TP.HCM rà soát đất quốc phòng làm kinh tế: Rà thế nào?

Đảm bảo an ninh-quốc phòng, độc lập của đất nước là mục tiêu hàng đầu nên việc sử dụng đất vào mục tiêu quốc phòng phải được đặt lên cao.

UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về rà soát việc sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế trên địa bàn TP.

Trong báo cáo này, UBND TP.HCM cho biết, đất quốc phòng sử dụng vào mục đích kinh tế từ trước đến nay do Bộ Quốc phòng quyết định theo thẩm quyền; chưa có thông tư liên tịch giữa các bộ Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, bộ, ngành có liên quan và chính quyền địa phương trong việc phối hợp kiểm tra, xử lý đối với loại đất này. Do đó, UBND TP.HCM cũng gặp khó khăn trong việc thực hiện.

Vì thế, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất với Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện rà soát việc sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế trên địa bàn TP, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Ủng hộ rà soát việc sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế trên địa bàn TP.HCM, TS.KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM lưu ý phải thống nhất quan điểm: Đảm bảo an ninh-quốc phòng, độc lập của đất nước là mục tiêu hàng đầu nên việc sử dụng đất vào mục tiêu quốc phòng phải được đặt lên cao.

Theo TS.KTS Võ Kim Cương, việc sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế có liên quan đến vấn đề quân đội có nên làm kinh tế hay không.

TP.HCM sẽ rà soát việc sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế trên địa bàn TP. Ảnh minh họa

"Đây là vấn đề rất lớn. Quân đội vẫn có thể làm kinh tế nhưng không phải làm tất cả tất cả các loại hình kinh tế. Việc ấy chỉ ở những lĩnh vực cần thiết, đúng chức năng nhiệm vụ, đúng chủ trương lãnh đạo của Đảng và phải thực hiện đúng pháp luật.

Chẳng hạn, các nhà máy quốc phòng, trong thời bình, ngoài việc sản xuất một lượng sản phẩm quân sự vừa đủ để sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện, có thể tiến hành khai thác để phục vụ kinh tế.

Chủ yếu nên để người dân làm kinh tế. Làm sao chuyển đất đai đó cho doanh nghiệp, thậm chí là tư nhân khai thác hiệu quả, đóng thuế phục vụ cho quốc phòng. Như vậy tránh được nhiều vấn đề, trong đó có cả tham nhũng, trục lợi", ông Cương cho biết.

Cũng theo nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, pháp luật về đất đai nói chung tương đối rõ, tuy nhiên, riêng đối với đất quốc phòng, việc quản lý có phần chưa chặt chẽ nên dễ dẫn đến sai phạm.

Nếu có thông tư liên tịch giữa các bộ Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, bộ, ngành có liên quan và chính quyền địa phương trong việc phối hợp kiểm tra, xử lý đối với đất quốc phòng sử dụng vào mục đích kinh tế, theo TS.KTS Võ Kim Cương, cũng phải dựa trên cơ sở pháp luật về tài sản công, phải có hệ thống pháp luật trước để xem đất quốc phòng là tài sản công do ai quản lý và quản lý như thế nào.

"Trước đây, đối với đất quốc phòng chuyển sang mục đích không phục vụ trực tiếp cho quốc phòng thì vẫn phải theo quy hoạch của thành phố, vẫn phải xin phép xây dựng.

Cái khó là khi làm kinh tế, việc sử dụng đất quốc phòng có thể bị lợi dụng để trục lợi cho một cá nhân, đơn vị nào đó, làm ảnh hưởng đến uy tín của quân đội. Do đó, điều quan trọng là phải giữ gìn, phát huy hình ảnh, uy tín của quân đội, xem lại việc các doanh nghiệp quân đội làm kinh tế", ông Cương nhấn mạnh.

Từ đây, đối với việc rà soát đất quốc phòng sử dụng vào mục đích kinh tế trên địa bàn TP.HCM, vị chuyên gia gợi ý, đối với đất phục vụ trực tiếp cho quốc phòng-an ninh thì bất khả xâm phạm, phải khoanh loại đất đó lại. Nhiều khi địa phương không hiểu hết được do đó cần phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng, thậm chí là ý kiến trực tiếp của Chính phủ.

Đối với những diện tích đất không sử dụng vào mục đích phục vụ trực tiếp cho quốc phòng thì phải công khai và có thể phối hợp với địa phương để quản lý. Hoạt động kinh tế vẫn phải chịu sự quản lý của địa phương, phải đóng thuế, do đó đất đai khi không sử dụng vào mục tiêu quốc phòng thì phải chịu sự quản lý theo hệ thống chung của Nhà nước từ TƯ đến địa phương.

"Trước đây, Chính phủ có Nghị định 9-CP ngày 12/2/1996 về chế độ quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh trong đó có việc chuyển đất đã được Nhà nước giao cho các đơn vị quốc phòng, an ninh để sử dụng vào mục đích khác. Bây giờ tôi nghĩ có thể làm ngược lại - cần có văn bản pháp luật xác định rõ đất nào là đất quốc phòng, không được sử dụng vào mục đích khác, nếu có hoạt động kinh tế trên đất đó thì phải có chế độ quản lý đặc biệt", TS.KTS Võ Kim Cương đề xuất.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tphcm-ra-soat-dat-quoc-phong-lam-kinh-te-ra-the-nao-3363895/