TP.HCM quyết chữa 'căn bệnh' ngập

Ngày thứ hai của chu kỳ triều cường, nước tiếp tục dâng cao, đã xảy ra nhiều điểm ngập sâu tại nhiều tuyến đường ở TP.HCM.

TP.HCM đang bước vào mùa triều cường, đã xảy ra nhiều điểm ngập sâu, thậm chí gây vỡ bờ đê, đây thực sự là nỗi lo của lãnh đạo TP và người dân. Nắm rõ thực trạng trên, nhiều năm trước TP.HCM đã đầu tư nhiều dự án nhằm giải quyết tình trạng ngập này.

Tới 2020, quận 8, Nhà Bè, quận 7… đỡ ngập?

Ngày 29-9, bờ kè khu vực đường Mễ Cốc bị vỡ, gây ngập lụt nghiêm trọng cho các hộ dân ở phường 15, quận 8. Ngay sau khi xảy ra sự cố, bờ kè đã nhanh chóng được khắc phục, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Với thực trạng ngập do triều cường hiện nay, dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng của TP.HCM sẽ là bài toán giải quyết tình trạng này. Đặc biệt là khu quận 8, Nhà Bè, quận 7, Bình Chánh vì khu vực này đang tiến hành xây dựng sáu cống ngăn triều thuộc dự án chống ngập trị giá hơn 10.000 tỉ đồng. Dự án này đang được chủ đầu tư thi công đồng loạt, tăng tốc để hoàn thành.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (Công ty Trung Nam - đơn vị chủ đầu tư dự án), cho biết dự án cống ngăn triều này sẽ kiểm soát ngập do triều cường, đồng thời chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu người dân phía bờ hữu sông Sài Gòn. Có thể khẳng định TP sẽ hoàn toàn không ngập do triều khi dự án đi vào vận hành.

Ông Tiến thông tin dự án có sáu cống ngăn triều lớn và hệ thống đê kè. Khi đi vào hoạt động, các cống ngăn triều sẽ được đồng bộ hóa bằng hệ thống công nghệ điều khiển SCADA và mạng lưới quan trắc mực nước của hơn 15 điểm thu thập dữ liệu bố trí khắp sông ngòi, kênh rạch. Thông qua mạng lưới đó, các dữ liệu mực nước sẽ được ghi nhận, báo cáo và tự động cập nhật cho các trung tâm điều hành dự án để đóng mở các van ngăn triều. Hoặc hệ thống vận hành cửa van sẽ tự động đóng mở khi thông số mực nước ở tình trạng cảnh báo triều cao.

Trong tình huống cực đoan nhất là khi mưa lớn kết hợp triều cao, hệ thống quan trắc sẽ phát tín hiệu cảnh báo và các van cống bắt đầu đóng lại, ngăn triều xâm nhập.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, cho biết hiện nay dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng đã đạt khối lượng thi công dự án là 75%. Nhà đầu tư, đơn vị thi công đều đang tích cực đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, hiện nay còn vướng mặt bằng thi công ở huyện Bình Chánh và Nhà Bè với hơn 10 hộ dân chưa di dời. Các địa phương cũng đang vận động người dân bàn giao mặt bằng. Nếu giao sớm, công trình sẽ hoàn thiện vào giữa tháng 6-2020 và việc vận hành có thể sớm hơn.

Mới đây Phó Chủ tịch TP Võ Văn Hoan đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan giải quyết khâu quan trọng nhất là giải phóng mặt bằng của dự án. Trong đó TP đề nghị huyện Bình Chánh phối hợp với các đơn vị tiếp tục tuyên truyền, vận động thuyết phục các hộ dân trước đây đã thống nhất di dời, hiến đất, bàn giao mặt bằng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai công trình theo đúng tiến độ.

Huyện Nhà Bè cũng được đề nghị phối hợp với Công ty Trung Nam rà soát, đảm bảo đủ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong thời gian thực hiện thủ tục gia hạn tái cấp vốn cho dự án. Sở Xây dựng được yêu cầu phối hợp với đơn vị liên quan xác định về nhu cầu chuyển nhượng quỹ nền tái định cư, phương án bố trí tái định cư của dự án.

Ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết người dân không nên hiểu nhầm dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng hoàn thành là TP sẽ hết ngập. Dự án đang làm thuộc Quy hoạch 1547 có nhiệm vụ chính là ngăn triều, hỗ trợ tiêu thoát nước. Trường hợp các dự án theo Quy hoạch 752 chưa hoàn thiện, hệ thống cống, kênh rạch không được khơi thông thì hệ thống cống ngăn triều cũng không thể hoạt động hiệu quả.

Dự án cống Tân Thuận nằm trong gói dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng của thành phố. Ảnh: Kiên Cường

Dự án cống Tân Thuận nằm trong gói dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng của thành phố. Ảnh: Kiên Cường

Phía đông TP.HCM bao giờ hết ngập?

Đây là câu hỏi mà người dân đang đặt ra, đặc biệt đối với một số nơi được coi là “rốn ngập” ở quận 2 như khu vực An Phú (nút song hành xa lộ Hà Nội), đường Nguyễn Văn Hưởng hễ mưa hoặc triều cường là ngập.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của việc “khu nhà giàu” Thảo Điền (quận 2) thường xuyên trở thành điểm ngập sâu nhất TP là do đất nền lún và giải pháp chống ngập chưa hiệu quả. Hiện giải pháp chống ngập đối với khu vực này mà TP đang sử dụng là dùng trạm bơm 1.000 m3. Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP đã trang bị thêm hai máy bơm 250 m3.

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, để giải quyết tình trạng ngập nước cho phường Thảo Điền, hiện có ba dự án liên quan đang triển khai. Do đây là khu vực thấp, nằm bên sông Sài Gòn nên bên ngoài sẽ thực hiện xây đê bao ngăn triều, còn bên trong sẽ cải tạo hệ thống cống thoát nước. Dự án đê bao bờ tả sông Sài Gòn hoàn thành sẽ ngăn được triều cường từ sông xâm nhập.

Đặc biệt, tuyến cống xây mới trên đường Nguyễn Văn Hưởng sẽ kết nối vào các tuyến cống thoát nước thuộc dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, giai đoạn hai. Nước sẽ thoát ra các tuyến rạch hiện hữu, sau đó chảy ra sông Sài Gòn. Dự án xây lắp cống thoát nước và nâng cấp trục đường Nguyễn Văn Hưởng cũng do Trung tâm chống ngập TP làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư hơn 165 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ nay đến năm 2020.

Tương tự, một số điểm ngập khác ở khu vực Thủ Đức như phường Hiệp Bình Chánh, Linh Đông, Trường Thọ đã được giải quyết ngập do tiến hành xây dựng cống ngăn triều Gò Dưa. Vì vậy, nhiều năm nay khu vực này chỉ còn ngập do mưa và không còn xuất hiện cảnh ngập do triều cường.

Giải pháp cho đường Nguyễn Hữu Cảnh

Đường Nguyễn Hữu Cảnh được cho là con đường cứ mưa là ngập. TP đã thuê máy bơm “khủng” là biện pháp trước mắt để xóa ngập cho tuyến đường này trong quá trình chờ dự án nâng cấp, mở rộng. Đến tháng 10-2019, dự án mở rộng và nâng cấp tuyến đường này mới chính thức được khởi công. Đây là công trình được người dân TP kỳ vọng sẽ xóa vĩnh viễn tình trạng ngập khi mưa.

Ban dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết hệ thống thoát nước tại khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ được sửa chữa, xây dựng bổ sung hệ thống cống dọc tuyến thoát nước.

Cụ thể, đối với đoạn một, từ đường Tôn Đức Thắng đến hết ranh dự án cầu Thủ Thiêm: Giữ nguyên hệ thống thoát nước hiện trạng, nâng cao miệng giếng thu, cải tạo cửa thu nước cho phù hợp cao độ mặt đường và vỉa hè hoàn thiện. Hướng thoát nước sẽ thoát ra rạch Thị Nghè theo cửa xả hiện hữu tại cầu Thị Nghè 2.

