TP HCM quyết trị 'đầu nậu' đất

Theo lãnh đạo TP HCM, do chậm phát hiện sai phạm, không kịp thời xử lý dẫn đến bùng nổ xây dựng trái phép

Kỳ họp thứ 15 HĐND TP HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đã bế mạc vào chiều 13-7 sau khi thông qua 20 Nghị quyết về tờ trình của UBND TP và hoạt động giám sát của HĐND TP năm 2020.

"Nhìn qua ngó lại", chậm phát hiện sai phạm

Chất vấn lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM sáng 13-7, đại biểu (ĐB) Thi Thị Tuyết Nhung đặt vấn đề xây dựng không phép, sai phép kéo dài ở một số quận, huyện ngoại thành do đâu? Phải chăng có bất cập trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch hay vướng trong cấp phép xây dựng? ĐB này cũng đề nghị thông tin về vụ xây lụi 110 biệt thự ở quận 7.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP, nhận định có 2 nhóm dẫn đến sai phạm là đầu cơ và trục lợi. "Đầu nậu", "cò" mua, thu gom đất nông nghiệp không đúng với quy hoạch rồi bán cho người nghèo, sau đó người dân xây nhà không phép.

"Tháo dỡ nhà dân thì đúng luật rồi nhưng nói về trách nhiệm quản lý nhà nước và lãnh đạo của TP, tôi thấy lo lắng, day dứt. Trước hết, về năng lực quản lý nhà nước, xã phường biết nhưng tại sao không xử lý? Do chính quyền không xử lý triệt để mà giờ chúng ta phải xử lý một vấn đề rất đau lòng là tháo nhà của người dân. Tôi không cổ xúy cho người dân vi phạm pháp luật nhưng lãnh đạo TP cần suy nghĩ về nhu cầu nhà ở của người dân, nhất là dân nghèo" - ĐB Quyết Tâm nói.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến và đại biểu HĐND Nguyễn Thị Quyết Tâm Ảnh: QUANG LIÊM

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến và đại biểu HĐND Nguyễn Thị Quyết Tâm Ảnh: QUANG LIÊM

Trả lời các ĐB, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình nhận trách nhiệm trước những hạn chế trong quản lý của ngành. Về 110 biệt thự xây lụi, ông Bình cho hay giai đoạn thực hiện dự án có thiếu sót. Ông xin nhận trách nhiệm và kiểm tra lại toàn bộ việc thực hiện dự án.

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng sai phạm phần lớn tập trung ở diện mua bán, sang nhượng giấy tay đất nền, dự án, có liên quan đến "cò". Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng bùng nổ xây dựng trái phép, ông Hoan nhìn nhận có cơ chế phối hợp khi các lực lượng "nhìn qua ngó lại" dẫn đến chậm phát hiện sai phạm. Thậm chí, khi phát hiện sai phạm lại không kịp thời xử lý.

"Phải chỉ ra và xử nghiêm minh, không để "đầu nậu" tự tung tự tác. Dứt khoát phải xử lý hình sự "cò" đất phân lô, bán nền trái phép gây náo loạn thị trường, thách thức kỷ luật kỷ cương" - ông Hoan nhấn mạnh.

Giải pháp hạn chế kẹt xe

Đề cập vấn đề giao thông, ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm phản ánh hiện nay, diện tích bến bãi trên địa bàn TP chỉ đáp ứng 30% nhu cầu. Riêng diện tích các bãi đậu xe chỉ đáp ứng 1% nhu cầu. ĐB Thi Thị Tuyết Nhung yêu cầu thông tin tiến độ thực hiện một số công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.

Trước chất vấn của ĐB, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết TP đã hoàn tất được 45 dự án, đến năm 2020 phải xong tiếp 22 dự án và 41 dự án phải hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Điểm nghẽn đáng lo ngại nhất là khu vực Tân Sơn Nhất và phía Nam vì hạ tầng đã vượt ngưỡng. Đến năm 2025, tuyến metro số 1 đi vào khai thác thì giao thông phía Nam tiếp tục khó khăn. Những dự án được HĐND TP đồng ý thực sự rất cần thiết, phải đẩy nhanh để hạn chế ùn tắc. Hơn nữa, bên cạnh việc làm thêm đường thì giải pháp về giao thông công cộng là bắt buộc.

Về các dự án "giải cứu" khu Nam, ông Lâm cho hay nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đến cuối năm sẽ khởi công 2 hầm chui trên đường Nguyễn Văn Linh và phấn đấu hoàn thành vào quý I/2021. Riêng về tiến độ cầu Thủ Thiêm 2, khoảng quý II/2020 sẽ hợp long phần cầu chính. Đến cuối năm 2020, đầu 2021 hoàn thành phần cầu nối từ đường Lê Duẩn chạy dọc Tôn Đức Thắng.

Thông qua 20 tờ trình

Trước đó, HĐND TP đã thông qua 20 Nghị quyết về tờ trình của UBND TP và hoạt động giám sát của HĐND TP năm 2020. HĐND TP thống nhất thông qua tờ trình của UBND TP về quyết định nội dung nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 Khu Liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc tại quận 2, rộng hơn 187 ha; thông qua tờ trình về sửa đổi chính sách cho người nghèo. Theo đó, hộ nghèo, cận nghèo được vay mức tối đa là 100 triệu đồng mà không cần bảo đảm tiền vay trong thời hạn 10 năm…

HĐND TP cũng đã thông qua nghị quyết danh mục dự án cần thu hồi đất; dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa. Toàn TP có 140 dự án với tổng diện tích 265 ha nằm trong danh mục các dự án cần thu hồi đất. Đối với các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, người dân tại 11 quận, huyện được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với tổng diện tích là 1.017 ha.

Về chương trình giám sát năm 2020, HĐND TP sẽ giám sát chuyên đề tiến độ và hiệu quả dự án công trình giao thông trọng điểm; giám sát về cải cách hành chính và Nghị quyết 54.

Lần đầu thực hiện “Kỳ họp không giấy” đã giúp TP HCM tiết kiệm được 110 triệu đồng.

Họp bất thường để xử lý vấn đề quan trọng như Thủ Thiêm

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cho biết để kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách, chăm lo đời sống người dân tốt hơn, HĐND TP sẽ ưu tiên tổ chức các kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của TP, đặc biệt là chính sách, phương án thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về khu đô thị mới Thủ Thiêm.

PHAN ANH - TRƯỜNG HOÀNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tp-hcm-quyet-tri-dau-nau-dat-20190713221242558.htm