TP.HCM sẽ làm rõ trách nhiệm các đơn vị của dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng

Tại họp báo chiều 1/10, liên quan đến những vướng mắc của dự án 'Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1' quy mô gần 10.000 tỷ đồng (gọi tắt là dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng), Chánh Văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết, trong tuần này UBND TP.HCM sẽ họp và làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cơ quan.

Dự án 10.000 tỷ đồng hiện thi công được 72%. Ảnh S.T

Theo ông Hoan, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng chậm trễ làm ảnh hưởng đến chất lượng, giá trị công trình. Đây là lỗi lớn của TP.HCM với người dân, với chính phủ. Mâu thuẫn của bên đơn vị tư vấn giám sát và nhà đầu tư, UBND TP.HCM sẽ có trách nhiệm xử lý.

Được biết, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng nhằm kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân, thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM, đây được coi là một "siêu dự án". Dự án này được khởi công từ ngày 26/6/2016 và dự kiến hoàn đúng thành dịp 30/4/2018.

Tuy nhiên, dự án đã hoàn thành 72% khối lượng, nhưng buộc phải tạm dừng thi công từ 27/4/2018 đến nay do chưa giải ngân được một số hạng mục từ ngân hàng BIDV- Chi nhánh Nam Sài Gòn.

Dự án chưa giải ngân được là do UBND TP. HCM chưa ký xác nhận để thanh toán thông qua một Đơn vị Tư vấn giám sát hợp đồng về tính pháp lý của dự án này là Liên doanh tư vấn giám sát hợp đồng (MEINHARDT-CMB-TL12) không xác nhận thanh toán.

Lý do chính của đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng đưa ra là “Tiêu chuẩn thép không có trong tiêu chuẩn UBND TP. HCM duyệt; Chỉ dẫn kỹ thuật: S355 xuất xứ G7, cơ tính và hóa tính tương đương S355”. Cụ thể là thép cửa van làm cống ngăn triều của thành phố phê duyệt phải là thép không rỉ và xuất xứ từ các nước G7, nhưng chủ đầu tư Trung Nam lại dùng thép đen của Trung Quốc…

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập TP.HCM cho biết, dự án tạm ngưng từ tháng 4/2018 đến nay công tác xác nhận giải ngân trong thời gian qua có sự chênh lệch giữa thực tế thi công hiện trường và giải ngân. Do đó, TP.HCM phải kiểm tra lại trước khi ký phụ lục 2A. Ngoài ra, phải điều chỉnh lại để đảm bảo hiệu quả cao nhất của dự án nên thành phố thành lập 1 đoàn kiểm tra, giám sát.

Ông Dũng cũng thông tin thêm hiện nay đơn vị tư vấn giám sát không chịu làm việc 3 bên gồm chính quyền- đơn vị tư vấn giám sát- nhà đầu tư. Theo ông Dũng, trung tâm có mời đơn vị tư vấn giám sát ra làm việc và yêu cầu đưa ra thời điểm làm việc 3 bên để dự án sớm tái khởi động, không thể cứ văn bản qua lại. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của đơn vị tư vấn giám sát.

Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng cho biết, sau khi dự án ngưng trệ 5 tháng, lãi suất ngân hàng đã tăng. TP.HCM chỉ đạo thành lập tổ kiểm tra đánh giá lại toàn bộ dự án và những vấn đề tư vấn đưa ra, bởi chậm ngày nào thì thành phố mệt ngày ấy. Đúng sai phải làm rõ không thể lập lờ, trách nhiệm quản lý nhà nước phải tổ chức kiểm tra nhanh để đánh giá, mục tiêu là sớm tái khởi động dự án.

Theo ông Hoan, TP.HCM cũng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cơ quan trung ương để làm việc, Thủ tướng đã có văn bản giao cơ quan bộ ngành nghiên cứu báo cáo của TP.HCM để có ý kiến.

Về thông tin nhân viên đơn vị tư vấn nói bị đe dọa, ông Hoan cho rằng việc này cần phải xem xét lại. Đơn vị tư vấn và nhà đầu tư là hai chủ thể, trách nhiệm khác nhau. Việc đơn vị tư vấn và nhà đầu tư không chịu ngồi với nhau là không được. TP.HCM sẽ dựa trên cơ sở báo cáo của đơn vị tư vấn, nhà đầu tư để hoàn thiện dự án.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tp-hcm-se-lam-ro-trach-nhiem-cac-don-vi-cua-du-an-chong-ngap-10-000-ty-dong.aspx