TP.HCM nỗ lực dập tắt 6 chuỗi lây nhiễm COVID-19 chưa rõ nguồn lây

TP.HCM đang bước vào tuần đầu tiên thực hiện tái giãn cách xã hội toàn thành phố. Đây là thời gian để các cấp, các ngành, người dân cùng chung tay, nỗ lực dập tắt các chuỗi lây nhiễm COVID-19

6 chuỗi lây nhiễm, ổ dịch chưa rõ nguồn lây

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ ngày 18/5 đến 23/5, thành phố phát hiện 2 chuỗi lây nhiễm gồm chuỗi “Công ty Grove ở Q. 3 ” và chuỗi “Bánh canh O Thanh Q. 3”; từ ngày 26/5 phát hiện chuỗi “Nhóm truyền giáo Phục Hưng ” với 7 nhánh lây nhiễm lớn. Đối với các chuỗi và các nhánh lây nhiễm này, thành phố đã cơ bản kiểm soát được, không phát hiện ca nhiễm mới.

Tuy nhiên, từ ngày 2/6 đến nay, trên địa bàn thành phố phát hiện thêm 6 chuỗi lây nhiễm khác chưa rõ nguồn lây, gồm:

- Chuỗi lây nhiễm tại Khu dân cư E Home3, giáp ranh Q. Bình Tân và Q. 8. Từ 1 trường hợp đến khám sàng lọc tại BV Quốc tế City ngày 5/6 và 1 trường hợp đến khám sàng lọc tại BV Triều An ngày 7/6. Qua truy vết, thành phố đã phát hiện 47 ca bệnh khác tại khu vực này và các cụm dân cư thuộc phường 16 (Q. 8), phường An Lạc (Q. Bình Tân) và xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh), trong đó có 1 công nhân làm việc tại công ty Pouchen và 2 công nhân làm việc tại công ty Tỷ Hùng đều thuộc Q. Bình Tân.

Lực lượng chức năng phong tỏa Khu dân cư E Home3 để khoanh vùng, triển khai các biện pháp chống dịch. Ảnh: HCDC

Lực lượng chức năng phong tỏa Khu dân cư E Home3 để khoanh vùng, triển khai các biện pháp chống dịch. Ảnh: HCDC

Trước đó, cũng tại khu dân cư E Home 3, ngày 30/5 phát hiện 2 bệnh nhân trong 1 gia đình tại block A6 có liên quan đến Nhóm truyền giáo Phục Hưng. Ngày 12/6 phát hiện 4 bệnh nhân trong 1 gia đình ở block A1 liên quan đến chuỗi lây nhiễm BV Bệnh Nhiệt đới. Ngày 13/6 đã phát hiện thêm 2 trường hợp nhiễm là cặp vợ chồng bán nông sản cư ngụ block A9. Với đặc điểm khu dân cư sử dụng chung các cơ sở hạ tầng, có thể nhận định khu dân cư E Home 3 là 1 ổ dịch. Hiện ngành chức năng đã phong tỏa toàn bộ khu dân cư.

- Chuỗi lây nhiễm tại BV Bệnh Nhiệt đới: từ ngày 11/6 – 13/6 BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM xét nghiệm toàn bộ 924 nhân viên, phát hiện trường hợp dương tính là các nhân viên bệnh viện thuộc 13 khoa phòng, bộ phận.

Nhận định ban đầu đây là ổ dịch lây nhiễm trong nhân viên bệnh viện, chủ yếu thuộc Phòng Công nghệ thông tin, Phòng Chỉ đạo tuyến, Phòng Hành chính quản trị và các phòng chức năng khác như Phòng Kế hoạch tổng hợp, Phòng Tổ chức cán bộ, Khoa Dược; trong đó có 1 nhân viên sống trong ổ dịch khu dân cư Ehome 3.

Liên quan đến ổ dịch này đã phát hiện thêm 1 nhân viên Khoa Vi sinh BV Nhân dân Gia Định (vợ của nhân viên BV Bệnh Nhiệt đới), từ đó lây thêm cho 1 đồng nghiệp cùng khoa. BV Nhân dân Gia Định đã xét nghiệm tầm soát toàn bộ nhân viên y tế, kết quả đều âm tính.

Nhân viên y tế mở rộng điều tra, truy vết những người tiếp xúc với các ca bệnh được phát hiện tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: HCDC

- Chuỗi lây nhiễm tại xưởng khí Hóc Môn: Phát hiện vào tối 8/6, thành phố ghi nhận 6 bệnh nhân đồng thời đến khám sàng lọc tại BV Thống Nhất, BVTrưng Vương và BV huyện Bình Chánh (2 bệnh nhân/bệnh viện). Qua truy vết, các bệnh nhân này đều cùng liên quan đến xưởng khí ở Hóc Môn, đã phát hiện thêm 43 ca khác. Chuỗi lây nhiễm này ảnh hưởng đến các quận, huyện Củ Chi, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Tân Bình.

