TP HCM sáp nhập 19 phường thành 9 phường

Cùng với việc sắp xếp đơn vị hành chính, UBND TP HCM sẽ có đề án về cơ chế chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do sắp xếp

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký tờ trình Phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP trong giai đoạn 2019-2021. Phương án này được UBND TP HCM gửi Bộ Nội vụ để xem xét, thẩm định.

Xóa sổ 10 phường

Hiện nay, TP HCM có 24 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 19 quận và 5 huyện; 322 đơn vị hành chính cấp xã gồm 259 phường, 58 xã và 5 thị trấn. Đối chiếu thực trạng các đơn vị hành chính trên địa bàn với các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo Nghị quyết số 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), TP HCM đề xuất giữ nguyên đơn vị hành chính cấp huyện. Đơn vị hành chính cấp xã sẽ có 8 trường hợp nhập 2 phường thành một phường mới, một trường hợp nhập 3 phường thành một phường mới. Cụ thể, quận 2 sáp nhập phường An Khánh và Thủ Thiêm; phường Bình An và Bình Khánh. Quận 3 sáp nhập phường 6, 7 và 8. Quận 4 sáp nhập phường 2 và phường 5; phường 12 và phường 13. Quận 5 sáp nhập phường 12 và phường 15. Quận 10 sáp nhập phường 2 và phường 3. Quận Phú Nhuận sáp nhập phường 11 và phường 12; phường 13 và phường 14. Như vậy, sau sắp xếp TP HCM sẽ giảm 10 đơn vị hành chính cấp xã từ 322 xuống còn 312.

Theo UBND TP HCM, những phường thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn này đều là những phường ở vị trí lõi trung tâm của TP, áp lực quản lý hành chính, quản lý nhà nước, phục vụ nhân dân không những tại địa phương mà còn khách du lịch, bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân, người dân tạm cư rất cao, cao gấp nhiều lần dân số địa phương, như tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Hùng Vương, Đại học Y Dược; ký túc xá Trường Đại học Bách Khoa...

Tổ chức lấy ý kiến cử tri trước khi thông qua

Trong phương án trình Bộ Nội vụ, UBND TP HCM cũng đưa ra lộ trình cụ thể. Theo đó, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ, UBND TP HCM sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng đề án chi tiết và tổ chức lấy ý kiến cử tri. Nếu có trên 50% cử tri trên địa bàn tán thành thì UBND cấp huyện, quận sẽ trình phương án để HĐND cùng cấp thông qua. Dự kiến thời gian hoàn thành cuối tháng 11-2019. Sau đó, UBND TP HCM tổng hợp, trình HĐND TP HCM xem xét, thông qua (dự kiến trong tháng 12-2019). Song song đó, UBND

TP HCM sẽ trình HĐND TP HCM thông qua Đề án về cơ chế chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC), người lao động trực tiếp trong quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế (trong đó có đối tượng dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính).

Sau đó, UBND TP HCM sẽ hoàn thiện hồ sơ đề án để Bộ Nội vụ thẩm định trước khi báo cáo Chính phủ trình UBTVQH. Khi có nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn, UBND TP HCM sẽ chỉ đạo việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ CB, CC, VC tại đơn vị hành chính mới và giải quyết chế độ, chính sách đối với đối tượng dôi dư do sắp xếp; chuyển đổi giấy tờ liên quan cho người dân theo quy định.

Theo chuyên gia cải cách hành chính Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam Bộ Nội vụ, đây không phải là lần đầu tiên TP thực hiện sáp nhập, tách đơn vị hành chính mà trước đó ít nhất đã 2-3 lần điều chỉnh. "Việc sáp nhập là cần thiết để tiến tới một nền hành chính tinh gọn, hiệu quả nhưng khi thực hiện, TP HCM phải hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đối với người dân và doanh nghiệp, nhất là khâu giải quyết thủ tục hành chính, điều chỉnh giấy tờ. Bên cạnh đó, việc sắp xếp con người, giải quyết chế độ cho CB, CC, VC bị dôi dư cũng phải có tính toán cụ thể, công bằng và có lộ trình" - ông Sơn lưu ý.

PHAN ANH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/tp-hcm-sap-nhap-19-phuong-thanh-9-phuong-20191009214534617.htm