TP.HCM: Nhập nhằng lập vi bằng buôn bán nhà đất không có sổ đỏ

Các văn phòng thừa phát lại sẽ không được thực hiện lập vi bằng cho các giao dịch nhà đất, tài sản không có giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật nhằm chuyển quyền sử dụng và quyền sở hữu cho người khác. Vậy các giao dịch chuyển nhượng, mua bán sẽ ra sao?

Thông tin từ sở Tư pháp TP.HCM cho biết đã có văn bản gửi các văn phòng thừa phát lại (TPL) đề nghị “không được cố tình lập vi bằng việc mua bán nhà đất thông qua hình thức ghi nhận việc giao nhận nền, lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền để che giấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật”.

Song song đó, các văn phòng TPL cũng “không được lập vi bằng xác nhận sự kiện hành vi liên quan đến đất đai, tài sản không có giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật nhằm chuyển quyền sử dụng và quyền sở hữu cho người khác”.

Liên quan đến thông tin này, bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc sở Tư pháp TP.HCM cho biết thêm, đơn vị này đã có công văn hướng dẫn, nhắc nhở về việc lập vi bằng của TPL. Theo đó, “các đơn vị phải giải thích rõ, đầy đủ về giá trị pháp lý của vi bằng do TPL lập cho người yêu cầu lập vi bằng được biết. Tránh tình trạng, người dân ngộ nhận vi bằng của TPL với văn bản công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật”.

Trước đó, sở Tư pháp cũng đã tạm đình chỉ 3 tháng đối với văn phòng TPL quận Gò Vấp do có nhiều vi phạm liên quan đến các giao dịch nhà đất.

Văn phòng TPL quận Gò Vấp có nhiều vi phạm liên quan đến các giao dịch nhà đất.

Sở Tư pháp cho rằng, văn phòng TPL quận Gò Vấp có nhiều vi phạm, gây ảnh hưởng xấu cho xã hội. Cụ thể, đơn vị này đã quản lý không chặt chẽ để các TPL của văn phòng vi phạm nhiều lần về trình tự, thủ tục trong việc lập 85 vi bằng có liên quan đến bà Nguyễn Thị Giang.

Trong số 85 vi bằng thì TPL Nguyễn Đức Thịnh (Trưởng văn phòng) đã lập 78 vi bằng. Đây được xem là hành vi cố ý vi phạm nhiều lần với số lượng vi bằng lớn. Do đó, sở Tư pháp TP.HCM đề nghị bộ Tư pháp xem xét miễn nhiệm TPL đối với ông Thịnh.

Cùng với đó, UBND TP.HCM đã giao sở Tư pháp kiểm tra, làm rõ việc TPL cấp vi bằng về việc bà Giang tặng cho một số người dân quyền sử dụng đất (tại phường Hiệp Thành, quận 12) để đề xuất UBND TP xem xét, xử lý nghiêm các vi phạm. Bà Giang có khu đất không có giấy tờ chủ quyền nhưng nhiều người dân vẫn nhận chuyển nhượng các lô đất của bà thông qua hợp đồng tặng cho có lập vi bằng.

Đồng thời, sở Tư pháp cũng phải có biện pháp chấn chỉnh các hoạt động của TPL trong việc lập vi bằng có liên quan đến sử dụng đất.

Theo thống kê của sở Tư pháp, tính đến hết tháng 3/2018, trên địa bàn TP có 10 văn phòng TPL. Riêng văn phòng TPL quận Gò Vấp đang bị tạm đình chỉ hoạt động do có nhiều vi phạm.

Chung cư mini đang được chào bán rầm rộ với giấy tờ tay, lập vi bằng.

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… đang xuất hiện hàng loạt các giao dịch nhà đất chỉ “lập vi bằng”. Khi chưa đủ các điều kiện để tách thửa, được công nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn trên đất, các “đầu nậu”, “cò mồi”… đã dùng “con đường duy nhất” để mua bán, chuyển nhượng, cho tặng... là giấy tay, lập vi bằng.

Tuy nhiên, nhiều người dân lại lầm tưởng rằng, việc lập vi bằng là giấy tờ hợp pháp, mang tính chủ quyền như các loại giấy chứng nhận sở hữu tài sản khác để được cấp sổ đỏ, sổ hồng.

Thực tế tại một số địa phương như quận 12, Thủ Đức, Hóc Môn… hiện đang xuất hiện các loại “nhà chung cư”, với diện tích từ 20 đến 30m², được xây dựng hàng loạt và chào bán tràn lan với giá khá thấp. Tuy nhiên, việc mua bán chỉ là giấy tay, lập vi bằng.

PV sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Chỉ là chứng cứ

Vi bằng là văn bản do TPL lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Hay nói theo cách hiểu thực tế thì vi bằng là một tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu cần thiết). Trong tài liệu đó, Thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện lập vi bằng mà đích thân Thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Tài liệu này có giá trị chứng cứ trước Tòa án nếu các bên có phát sinh tranh chấp liên quan đến sự kiện, hành vi lập vi bằng.

Hoạt động lập vi bằng của thừa phát lại có những nét, những đặc điểm giống với hoạt động công chứng của công chứng viên kể cả về phương pháp tiến hành cũng như mục đích hoạt động. Tuy nhiên, hoạt động lập vi bằng không phải là hoạt động công chứng.

(Nguồn: bộ Tư Pháp)

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/tphcm-nhap-nhang-lap-vi-bang-buon-ban-nha-dat-khong-co-so-do--a371508.html