TP HCM phải sớm dập được ổ dịch nguy hiểm!

TP HCM sẽ sớm triển khai gói hỗ trợ thứ 2 nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động bị mất việc, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm thuế cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM vào trưa 1-6, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo TP HCM phải khống chế các ổ dịch trong 1-2 tuần tới.

Nhiều nguy cơ lây nhiễm

Báo cáo tại cuộc họp, bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết từ ngày 13-5 đến nay, đã có 211 ca nhiễm và nghi nhiễm liên quan ổ dịch thuộc điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng. Trong số này, có 200 ca bệnh được Bộ Y tế đã công bố, 11 ca nghi mắc Covid-19 mới phát hiện.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân quận Gò Vấp, TP HCM trong đêm 31-5 .Ảnh: HUẾ XUÂN

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân quận Gò Vấp, TP HCM trong đêm 31-5 .Ảnh: HUẾ XUÂN

TP HCM đã điều tra, xác minh các trường hợp tiếp xúc gần, tiếp xúc với tiếp xúc gần hoặc liên quan ca bệnh. Tổng số F1 là 3.028 người (2.557 mẫu âm tính, 471 chờ kết quả), tổng số F2 là 15.200 người và xét nghiệm mở rộng 181.004 người (67.619 mẫu âm tính, 128.591 chờ kết quả). Hiện tổng cộng 20/22 quận, huyện tại TP có ca bệnh (ngoài quận 11 và huyện Cần Giờ). Các địa phương ghi nhận nhiều ca bệnh: Gò Vấp (52 ca), quận 12 (23 ca), quận Bình Thạnh (22 ca), quận Tân Phú (22 ca), quận Tân Bình (22 ca).

Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, ngoài sự lây nhiễm từ sinh hoạt tôn giáo thì nguy cơ lây nhiễm tại những nơi làm việc khá cao. Đáng kể là sự lây nhiễm trong các tòa nhà văn phòng, thường là môi trường kín, sử dụng máy lạnh trung tâm. Về nguy cơ đối với các khu công nghiệp (KCN), TP HCM cũng đã ghi nhận 3 ca bệnh làm việc ở KCN Tân Bình, KCN Tây Bắc Củ Chi, KCN Vĩnh Lộc - Hóc Môn. TP HCM đã huy động lực lượng toàn ngành y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm, đạt công suất trung bình 100.000 người/ngày (20.000 mẫu gộp).

Đại diện Bộ Nội vụ báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng chỉ đăng ký hoạt động ở cấp phường, xã chứ không phải hội thánh tôn giáo. Người đứng đầu cũng không phải mục sư. Trên cả nước có khoảng 5.500 điểm nhóm, riêng tại TP HCM có khoảng 145 điểm nhóm hoạt động như Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng có 60 tín đồ thì 55 người là F0.

Vừa sản xuất vừa cách ly

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết trước nguy cơ dịch bệnh lây lan vào các KCN, khu chế xuất (KCX), sắp tới TP sẽ triển khai vừa thực hiện khoanh vùng cách ly vừa sản xuất ở một số doanh nghiệp để hạn chế lây lan dịch bệnh nếu có.

Hiện nay, trên địa TP có 1,6 triệu công nhân, bao gồm cả công ty không nằm trong các KCN, KCX. Riêng KCN, KCX có 280.000 công nhân cùng với 3.000 chuyên gia, KCN cao là 45.000 người.

Trước nguy cơ lây lan dịch bệnh, một trong các trọng điểm cần tập trung hiện nay là lấy mẫu cho công nhân làm việc tại các khu vực này. "Chỉ cần một trường hợp lây nhiễm sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động nơi đó, đồng thời các hợp đồng sản xuất của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. TP sẽ chọn một số doanh nghiệp để vừa cách ly vừa sản xuất. Chấn chỉnh doanh nghiệp hoạt động không bảo đảm được yêu cầu phòng dịch" - ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

TP HCM sẽ sớm triển khai gói hỗ trợ thứ 2 nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động bị mất việc, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm thuế cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng ổ dịch ở điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng có mức độ nguy hiểm nhất so với các ổ dịch khác. Chu kỳ lây nhiễm nhanh, khả năng phát tán mầm bệnh chỉ 2-3 ngày, do đó khi phát hiện đã chậm 4-5 chu kỳ lây nhiễm. Có thể đã xuất hiện ổ dịch mới không rõ nguồn lây mà chúng ta chưa phát hiện được.

