TP.HCM: Nhiều công viên đang bị hàng quán 'xẻ thịt'

Nhiều diện tích đất trong hàng loạt công viên lớn ở TP.HCM từ lâu bị 'trưng dụng' làm cafe sân vườn, cửa hàng tạp hóa… tấp nập từ sáng tới khuya

Ghi nhận của phóng viên Thế Giới Tiếp Thị Online tại một số công viên trên địa bàn TP. HCM như: công viên Tao Đàn (quận 1), Công viên Gia Định (quận Gò Vấp), công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình)... nhan nhản những quán cà phê, quán hàng tạp hóa án ngự.

Theo đó, những hàng quán này bày bàn ghế chiếm dụng lối đi của người dân khi vào công viên nghỉ mát, tập thể dục... làm thu hẹp khoảng không gian của công viên. Không chỉ ngang nhiên lấn chiếm lối đi, ngày nào cũng vậy, đủ phế phẩm rác thải như bao bóng, vỏ chai của một số hàng quán sau khi khách dùng xong được bỏ lại trong công viên.

Quán cà phê là hình ảnh phổ biến trong các công viên ở TP.HCM

Cụ thể, ở công viên Hoàng Văn Thụ, nhiều của hàng kinh doanh hàng tạp hóa, bánh kẹo cũng bày bán giữa công viên. Nhiều lối đi của người đi bộ trong công viên bị bàn ghế của các hàng quán này chiếm dụng.

Tương tự, tại khu công viên Gia Định, quận Gò Vấp, chỉ trong một khoảng không gian nhỏ của công viên đã có đến hai quán cà phê. Không gian yên tĩnh vốn có của công viên này bị xé toạc bởi tiếng xe máy, tiếng người rôm rả ra vào quán cà phê, quán cafe này sầm uất, náo nhiệt cả ngày đêm. Hay, diện tích đất tại Công viên Lê Thị Riêng (quận 10, TP.HCM) phần lớn được sử dụng cho thuê để làm nhà sách, quầy dịch vụ ăn uống.

Không gian vốn có của công viên đang bị thương mại hóa bởi cửa hàng tạp hóa, quán cafe

Nhiều người dân khi đến công viên chứng kiến cảnh công viên bị bức tử bởi hàng quán, bàn ghế dọc lối đi bộ đều tỏ ra bức xúc. Bà N. H, một người dân ở quận 3, TP.HCM thường xuyên đến công viên Hoàng Văn Thụ tìm không gian yên tĩnh để đọc báo, cho biết, bà không đồng tình với việc các hàng quán, quán cà phê bày bán trong công viên. Bởi lẽ công viên là nơi công cộng cần có không gian yên tĩnh, thoáng mát để người dân vào nghỉ ngơi, thư giãn lúc thời gian rảnh.

Theo bà H, việc kinh doanh buôn bán trong công viên vô tình thương mại hóa công viên, người này buôn bán được thì người khác cũng bày hàng bán được. Điều đó làm mất đi giá trị của công viên là mang lại không gian thoáng mát và yên tĩnh cho người dân. "Công viên là công trình phúc lợi công cộng để phục vụ người dân, nhưng xem chừng nay công viên này phục vụ nhu cầu kinh doanh nhiều hơn”, bà H nói.

Quán tạp hóa buôn bán ngay trong công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình, TP.HCM)

“Mang tiếng là công viên, nhưng ở đây từ sáng sớm đến khuya là nơi hoạt động của quán xá, cửa hàng tạp hóa, không phải là nơi dành cho người dân thư giãn, tập thể dục, trẻ em vui đùa. Bởi không ai vào công viên để nghe chát chúa âm thanh, hay ngửi mùi khói thuốc từ khách hàng nơi đây. Người dân chúng tôi rất buồn vì những chỉ đạo của TP hình như không ngăn được những nhóm người trục lợi các công viên này”, anh Nguyễn Anh Khoa, quận Gò Vấp cho hay.

Trước những thực trạng các công viên trên địa bàn thành phố đang bị chiếm dụng đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu chính quyền sở tại đang cố tình "ngó lơ" hay chưa biết đến vấn đề này?

Lối đi trong công viên Hoàng Văn Thụ của người dân bị hàng quán chiếm dụng

Liên quan đến tình trạng quán cà phê, cửa hàng lấn chiếm công viên trên địa bàn TP.HCM, trong buổi họp về kinh tế - xã hội-văn hóa TP.HCM 6 tháng đầu năm 2018, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải báo cáo về hiện trạng quản lý công viên hiện nay. Người đứng đầu chính quyền thành phố khẳng định, công viên phải là không gian để mọi người thư giãn sau giờ làm việc mệt mỏi, chứ không phải nơi để kinh doanh.

Việc các hàng quán lấn chiếm công viên được đánh giá không phải là chuyện nhỏ. Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu giám đốc Sở Giao thông - Vận tải trong tháng 7 phải báo cáo đầy đủ về hiện trạng này.

Nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu chính quyền đang cố tình "ngó lơ" hay chưa biết đến thực trạng đang diễn ra này?

Về vấn đề này, trả lời báo giới, ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 542,96 ha đất công viên, cây xanh. Trong đó, Sở này được UBND TP giao là cơ quan quản lý nhà nước khoảng 13 công viên, còn 317 công viên còn lại do các quận, huyện quản lý.

Để giải quyết tình trạng này, Sở Giao thông - Vận tải đã trình UBND TP các đề án và có nói rõ các việc cần làm.

Bãi rác tự phát trong công viên Gia Định (quận Gò Vấp, TP.HCM)

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho rằng, việc sử dụng đất phải thực hiện theo đúng quy định về công năng và chức năng. Đối với các công viên, khu vực có cây xanh và các công trình phụ trợ đều phục vụ cho lợi ích công cộng, phục vụ người dân. Nguyên tắc tỷ lệ chung giữa mảng xanh và các công trình xây dựng, đơn vị quản lý buộc phải tuân thủ. Các đơn vị được giao quản lý công viên phải đảm bảo đúng nguyên tắc đó. Nhưng vẫn còn tình trạng sử dụng sai mục đích và có tình trạng “xẻ thịt” công viên.

PHẠM ĐỨC

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/tp-hcm-nhieu-cong-vien-dang-bi-hang-quan-xe-thit-8485.html