-Chuỗi lây nhiễm tại đường số 11, phường Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức: Từ 1 bệnh nhân đến khám sàng lọc tại BV Đức Khang ngày 2/6, thành phố đã phát hiện thêm 5 bệnh nhân F1 là người sống cùng nhà và 1 trường hợp là F2 mắc bệnh.

-Chuỗi lây nhiễm tại ấp Tân Thới 2, Tân Hiệp, huyện Hóc Môn: Từ 1 bệnh nhân đến khám sàng lọc tại BV Hóc Môn ngày 5/6 đã phát hiện thêm 9 bệnh nhân khác cùng nhà và các nhà xung quanh.

-Chuỗi lây nhiễm Tân Thới 3, Tân Hiệp, Hóc Môn: Phát hiện ngày 11/6 qua 1 nhân huyện viên Khoa Sơ sinh BV Nhi đồng 1 được khám sàng lọc tại BV Xuyên Á. Qua truy vết đã phát hiện thêm 21 bệnh nhân nữa cùng ấp. BV Nhi đồng 1 đã tổ chức xét nghiệm toàn bộ nhân viên, không phát hiện thêm người bệnh.

Nỗ lực dập tắt các chuỗi lây nhiễm

Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng virus Delta gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc (đặc biệt là các tòa nhà văn phòng). Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lan tỏa rất nhanh và rộng tại thành phố.

Các ổ dịch cộng đồng lớn tại thành phố ghi nhận chủ yếu tại các khu nhà trọ, cụm dân cư tại các quận, huyện vùng ven và khu vực nông thôn đô thị hóa. Đã ghi nhận các bệnh nhân làm việc trong các khu công nghiệp, bệnh nhân là nhân viên y tế, nhân viên văn phòng.

Hiện nay, thành phố đang bước vào tuần đần tiên thực hiện tái giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh đang được tiếp tục thực hiện và tăng cường với nỗ lực dập tắt các chuỗi lây nhiễm, ổ dịch.

Nhân viên y tế triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại khu nhà trọ đường 11, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức. Ảnh: HCDC

Cụ thể, thành phố đã củng cố lại công tác điều tra, truy vết, cách ly và xét nghiệm để đáp ứng kịp thời yêu cầu chống dịch. Khẩn trương điều tra, lập danh sách người tiếp xúc gần để cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời tiếp tục điều tra dịch tễ, xác định người tiếp xúc với tiếp xúc gần để cách ly tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm.

Sắp xếp , điều phối việc tiếp nhận và thực hiện mẫu xét nghiệm theo nhóm ưu tiên giữa các cơ sở xét nghiệm phù hợp với công suất, đảm bảo kịp thời có kết quả (8 giờ - 12 giờ đối với mẫu F1, 24 giờ đối với mẫu F2 gần).

Khoanh vùng xử lý, xét nghiệm tầm soát quanh địa điểm có ca bệnh và khu vực lân cận, đồng thời xét nghiệm mở rộng trong cộng đồng. Riêng đối với các chung cư, tòa nhà văn phòng, căn hộ có ca bệnh, thực hiện xét nghiệm toàn bộ người cư trú, người làm việc tại các địa điểm nêu trên.

Song song với tổ chức xét nghiệm mở rộng, thực hiện xét nghiệm kiểm tra theo chuỗi tiếp xúc gần, có nguy cơ cao lây nhiễm do đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh qua tiếp xúc gần ở vòng thứ 2, thứ 3 trong cùng gia đình, cùng nơi làm việc.

Thông báo, vận động những người từng đến các địa điểm có ổ dịch được HCDC thông tin trên các phương tiện truyền thông. Khẩn trương khai báo cho y tế địa phương để giám sát kịp thời, ngăn ngừa tiếp tục lây nhiễm trong cộng đồng.

Bên cạnh tăng cường lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng, thành phố đã mở rộng công suất các khu cách ly tập trung. Hiện nay thành phố có 6 khu cách ly tập trung với công suất 5.500 giường; đang mở rộng và tăng thêm công suất ở cơ sở cách ly tại Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM; 51 khách sạn cách ly thu phí với hơn 5.000 giường và tiếp tục triển khai thêm khi số người cách ly tăng lên; 2 khu cách ly quân đội với 678 giường.

Thành phố cũng chuẩn bị kế hoạch triển khai khu cách ly ở các ký túc xá đại học khác cho tình huống dịch bệnh lan rộng hơn. Ở mỗi quận, huyện, đảm bảo công suất khu cách ly tập trung 200 giường (riêng TP Thủ Đức 600 giường) để tiếp nhận, cách ly tạm thời các trường hợp F1 trên địa bàn, trước khi chuyển đi khu cách ly tập trung của Thành phố. Bên cạnh đó, chuẩn bị kế hoạch dự phòng tăng số giường cách ly lên 300 – 400 giường.

Các cơ sở cách ly tập trung thành phố, quận huyện và khách sạn bố trí điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo an toàn, phòng chống lây nhiễm chéo trong cơ sở cách ly; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức cách ly tập trung và tuân thủ quy định phòng chống dịch.

Hoài Thương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tphcm-no-luc-dap-tat-6-chuoi-lay-nhiem-covid-19-chua-ro-nguon-lay-n195090.html