TP.HCM: Phát hiện ca nhiễm virus Zika thứ 5

Chiều 19/10, UBND TP.HCM đã tổ chức buổi họp triển khai phòng chống dịch bệnh Zika với sự tham dự của các sở ban ngành và các bệnh viện trọng điểm.

Đã có bằng chứng bệnh nhiễm virus Zika để lại di chứng tật đầu nhỏ cho thai nhi, trẻ sơ sinh

Tính đến cuối tháng 9/2016, trên thế giới đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lưu hành hoặc lây truyền virus Zika, đặc biệt gần đây số ca mắc nhanh tại Singapore với 342 ca, Thái Lan trên 200 ca. Đã có bằng chứng bệnh nhiễm virus Zika để lại di chứng tật đầu nhỏ cho thai nhi, trẻ sơ sinh tại các khu vực có dịch bệnh do virus Zika lưu hành.

Ngoài phương thức lây truyền chủ yếu qua muỗi ades, còn có một số bằng chứng cho thấy virus có thể lây truyền qua đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh.

PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, thành phố vừa phát hiện thêm một ca bệnh mắc Zika tại quận 5, nâng tổng số ca bệnh do virus Zika tại TP.HCM lên 5 ca (2 trường hợp tại quận 2, 1 trường hợp tại quận 9, 1 trường hợp tại quận 12, 1 trường hợp tại quận 5).

PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngoài việc thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, ngành y tế đã triển khai xác định và can thiệp vùng nguy cơ dựa trên chỉ số lăng quăng, chỉ số muỗi và phân loại thành các vùng nguy cơ cao, nguy cơ vừa và nguy cơ thấp. Kết quả ghi nhận tại 8 quận, huyện trọng điểm cho thấy: Vùng nguy cơ cao tập trung tại Bình Chánh (98%), Thủ Đức (70%), Hóc Môn (53%); vùng nguy cơ vừa tập trung tại Tân Phú, Quận 8, Tân Bình.

Sở Y tế đã phối hợp với Viện Pasteur thực hiện tầm soát ca bệnh tại 30 bệnh viện trên địa bàn toàn phố, tính đến nay, các bệnh viện đã vận chuyển được gần 800 mẫu bệnh phẩm đến Viện Pasteur. Công tác giám sát các điểm nguy cơ được thực hiện tại 24/24 quận huyện.

Bên cạnh đó, nhằm phòng chống di chứng tật đầu nhỏ, ngành y tế tập trung phát hiện thai phụ có triệu chứng Zika để quản lý, theo dõi thai nhi và trẻ sơ sinh; tăng cường tầm soát phát hiện sớm để tránh dị tật đầu nhỏ khi sinh ra; phát hiện và điều tra ca tật đầu nhỏ ở trẻ mới sinh và những ca chết thai nhi, não thai bẩm sinh bất thường trong thời gian mang thai hoặc sau khi sinh.

Thêm 2 trẻ nghi mắc bệnh đầu nhỏ ở Đắk Lắk

Hai cháu nhỏ trong một gia đình ở Đắk Lắk mắc bệnh đầu nhỏ từ khi mới sinh. Các cơ quan chức năng đang lấy mẫu để xét nghiệm xác định nguyên nhân.

Ngày 19/10, một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết đơn vị vừa lấy mẫu máu của cháu Giàng Thị Tuyết (7 tuổi) và Giàng A Đông (4 tuổi) con anh Giàng A Tuấn (ngụ xã Ea Dăh, huyện Krông Năng) để xét nghiệm xác định nguyên nhân gây nên chứng đầu nhỏ.

Theo anh Tuấn, gia đình có 4 người con thì hai cháu phát triển bình thường. Tuy nhiên, 2 bé còn lại lúc sinh ra đã bị chứng đầu nhỏ.

Anh Tuấn cho biết trong thời kỳ mang thai, vợ có sốt nhiều lần nhưng không đi khám. Chị nhiều lần đi khám thai nhưng các bác sĩ đều không phát hiện dị dạng.
"Hai cháu lớn có vòng đầu là 35 và 39 cm, nhỏ hơn nhiều so với những đứa trẻ thông thường. Nhiều năm nay gia đình chỉ đưa cháu đi khám ở bệnh viện huyện nên chưa biết con mắc bệnh gì”, anh Tuấn chia sẻ.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk, trường hợp này đã sinh từ lâu nên khó xác định là do nhiễm virus Zika.

Nguồn Zing

An Nhiên

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tphcm-phat-hien-ca-nhiem-virus-zika-thu-5-post211888.info