Không quyết liệt kiểm soát sẽ vỡ trận

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhận định những ngày qua TP HCM có những quyết định chính xác trong việc thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 trên địa bàn. Đợt bùng phát dịch thứ 4 này TP có 4 chuỗi lây nhiễm. Hiện đã khống chế được 3 chuỗi, chỉ còn chuỗi lây nhiễm tại điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị TP HCM phải kiên quyết, chủ động hơn nữa để thời gian tới dịch bệnh không lây lan, đặc biệt liên quan đến ổ dịch tại điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã lây lan ra nhiều địa phương trong và ngoài TP. Dù có thể còn phát hiện nhiều trường hợp lây nhiễm nhưng với những giải pháp quyết liệt thì sẽ kiểm soát được tình hình. Không quyết liệt kiểm soát sẽ vỡ trận. Phải xem xét lại công tác kiểm soát phòng chống dịch của các lực lượng chức năng tại cơ sở. Tại sao "đi từng ngõ gõ từng nhà" để kiểm soát mà việc sinh hoạt tập trung để phát sinh ổ dịch lại không hề hay biết.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu trong thời gian 1-2 tuần tới TP HCM phải dập tắt ổ dịch lớn này, bằng mọi giá phải kiểm soát được. Đồng thời, rà soát lại hết 145 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tương tự như Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, tăng cường quản lý nhà nước chặt những nơi này.

Bảo vệ sản xuất là nhiệm vụ sống còn

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp (DN) KCN TP HCM, cho biết suốt 2 tuần nay, chính quyền TP HCM, Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM (Hepza) cùng các công ty hạ tầng ráo riết làm việc, tuyên truyền nhắc nhở các DN thực hiện các giải pháp phòng chống dịch. Đích thân Chủ tịch UBND TP đã dẫn đoàn đi kiểm tra đột xuất tại một số DN lớn, có nhiều lao động để nắm bắt tình hình thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và bảo đảm duy trì sản xuất trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp.

"Trong các đợt bùng phát dịch trước đây, TP HCM tuy xuất hiện nhiều ca nhiễm bệnh nhưng dịch chưa lan sang các KCX-KCN. Lần này, đã phát hiện ca dương tính với virus SARS-CoV-2, tinh thần chống dịch của từng DN càng quyết liệt hơn. Bảo vệ cho các KCX-KCN được an toàn, duy trì sản xuất ổn định trong dịch Covid-19 là nhiệm vụ sống còn không chỉ của các đơn vị quản lý nhà nước mà còn của từng DN" - ông Bé nói.

T.Nhân

36 đơn vị được nhập khẩu vắc-xin

Bộ Y tế vừa có công văn khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận vắc-xin Covid-19. Theo đó, để tạo điều kiện cho các đơn vị trong việc nhập khẩu vắc-xin cho nhu cầu cấp bách, Bộ Y tế đề nghị trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng với cơ sở sản xuất hoặc cung ứng vắc-xin, các đơn vị lưu ý một số nội dung sau: Với các vắc-xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng trong tình trạng khẩn cấp (từ các cơ sở sản xuất: AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Johnson & Johnson...), Bộ Y tế sẽ xem xét phê duyệt trong thời gian 5 ngày làm việc khi nhận đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và kèm theo ủy quyền chính thức của cơ sở sản xuất vắc-xin Covid-19. Với các vắc-xin đã được các quốc gia khác phê duyệt nhưng chưa được WHO phê duyệt sử dụng trong tình trạng khẩn cấp, Bộ Y tế sẽ xem xét, phê duyệt trong thời gian 10 ngày làm việc.

Theo Bộ Y tế, hiện nay có 36 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vắc-xin, kinh doanh dịch vụ bảo quản vắc-xin, trong đó có vắc-xin Covid-19. Đến nay, Việt Nam chỉ mới có khoảng 1,2% số dân đã được tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Bộ Y tế cố gắng trong năm 2021 cung ứng đủ 150 triệu liều vắc-xin và tổng lực tiến hành tiêm vắc-xin cho khoảng 70% số dân ngay trong năm.

Bộ Y tế cho biết ngày 1-6, Việt Nam ghi nhận thêm 251 ca mắc mới gồm 1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 250 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (124), TP HCM (70), Bắc Ninh (34), Lạng Sơn (12), Long An (3), Hà Nội (2), Hà Nam (2), Đồng Tháp (1), Trà Vinh (1), Vĩnh Phúc (1). Hiện tổng số ca mắc Covid-19 ở nước ta là 7.572, trong đó 6.065 ca ghi nhận trong nước và 1.507 ca nhập cảnh.

D.Thu

Hải Yến - Nguyễn Thuận - Nguyễn Thạnh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tp-hcm-phai-som-dap-duoc-o-dich-nguy-hiem-20210601223530442.htm