TP. HCM: Sản xuất công nghiệp chưa lấy lại được đà tăng trưởng

Tính chung bảy tháng năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất hàng may mặc tại Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu May Phương Nam (quận Gò Vấp). (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Sản xuất hàng may mặc tại Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu May Phương Nam (quận Gò Vấp). (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, khiến cho nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất bị thiếu hụt và thị trường tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn.

Do đó, tình hình sản xuất của doanh nghiệp công nghiệp tuy có dấu hiệu phục hồi trong tháng 7/2020, nhưng vẫn chưa lấy lại đà tăng trưởng.

Nhiều nhóm ngành khởi sắc

Tính chung bảy tháng năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn Thành phố giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng Bảy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,6% so với tháng trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,9%...

Đối với ngành công nghiệp cấp 2, trong bảy tháng qua, 10/30 ngành có chỉ số đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có mức tăng cao như sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng hơn 21%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (18,6%); sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu (trên 16%)...

Ở ngành công nghiệp chủ yếu có chỉ số sản xuất công nghiệp bảy tháng năm 2020 tăng cao hơn so với cùng kỳ, gồm sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng hơn 21%; sản xuất sản phẩm điện tử (8,6%); sản xuất chế biến thực phẩm (0,3%)...

Tuy nhiên, bốn ngành công nghiệp trọng điểm lại có chỉ số sản xuất công nghiệp bảy tháng năm 2020 giảm 0,9% so với cùng kỳ năm truớc và tăng hơn 4,6 điểm phần trăm so với chỉ số sản xuất chung của ngành công nghiệp. Trong đó, chỉ có ngành sản xuất hàng điện tử tăng 18,6%; ngành hóa dược tăng hơn 7%.

Ghi nhận ý kiến một số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, sản xuất công nghiệp nội địa cũng đang chịu sức ép về gia tăng áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa nhập khẩu. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng nếu không chủ động đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển thương hiệu, sản phẩm đặc thù, nâng cao lợi thế hàng Việt... có thể sẽ phải "nhường" sân nhà cho hàng ngoại nhập.

Liên quan đến chiến lược chuyển đổi doanh nghiệp, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Marketing công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, cho biết hiện tại Điện Quang không ngừng nỗ lực thực hiện chiến lược với định hướng rất rõ ràng là trở thành tập đoàn đa quốc gia về chiếu sáng và công nghệ. Đơn cử, Điện Quang đã mở rộng sản xuất kinh doanh về giải pháp chiếu sáng tổng thể với hàng ngàn sản phẩm chiếu sáng và thiết bị điện thông minh.

Đặc biệt trong năm 2020, Điện Quang chuẩn bị đưa ra thị trường bộ giải pháp công nghệ 4.0 phiên bản mới V2 DQSmart - Hệ các giải pháp công nghệ cho nhà, văn phòng, công xưởng, bệnh viện, thành phố thông minh... giúp quản lý, điều khiển thiết bị mọi lúc mọi nơi, hoặc theo kịch bản định trước.

Ngoài ra, nhiều dòng sản phẩm và dịch vụ đã được khách hàng ưa chuộng và lựa chọn để sử dụng, gồm bộ sản phẩm thông minh Điện Quang Apollo; giải pháp tư vấn lắp đặt, sửa chữa hệ thống điện Homecare - kết nối người tiêu dùng với thợ điện; ứng dụng Lightcheck - kiểm tra độ sáng và tư vấn chiếu sáng dành cho người tiêu dùng.

Ở góc độ hiệp hội, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết những chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng trong thời gian qua luôn có sự đồng hành của sở, ngành, cùng với nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Cụ thể, tại Hội chợ Triển lãm “Tôn vinh hàng Việt - năm 2020” vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng Bảy, Ban tổ chức chủ động thiết kế một số khu vực đặc trưng như khu trưng bày sản phẩm, kết nối giao thương kết hợp hoạt động mua bán, giới thiệu thương hiệu của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đạt bình chọn sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh; khu trưng bày nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng Thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn 2018-2020).

