TP.HCM: Sẵn sàng 'chi viện' cho các tỉnh biên giới Tây Nam phòng chống COVID-19

Để giữ được các thành quả chống dịch, TP.HCM cần cảnh giác cao độ, nâng cao năng lực cách ly, sẵn sàng chi viện các địa phương, trong đó có các tỉnh biên giới Tây Nam; chủ động rà soát việc phân công, phân cấp công tác chỉ đạo phòng, chống dịch từ lãnh đạo cao nhất đến cấp cơ sở…

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại buổi làm việc kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM, ngày 28/4.

Cùng tham dự có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức và các lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

2 trường hợp nhập cảnh trái phép điều trị tại Bệnh viện Từ Dũ

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, đến nay có 254 trường hợp mắc COVID-19 được phát hiện tại Thành phố, trong đó có 68 trường hợp nhiễm trong cộng đồng chiếm tỷ lệ 26,98%. Hiện TP.HCM đang điều trị cho 27 trường hợp đều là người nhập cảnh, sức khỏe ổn định. Kể từ ngày 10/2 đến nay, đã 75 ngày qua TP.HCM không ghi nhận trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng.

Toàn cảnh buổi làm việc của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại TP.HCM

Toàn cảnh buổi làm việc của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại TP.HCM

Về các hoạt động phòng chống dịch COVID-19, từ đầu năm 2021 đến nay, Thành phố phát hiện 66 trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn, đã tiến hành truy vết và cách ly tập trung đúng quy định ngay khi phát hiện, trong đó có 4 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Riêng ngày 27/4, lực lượng chức năng đã phát hiện 2 trường hợp nhập cảnh trái phép từ Campuchia, vào điều trị tại Bệnh viện Từ Dũ. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã thực hiện cách ly tập trung đối với 2 trường hợp này, lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra lần 1 có kết quả âm tính. Bên cạnh đó, đã thực hiện cách ly tập trung 40 người là những nhân viên y tế tại Bệnh viện Từ Dũ đã có tiếp xúc với 2 trường hợp này, mẫu xét nghiệm lần 1 âm tính với SARS-CoV-2.

Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, TP.HCM đã tiếp tục tổ chức quản lý chặt chẽ việc nhập cảnh tại cửa khẩu, thực hiện nghiêm việc khai báo y tế điện tử, kiểm dịch y tế cửa khẩu hàng không, hàng hải; tổ chức quy trình tiếp nhận và vận chuyển người nhập cảnh về cơ sở cách ly tập trung đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định TP.HCM là trung tâm giao thương (hàng hải, hàng không, rất nhiều điểm du lịch) của toàn miền Nam. Do đó, dù không tiếp giáp trực tiếp với các tỉnh biên giới nhưng nguy cơ xâm nhập dịch bệnh là luôn hiện hữu. Hiện nay, bên cạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã được triển khai, TP.HCM cần phải kích hoạt hệ thống chống dịch ở mức độ cao nhất, cao hơn cả các tỉnh biên giới Tây – Nam. Đặc biệt, bên cạnh duy trì các nhóm giám sát cộng đồng, TP.HCM cần mở rộng phạm vi đối tượng xét nghiệm các trường hợp sốt, ho, nâng công suất và tốc độ xét nghiệm ít nhất 50.000 mẫu đơn/ngày.

Sẵn sàng chi viện cho các tỉnh biên giới Tây – Nam

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, đặc biệt là một số nước trong khu vực và thế giới, mặc dù đã có vắc xin nhưng vẫn tạo nên áp lực lớn cho Việt Nam khi số lượng người nhập cảnh ngày càng tăng; cùng với đó là tình trạng nhập cảnh trái phép vẫn còn diễn ra.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Nếu Việt Nam không kiểm soát tốt thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại luôn hiện hữu. Cả hệ thống chính trị đã và đang nỗ lực với quyết tâm cao nhất để chiến thắng dịch bệnh. Đặc biệt dịp Lễ kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất Nước sắp đến, công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát tình hình trong cộng đồng là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã đánh giá cao kết quả phòng, chống dịch COVID-19 của TP.HCM. Để giữ được các thành quả chống dịch, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu TP.HCM cần cảnh giác cao độ, nâng cao năng lực cách ly, sẵn sàng chi viện các địa phương, trong đó có các tỉnh biên giới Tây Nam; chủ động rà soát việc phân công, phân cấp công tác chỉ đạo phòng, chống dịch từ lãnh đạo cao nhất đến cấp cơ sở.

Lãnh đạo TP.HCM đẩy mạnh hoạt động kiểm tra công tác phòng, chống dịch, trong đó đặc biệt chú ý các bệnh viện, trường học, siêu thị, cơ sở tôn giáo… là những nơi thường xuyên tập trung đông người, đồng thời xử lý nghiêm hành vi không đeo khẩu trang, tổ chức và đối tượng nhập cảnh trái phép vào các cơ sở cách ly có hành vi phá hủy tài sản, không chấp hành quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Để thực hiện được như vậy, lãnh đạo TP.HCM cần quán triệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các phương châm “chống dịch như chống giặc”, thực hiện “mục tiêu kép” hiệu quả; xây dựng các phương án, kịch bản sẵn sàng cho mọi tình huống và chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ về tình hình phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Đồng thời, cần đẩy mạnh kiểm tra việc tự đánh giá và chấp hành yêu cầu 5K, các tiêu chí an toàn về phòng chống dịch tại tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định của ngành y tế; không để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng và lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế.

Đối với công tác quản lý nhập cảnh, TP.HCM cần tiếp tục quản lý chặt chẽ người nhập cảnh. Các trường hợp nhập cảnh trái phép và làm tổn hại đến kết quả phòng chống dịch của TPHCM nói riêng, cả nước nói chung cần xem xét các yếu tố hình sự để kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật.

Hoài Thương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tphcm-san-sang-chi-vien-cho-cac-tinh-bien-gioi-tay-nam-phong-chong-covid-19-n190852.html