Đoạn hai từ cầu Thủ Thiêm đến hết phạm vi nút giao dưới dạ cầu Sài Gòn sẽ được xây dựng hệ thống thoát nước mới dưới lòng đường, song song với hệ thống thoát nước cũ và liên kết hệ thống thoát nước hiện hữu qua các giếng thu. Cùng với đó, xử lý lấp hủy các đoạn cống thoát nước cũ bị hư hỏng, đứt gãy không còn khả năng thoát nước, tránh lún sụp trong quá trình khai thác. Hướng thoát nước được xả trực tiếp ra sông Sài Gòn.

Đặc biệt mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ nâng cao đến 1,2 m so với hiện hữu. Cụ thể, đoạn đường từ hầm chui cầu Thủ Thiêm đến cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh sẽ được nâng cao độ mặt đường lên từ 50 cm đến 1,2 m. Tổng kinh phí là 472,9 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 371 tỉ đồng. Dự kiến 14 tháng nữa công trình sẽ hoàn thành và người dân không phải chịu cảnh ngập lụt nữa. Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần khắc phục tình trạng ngập nước, kẹt xe tồn tại suốt nhiều năm qua trên tuyến đường này.

Ông VÕ VĂN HOAN,Phó Chủ tịch UBND TP.HCM:

Sẽ điều chỉnh các quy hoạch chống ngập lạc hậu

TP đang đối điện với những cơn mưa lớn, kéo dài và triều cường không ngừng dâng cao, mặt đất lún là những áp lực lớn trong việc giải quyết ngập.

Ông Hoan nhìn nhận công tác quản lý nhà nước về chống ngập cũng có điểm chưa được tốt. TP sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch, điều chỉnh và kiến nghị điều chỉnh các quy hoạch chống ngập đã lạc hậu. Đồng thời TP cũng sẽ xây dựng chuẩn cốt nền, đánh giá khảo sát lại, xác định chức năng của từng sông, kênh rạch, phân cấp ủy quyền cho địa phương quản lý, lập trung tâm dự báo ngập.

Ông NGUYỄN HOÀNG ANH DŨNG, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị:

Hoàn thiện các dự án nạo vét kênh rạch

Dự án cống ngăn triều 10.000 tỉ đồng, TP cũng đang triển khai hệ thống van một chiều để ngăn triều cường thâm nhập. Theo đó, van một chiều này sẽ cho nước trong đô thị thoát ra sông và ngăn nước từ sông chảy ngược lại. Mặt khác, TP cũng huy động các nguồn lực để xây dựng cống kiểm soát triều mang lại hiệu quả nhất định như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bình Triệu, dọc sông Sài Gòn ở quận 12, Hóc Môn.

Đối với trường hợp mưa gây ngập diện rộng thì việc khơi thông, nạo vét kênh rạch sẽ giảm tình trạng ngập. Hiện đơn vị đang tham mưu cho TP từng bước thực hiện hoàn thiện các dự án nạo vét kênh rạch, cống thoát nước, xây dựng các khu vực trữ nước nhằm giải quyết bài toán thoát nước mưa, nước mặt, đồng bộ cùng công trình kiểm soát ngập do triều.

Kỹ sư LÊ THÀNH CÔNG, Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế tư vấn xây dựng D&C:

Khu nhà cao tầng đất sẽ bị sụp lún

TP bị ngập do nhiều nguyên nhân như tình trạng bê tông hóa, nhà cao tầng mọc lên quá nhiều gây cản trở hệ thống thoát nước từ phía trong đi ra. Trong khi đó, hệ thống thoát nước mặt quá kém, cống bị quá tải nên mới xảy ra tình trạng ngập như hiện nay. Bên cạnh đó, tại khu có nhiều nhà cao tầng đất sẽ bị sụp lún…

Dù dự án cống căn triều 10.000 tỉ đồng đi vào hoạt động cũng chỉ có thể ngăn triều tại khu vực bị tác động với hiệu quả 70%. Hệ thống ngăn triều là giải pháp mang tính dài hạn và TP cũng cần đưa ra nhiều giải pháp khác để chống ngập. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước, trữ nước và tiêu thoát hiện nay rất kém nên hiệu quả giảm ngập gần như không có. Do đó những vùng trũng như quận 2, kênh Nhiêu Lộc, An Phú chắc chắn sẽ ngập.

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/moi-truong/tphcm-quyet-chua-can-benh-ngap-867022.html