"Thông qua những hoạt động này, doanh nghiệp có cơ hội kết hợp mua bán, tìm kiếm đối tác, nhà phân phối với giới thiệu hàng hóa trưc tiếp đến người tiêu dùng; đồng thời doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi để quảng bá và tiếp thị sản phẩm mới, công nghệ sản xuất hiện đại, nhất là những thương hiệu hàng Việt đã và đang cải tiến mẫu mã, tiêu chuẩn chất lượng...," ông Chu Tiến Dũng cho biết thêm.

Cần giải pháp kích cầu

Tính đến thời điểm này, nhiều nước là đối tác thương mại, đầu tư vào Việt Nam vẫn chưa mở cửa quan hệ bình thường trở lại khiến thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, doanh nghiệp giảm quy mô sản xuất.

Để sản xuất công nghiệp đạt được mục tiêu tăng trưởng "không âm" trong những tháng còn lại, ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc phụ trách Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết rất cần những giải pháp, chính sách đột phá, hỗ trợ nhanh cho doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Phương Đông chỉ ra rằng, tính chung bảy tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt hơn 24.701 triệu USD, tăng 5,8% so cùng kỳ năm trước; trong đó kim ngạch xuất khẩu không tính dầu thô đạt trên 23.752 triệu USD, tăng hơn 8% so cùng kỳ năm trước.

Mặc dù vậy, tại những thị trường mà Việt Nam đã tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA) lại có giá trị xuất khẩu trong bảy tháng đầu năm 2020 theo xu hướng giảm. Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường châu Âu có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) nhưng chỉ đạt hơn 2.742 triệu USD, giảm 7% so cùng kỳ.

Ngoài ra, về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh Thành phố Hồ Chí Minh với kim ngạch xuất khẩu trong bảy tháng đầu năm 2020 đạt hơn 6.139 triệu USD, tăng gần 45% so cùng kỳ năm ngoái và chiếm 27% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp theo, có thể đến những thị trường xuất khẩu lớn là Hoa Kỳ, Nhật Bản...

Không chỉ riêng thị trường xuất khẩu, mà đối với thị trường nội địa thì sức mua cũng giảm sút đáng kể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng.

Thống kê tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Thành phố Hồ Chí Minh trong bảy tháng năm 2020 chỉ đạt 718.133 tỷ đồng, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các ngành có doanh thu giảm mạnh như dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm hơn 45% so với cùng kỳ năm trước; du lịch lữ hành giảm gần 75%...

Cùng với đó, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong bảy tháng năm 2020 tăng 5,5% so cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, những ngành có chỉ số tồn kho cao hơn mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp như công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng hơn 112%; sản xuất thiết bị điện (trên 68%); sản xuất hóa chất và dược liệu (hơn 50%) và sản xuất kim loại (43%).

Trong bối cảnh hiện nay, một số chuyên gia cho rằng, để duy trì sản xuất và lấy lại đà tăng trưởng, doanh nghiệp cần tận dụng mọi cơ hội thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Đối với thị trường nội địa, doanh nghiệp phải chinh phục người tiêu dùng bằng các đa dạng giải pháp tạo chuyển biến tích cực trong nâng cao giá trị và tiêu chuẩn hàng hóa, từng bước khẳng định thương hiệu.

Còn đối với thị trường xuất khẩu, ngoài khai thác hiệu quả những điều kiện thuận lợi do những Hiệp định thương mại tự do đã và đang có hiệu lực, thì doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội từ EVFTA vừa có hiệu lực ngày 1/8/2020.

Tuy nhiên, muốn làm được điều này, doanh nghiệp nên chú trọng và chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật như nguồn gốc xuất xứ, bảo hộ sở hữu trí tuệ.../.

Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tp-hcm-san-xuat-cong-nghiep-chua-lay-lai-duoc-da-tang-truong/655708.vnp