TP. HCM: Nhận diện nhiều công ty sản xuất thực phẩm chức năng vi phạm

Đến cuối năm 2018, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 18 cơ sở, trong đó có 5 công ty chuyên sản xuất các thực phẩm chức năng ở TP.HCM với tổng số tiền là hơn 583 triệu

5 công ty sản xuất các thực phẩm chức năng, thực phẩm sức khỏe ở TP.HCM đã bị Cục An toàn thực phẩm ra quyết định xử phạt, đồng thời buộc các cơ sở này phải thu hồi và tiêu hủy những lô sản phẩm vi phạm vào cuối năm 2018.

Cơ sở bị xử phạt nhiều nhất là Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hoàng ZN (Lê Đức Thọ, phường 6, quận Gò Vấp), với số tiền hơn 468 triệu đồng vì 6 hành vi vi phạm.

Cụ thể, công ty đã sản xuất 2 sản phẩm bảo vệ sức khỏe là Cốm trắng da Skinfood Plus+, Trà Thảo mộc hoa sâm đất mà không có giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; sản xuất và bán1 lô sản phẩm thực phẩm bổ sung Cốm dinh dưỡng Extra Kid có một số chỉ tiêu và chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng; vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn mác hàng hóa đối với lô sản phẩm thực phẩm bổ sung Cốm dinh dưỡng Extra Kid; nội dung quảng cáo 2 sản phẩm Cốm trắng da Skinfood Plus+ và Khiết âm không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định;...

Sản phẩm trà thảo mộc hoa sâm đất dính vi phạm.

Sản phẩm trà thảo mộc hoa sâm đất dính vi phạm.

Ngoài ra, Công ty TNHH Quốc tế Umeken Việt Nam (đường số 1, khu dân cư city Land, Phường Tân Phú, Quận 7) bị xử phạt 35 triệu đồng vì quảng cáo các sản phẩm như Viên nén-nén tròn DUO ACTION, Viên hoàn JB KOSO BALL, TRI UP PLUS,...mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện.

Các công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Hoàn Mỹ (Lê Trọng Tấn, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú), Dược phẩm Healthy Beauty, Giai Cảnh cũng bị xử phạt lần lượt là 30 triệu đồng và 25 triệu đồng vì quảng cáo sản phẩm không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định.

Cùng với xử phạt bằng hình thức phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm đã buộc các công ty này thu hồi và tiêu hủy các lô sản phẩm vi phạm, tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, cải chính thông tin theo quy định.

Trước đó, tao đổi với báo chí ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết thêm, trên thị trường Việt Nam hiện có tới 70% sản phẩm TPCN được sản xuất trong nước, trên 20% được nhập khẩu. Đây là mặt hàng tương đối mới, xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2000. Từ đó đến nay Bộ Y tế đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quản lý sản phẩm này. Trong đó, quy định mạnh mẽ nhất là việc ghi nhãn mác TPCN. Cụ thể, ngoài các quy định bắt buộc, trên nhãn các sản phẩm phải ghi rõ “thực phẩm này không phải là thuốc và không thay thế thuốc chữa bệnh”.

Dù có những quy định rất rõ ràng, nhưng thực tế vẫn có một số doanh nghiệp vi phạm. Nhiều doanh nghiệp cố tình ghi nhãn TPCN như thuốc chữa bệnh, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Nhiều bệnh nhân tin tưởng là thuốc mua về uống khiến bệnh ngày càng nặng thêm…Người đứng đầu cơ quan quản lý An toàn thực phẩm cho biết thêm, với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, chúng tôi phối hợp với một số cơ quan tiến hành hậu kiểm nhằm phát hiện những hành vi vi phạm và sẽ xử lý rất nặng. Đặc biệt, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm trong việc quảng cáo, ghi nhãn mác TPCN...Cũng theo ông Phong, nhằm quản lý an toàn TPCN và nâng cao chất lượng sản phẩm này, bắt đầu từ 1/7/2019, tất cả các doanh nghiệp sản xuất TPCN phải đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt GMP.

Trọng Tấn

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/tp-hcm-nhan-dien-nhieu-cong-ty-san-xuat-thuc-pham-chuc-nang-vi-pham-60685.htm