TP.HCM tăng phí bảo vệ môi trường hay tăng thu nhập cho cán bộ?

Đề xuất tăng phí môi trường đối với nước thải công nghiệp của Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM bị các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng chưa khách quan và thiếu cơ sở khoa học.

Tại hội nghị phản biện đối với dự thảo Đề án điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn TP.HCM vào ngày 1/3, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đã có ý kiến.

Dự thảo của Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP.HCM đề xuất được cho là còn sơ sài, thiếu cơ sở khoa học, chưa khách quan… phải tiếp tục được hoàn thiện.

Tăng thu từ 8 tỷ lên 60 tỷ đồng một năm

Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết TP.HCM đã thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, theo Nghị định 154/2016, với tổng mức thu khoảng 8 tỷ đồng mỗi năm.

Cách tính phí được xác định theo hai mức là 1,5 triệu đồng/năm với cơ sở sản xuất có lượng nước thải dưới 20 m3/ngày đêm. Trường hợp cơ sở xả thải trên 20 m3/ngày đêm ngoại phí cố định phải nộp thêm phí biến đổi (tính theo tổng lượng nước thải, hàm lượng ô nhiễm, mức thu hồi với mẫu chất). Hạn chế của cách tính này là mức thu chưa tương ứng với lưu lượng thải và chưa đảm bảo công bằng giữa các đối tượng nộp phí.

Đề xuất tăng phí nước thải công nghiệp vấp phải nhiều ý kiến phản đối.

Đề xuất tăng phí nước thải công nghiệp vấp phải nhiều ý kiến phản đối.

Để đảm bảo sự công bằng, dự thảo đề xuất mức phí cố định 1,5 triệu đồng/năm chỉ áp dụng đối với các cơ sở sản xuất xả thải dưới 5 m3/ ngày đêm. Đối với cơ sở sản xuất có tổng lượng thải trên 5 m3/ngày đêm sẽ áp dụng thêm hệ số K - về lưu lượng (K= lưu lượng xả thải: 5).

Ngoài những ngành nghề phải đóng phí như quy định tại Nghị định 154, dự thảo bổ sung thêm hai đối tượng chịu thuế là cơ sở y tế, bệnh viện, phòng khám chữa bệnh (523 cơ sở, tổng lưu lượng 22.262 m3/ngày đêm); cơ sở xử lý chất rắn, từ bãi chôn lấp rác thải (lưu lượng khoảng 7.883 m3/ ngày đêm).

Sở TN-MT dự kiến sẽ có 3.310 cơ sở sản xuất phải đóng phí tổng cộng 60 tỷ đồng/năm. Trong số này, 25% sẽ để trang trải chi phí nghiệp vụ chuyên môn, quản lý thu phí, còn lại 75% nộp vào ngân sách TP để sử dụng cho công tác bảo vệ môi trường…

'Phí để điều chỉnh hành vi, không phải để tăng thu'

Ông Tống Hữu Châu, Thành viên Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật và môi trường TP.HCM (Ủy viên UBMTTQ TP.HCM) cho rằng, cách tính hệ số K như vậy là chưa công bằng, chưa khác biệt giữa các đối tượng.

Hệ số K giữa các đối tượng, theo ông, cần có sự chênh lệch cả chục lần do có những cơ sở đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chi phí vận hành hàng chục, trăm tỷ mỗi năm.

Ông cho rằng phương pháp xác định lượng thải còn rất chung chung. Ngoài ra, chất độc hại theo danh mục của dự thảo chỉ có 6, trong khi đó hiện nay các loại chất độc hại rất nhiều nếu không bổ sung mà thông qua thì các chất nguy hại khác có nguy cơ được lọt sổ. "Dự thảo phải được xây dựng trên cơ sở khách quan và công bằng cho mọi đối tượng", ông bày tỏ.

Thành viên Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật và môi trường TP.HCM cho rằng TP phải có chế tài, thậm chí là đóng cửa các cơ sở y tế chưa có hệ thống xử lý nước thải. "Việc tính phí bảo vệ môi trường với các cơ sở này 'đánh' vào túi tiền người dân trong khi cơ sở y tế mới là đối tượng phải có hệ thống xử lý nước thải", ông nói.

Cá chết do ô nhiễm môi trường ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh minh họa: Thuận Lâm.

Ông Trần Thanh Hồng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận - Khu chế xuất Tân Thuận, dẫn chứng kinh phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải của doanh nghiệp ông lên đến hàng trăm tỷ đồng. Chi phí vận hành, chưa kể cho cải tiến công nghệ, mỗi tháng cũng tốn hàng chục triệu.

Với dự thảo, hệ số K không có sự khác biệt giữa đối tượng có hệ thống xử lý và không, cũng không có cơ sở khoa học. Doanh nghiệp ước tính với mức tăng thu này, họ phải tăng mức đóng phí hơn 7 lần, quá khả năng chịu đựng.

“Thu phí mà để lại cho bộ máy 25% sẽ gây ra rất nhiều vấn đề nhạy cảm. Tăng thu phải có sơ sở khoa học với mục đích cuối cùng là điều chỉnh hành vi nhằm nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của mọi đối tượng không phải để tăng thu nhập cho cán bộ”, ông Hồng thẳng thắn bày tỏ.

Trong khi đó, Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế - SCIS (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn), đưa ra ý kiến: "Mục đích tăng phí để điều chỉnh hành vi phải làm rõ việc tăng thu như vậy thì điều chỉnh hành vi bảo vệ môi trường của các đối tượng tăng bao nhiêu phần trăm. Bên cạnh đó, cách tổ chức, lộ trình thu như thế nào cũng chưa được đề án làm rõ".

Đa số các ý kiến phản biện cho rằng dự thảo chưa thuyết phục, thiếu cơ sở khoa học và yếu về mặt pháp lý cũng như sự công bằng giữa các đối tượng chịu phí. Cách tính phí cũng phải dựa trên mức độ gây ô nhiễm, ô nhiễm tích lũy không phải khối lượng xả thải. Bên cạnh đó đề án cũng thiếu phần chế tài đối với các đối tượng vi phạm…

Một số lĩnh vực, ngành nghề hoạt động trên địa bàn TP có lưu lượng phát sinh nước thải lớn, có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như các cơ sở y tế, bệnh viện, phòng khám chữa bệnh... lại không có tên trong danh sách phải chịu phí bảo vệ môi trường hiện hành.

Bình Nguyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tphcm-tang-phi-bao-ve-moi-truong-hay-tang-thu-nhap-cho-can-bo-post822769.html