thức giao dịch này thì đã xã hội hóa rồi và sẽ có nhà đầu tư làm dịch vụ này. Các lò giết mổ công nghiệp theo đúng quy trình của các nước luôn có kho lưu trữ. Kho trữ này có thể do doanh nghiệp giết mổ đầu tư hoặc doanh nghiệp chuyên làm kho lạnh. Trách nhiệm của đề án sẽ chỉ ra những đơn vị làm logistics”.

Hy vọng giao dịch heo sẽ không loại ai ra khỏi cuộc chơi, mà nó sẽ trả về đúng vai trò, vị trí và đảm bảo quyền lợi hợp lý của các chủ thể tham gia. Khi đó, cả người chăn nuôi, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều vì không còn quá nhiều chi phí trung gian bất hợp lý và tạo sự cạnh tranh sòng phẳng hơn trên thị trường thịt heo./.

Lệ Hằng/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tphcm-thanh-lap-san-giao-dich-heo-nguoi-chan-nuoi-duoc-gi-979486.vov