TP.HCM: Tăng cường ôn tập, thi thử cho học sinh lớp 12

Đến thời điểm này, công tác ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia đang bước vào giai đoạn nước rút. Các trường THPT tại TP.HCM đang tăng cường ôn và thi thử cho học sinh lớp 12.

Ảnh minh họa

Ôn tập theo nguyện vọng và năng lực của học sinh

Theo lãnh đạo các trường THPT, hầu như các trường đều đã có kế hoạch dạy và ôn cho học sinh từ đầu năm học, theo nguyện vọng cũng như năng lực của học sinh, để các em theo suốt đến khi thi.

Thầy Đặng Đình Quý, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình cho hay, sau khi có đề thi minh họa, nhà trường đã chuyển đề thi cho các tổ chuyên môn đánh giá, nhanh chóng lên kế hoạch đưa vào nội dung dạy học.

Theo đánh giá, đề minh họa năm nay khó hơn năm ngoái vì có lồng ghép kiến thức lớp 11, sự phân hóa đề thi cũng cao hơn nên sẽ vất vả cho cả thầy lẫn trò. Vào buổi sáng, trường vẫn đảm bảo dạy theo chương trình của Bộ GDĐT. Buổi chiều các thầy cô sẽ có thời gian ôn tập, lồng ghép kiến thức lớp 11, tăng cường ra đề để các em luyện tập.

Trường THPT Phú Nhuận cũng tổ chức 2 đợt thi thử để học sinh có cơ hội luyện tập. Đề thi sẽ dựa trên cấu trúc của đề minh họa với khoảng 80% kiến thức lớp 12 và 20% kiến thức trọng tâm lớp 11. Dựa vào kết quả thi, giáo viên sẽ biết học sinh còn hổng, yếu ở phần nào và lên kế hoạch tăng cường ở phần đó.

Thầy Trần Ngọc Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám cho biết, ngay khi có đề minh họa, trường đã họp tổ chuyên môn để nghiên cứu, phân tích đề xem cấu trúc, lượng kiến thức ra sao. Cuối tháng 4, khi học sinh lớp 12 kết thúc chương trình sẽ tập trung ôn tập. Khoảng hai tuần trước khi kỳ thi diễn ra, trường sẽ tổ chức một đợt thi thử để các em làm quen với cấu trúc đề, qua đó bản thân các em sẽ biết mình còn yếu phần nào để tự hoàn thiện.

Trường THPT Gia Định đã bước vào giai đoạn học tập nước rút. Cuối tháng 4, khi kết thúc chương trình môn học, học sinh lớp 12 sẽ tập trung ôn thi, các tổ bộ môn sẽ có những điều chỉnh về thời lượng giữa các môn học, bổ sung thêm một số tiết ôn tập kiến thức lớp 11.

Hiện tại, nhiều trường đã tận dụng tiết học ở buổi hai để tổ chức ôn tập, hệ thống kiến thức lớp 11, cũng như tăng cường ra các đề thi mẫu cho học sinh luyện tập.

Song song đó, trong các bài kiểm tra một tiết, giáo viên sẽ tổ chức giống hình thức thi THPT quốc gia để học sinh quen dần với định dạng đề thi tốt nghiệp.

Tại Trường THPT Nguyễn Du, Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú cho biết, việc ôn tập không quá sa đà vào chương trình lớp 11 mà ưu tiên đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng lớp 12.

Tại Trường THPT Phạm Ngũ Lão (Q.Gò Vấp), ngoài việc tăng tiết đối với những môn thi THPT quốc gia, từ 26/3 mỗi tuần, học sinh khối 12 sẽ làm bài kiểm tra theo đề chung của trường đối với 2 môn thi THPT quốc gia.

Khoa học tự nhiên vẫn chiếm ưu thế

Đến thời điểm này, học sinh khối 12 đã đăng ký xong bài thi tổ hợp. Trong tổng số hơn 1.000 học sinh khối 12 của Trường THPT Gia Định, có khoảng 800 em đăng ký bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN).

Tương tự, tại Trường THPT Trần Khai Nguyên, tỷ lệ học sinh đăng ký tổ hợp KHTN cũng chiếm áp đảo với hơn 70%.

Tại Trường THPT Nguyễn Du, dựa trên nguyện vọng đăng ký của học sinh, khối 12 được tổ chức thành 21 lớp, trong đó có 19 lớp KHTN và 2 lớp Khoa học xã hội (KHXH).

Còn tại Trường THPT Thủ Đức, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã khảo sát việc chọn bài thi của các em để định hướng việc ôn tập phù hợp. Theo đó, số em chọn bài thi KHXH tăng hơn so với năm trước, từ 2 lớp lên 5 lớp với 169 em, chiếm gần 1/4 số học sinh lớp 12. Còn lại - 584 em chọn bài thi KHTN.

Thầy Đặng Đình Quý, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình, cho biết, từ đầu năm học, trường đã triển khai phân loại lớp theo tổ hợp KHTN và KHXH. Trường có 707 HS lớp 12, phân thành 17 lớp, trong đó có tới 13 lớp khối tự nhiên và chỉ có 4 lớp theo khối xã hội.

Tại các trường khác trong thành phố, tỉ lệ học sinh chọn tổ hợp khoa học tự nhiên vẫn chiếm ưu thế.

Nhận định chung về đề thi tham khảo các môn của Bộ GDĐT, ông Phạm Ngọc Tiến, Phó phòng Giáo dục trung học Sở GDĐT TP.HCM, phân tích: Đề thi có tỷ lệ kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 20% - 25%; kiến thức dàn trải ở cả học kỳ 1 và học kỳ 2 với mức độ vừa và đơn giản, yêu cầu vận dụng thấp. Học sinh chỉ cần nắm bắt và hiểu biết kiến thức là có điểm ở các câu hỏi này.

Sở khuyến nghị các trường THPT tổ chức ôn tập kiến thức lớp 11 cho học sinh ở mức độ cơ bản, vừa phải, không đi vào các nội dung quá khó, yêu cầu cao.

Một lưu ý khác của Sở GDĐT là các trường không nên quá phụ thuộc vào bộ đề thi tham khảo, tránh áp dụng liên tục bộ đề thi tham khảo trong quá trình ôn tập cho học sinh vì đó chỉ là gợi ý ban đầu cho các trường tổ chức ôn tập. So với bộ đề thi này, đề thi thực tế có thể có “điểm rơi” kiến thức khác nhau, mức độ khó của các câu hỏi vận dụng sẽ chênh lệch dù với biên độ không quá lớn.

Thêm vào đó, rút kinh nghiệm từ đề thi THPT quốc gia năm 2017, năm nay đề thi THPT quốc gia sẽ có sự điều chỉnh mức độ phân hóa ở một số môn, tránh tình trạng một môn thi có phổ điểm quá cao hoặc quá thấp so với các môn thi còn lại.

Bạch Dương

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tphcm-tang-cuong-on-tap-thi-thu-cho-hoc-sinh-lop-12-post260749.info