TP.HCM sẵn sàng ở mức cao nhất, tránh bị động trong mọi tình huống

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM đã lập 3 đoàn kiểm tra, giám sát tại một số đơn vị và cơ sở sản xuất trên địa bàn. Qua đó phát hiện có sự lơ là, thiếu sót...

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu đang kiểm tra khẩu trang do tiểu thương chuẩn bị trong nỗ lực tuân thủ quy định 5K.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu đang kiểm tra khẩu trang do tiểu thương chuẩn bị trong nỗ lực tuân thủ quy định 5K.

Phát hiện nhiều “khoảng trống” cần lấp đầy

Ngày 6/5, đoàn kiểm tra do ông Ngô Minh Châu- Phó Chủ tịch UBND TP.HCM làm trưởng đoàn, BS. Nguyễn Hoài Nam- Phó Giám đốc Sở Y tế làm phó đoàn, đã kiểm tra 4 đơn vị: Bến xe An Sương, Chợ đầu mối Hóc Môn, một Công ty may có vốn 100% nước ngoài), Trung tâm cách ly quận 12.

Theo đó, tại Bến xe An Sương, nơi tập trung đông người với rất nhiều hành khách đến từ khu vực biên giới (Tây Ninh), hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 bộc lộ nhiều thiếu sót.

Đoàn công tác kiểm tra hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Bến xe An Sương.

Cụ thể, đơn vị quản lý bến chỉ mới nắm thông tin người sử dụng phương tiện tại bến bằng “danh sách hành khách” trên mỗi chuyến xe trước khi xuất bến. Danh sách này chỉ có thông tin nhân thân nhưng chưa đầy đủ. Đơn vị quản lý bến chưa thực hiện khai báo y tế, cả điện tử lẫn thủ công. Đây là “khoảng trống” khá lớn trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Lãnh đạo UBND TP.HCM và Sở Y tế đều hết sức quan ngại đối với “khoảng trống” này tại bến xe An Sương. Dù đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch vừa duy trì phát triển kinh tế, song với đặc thù tập trung đông người, lại nguy cơ cao bởi khả năng đón nhận người từ vùng biên giới, mà phía bến xe chỉ “đủ tiền mua vé lên xe” là chưa ổn chút nào.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu đặc biệt lưu ý đơn vị quản lý bến xe An Sương khẩn trương khắc phục khiếm khuyết này. Theo ông Châu, với cách làm hiện tại của bến xe, khả năng ghi nhận, phát hiện người có nguy cơ cao với dịch COVID-19 là “gần như bằng không”. Ngoài ra, trong tình huống không may xảy ra tại bến xe thì công tác truy vết, khoanh vùng cũng hết sức khó khăn.

Mặc dù công tác phòng chống dịch tại chợ An Sương còn bộc lộ nhiều hạn chế, tuy nhiên ở một số địa điểm đoàn kiểm tra đến như Công ty may tư nhân vốn 100% nước ngoài, Trung tâm cách ly quận 12 và Chợ đầu mối Hóc Môn lại khá tốt. Tiêu biểu như Chợ Hóc Môn, công tác kiểm tra cho thấy từ đơn vị quản lý chợ cho đến các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ đều nhận thức cao về rủi ro lây lan dịch COVID-19. Với nhận thức đầy đủ, hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại chợ đầu mối được thực hiện nghiêm và tuân thủ các quy định hiện hành.

Sẵn sàng các phương án kịch bản phòng, chống dịch

Trước đó, ngày 5/5, Thành ủy TP.HCM đã ban hành Chỉ thị số 10 về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn địa bàn. Theo đó, Thành ủy TP.HCM yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức CT-XH cần quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM, cũng như các hướng dẫn của ngành Y tế.

Tại Chỉ thị số 10, Thành ủy TP.HCM yêu cầu “tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch, nhất là những ngày diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Mọi trường hợp lơ là chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, thực hiện không nghiêm các quy định chỉ đạo về phòng chống dịch sẽ bị xử lý nghiêm”.

Thành ủy TP.HCM phân công rõ Bí thư Quận ủy, Huyện ủy, Thành ủy Thủ Đức, người đứng đầu các cấp ủy trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương, đơn vị. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM chủ động xây dựng các phương án kịch bản phòng, chống dịch, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch có thể xảy ra trên địa bàn.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt tại các cơ sở y tế, trường học, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, sân bay, bến xe, các địa điểm công cộng tập trung đông người, nhà máy, xí nghiệp, các khu du lịch, khách sạn, cơ sở lưu trú… Riêng với Ủy ban bầu cử TP.HCM, Thành ủy yêu cầu chuẩn bị kế hoạch phòng, chống dịch, đảm bảo công tác tuyên truyền bầu cử, hội nghị tiếp xúc cử tri với ứng cử viên, vận động bầu cử với phương án chi tiết...

TP.HCM đã luôn sẵn sàng các phương án ứng phó cho nhiều tình huống

Được biết, trải qua 3 đợt dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, TP.HCM đã luôn sẵn sàng các phương án ứng phó cho nhiều tình huống (500 người nhiễm, 1.000 người nhiễm...).

Mỗi phương án đều chi tiết hóa mọi nguồn lực, từ con người đến hạ tầng, thiết bị... liên quan đến công tác cách ly, truy vết, khoanh vùng và điều trị. Tại Chỉ thị số 10, Thành ủy TP.HCM nhìn nhận rõ “nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xâm nhập và lây lan tại TP.HCM là rất cao”. Do đó, hơn bao giờ hết, các phương án ứng phó phải sẵn sàng ở mức cao nhất, tránh bị động trong mọi tình huống liên quan đến dịch COVID-19.

Nhã Lam

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tphcm-san-sang-o-muc-cao-nhat-tranh-bi-dong-trong-moi-tinh-huong-n191708.html