TP.HCM: Người đàn ông 70 tuổi bị vợ đuổi ra khỏi nhà, chiếm toàn bộ tài sản

Người đàn ông 70 tuổi không còn khả năng lao động, lâm cảnh nợ nần chồng chất, cuộc sống gần như bế tắc khi bị vợ đuổi ra khỏi nhà, chiếm đoạt toàn bộ tài sản. Trong khi đó Tòa án nhân dân TP.HCM lại chậm giải quyết vụ tranh chấp tài sản giữa ông và người vợ, khiến ông sống bơ vơ không chốn nương thân khi tuổi già sức yếu.

Đó là ông Nguyễn Ngọc Diệp (SN 1950, quận Bình Thạnh, TP.HCM). Ở cái tuổi gần đất xa trời, cái tuổi lẽ ra phải được nghỉ ngơi hưởng già, vậy mà ông phải thuê phòng trọ. "Cuộc sống của tôi bây giờ vô cùng khó khăn, ốm đau không người chăm sóc, chết cũng không ai hay”, ông Diệp nói trong nước mắt.

Ông Diệp và bà Phụng chính thức ly hôn theo bản án số 34/2011/BA/HNGĐ-ST của Tòa án nhân dân quận Bình Thạnh.

Ông Diệp và bà Phụng chính thức ly hôn theo bản án số 34/2011/BA/HNGĐ-ST của Tòa án nhân dân quận Bình Thạnh.

Tâm sự với chúng tôi ông Diệp kể về cuộc đời đau khổ của mình, ông và bà Nguyễn Thị Phụng (SN 1955, vợ ông Diệp) lấy nhau từ năm 1977, có 3 người con. Trong thời gian chung sống với nhau 2 vợ chồng ông tạo lập được khối tài sản chung gồm: 01 căn nhà 272 A, 01 căn nhà 45/50 đều ở Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh, TP.HCM); 04 nền đất tọa lạc tại xã Chánh Mỹ (Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương); 2 thửa đất ở quận Thủ Đức, TP.HCM.

Cuộc sống gia đình tưởng sẽ hạnh phúc khi gia đình đã có của ăn của để, nhưng cũng chính vì có nhiều tài sản nên bi kịch giữa vợ chồng xảy ra. Đầu năm 1994, tình cảm vợ chồng rạn nứt. Năm 2005 ông Diệp đã làm đơn ly hôn gửi lên Tòa án quận Bình Thạnh, nhưng sau đó ông lại nghĩ cho tương lai của các con nên ông rút lại đơn ly hôn.

Gần cuối năm 2009, ông Diệp sang Hoa Kỳ để chăm con gái đang du học. Trong suốt thời gian này ông không hề hay biết bà Phụng đã cho người khác thuê nhà và cất giấu toàn bộ giấy tờ tùy thân, bằng cấp của ông Diệp. Đến ngày ông trở về không thể về nhà của mình để ở, không có bằng cấp, giấy tờ tùy thân để xin việc làm đành phải lang thang đây đó, chạy vạy mượn tiền khắp nơi để thuê phòng trọ và trang trải qua ngày. Trước tình cảnh này ông Diệp quyết định ly hôn với bà Phụng.

Tòa án quận Bình Thạnh quyết định chuyển hồ sơ vụ án thụ lý số 1552/TLST-DS ngày 23/8/2016 đến Tòa án nhân dân TP.HCM để giải quyết theo thẩm quyền.

Đến ngày 31/5/2011 ông Diệp và bà Phụng ly hôn theo bản án số 34/2011/BA/HNGĐ-ST của Tòa án nhân dân quận Bình Thạnh. Nhưng Tòa án nhân dân quận Bình Thạnh xét thấy trong vụ tranh chấp tài sản chung có yếu tố liên quan đến người nước ngoài (con gái của vợ chồng ông Diệp đang ở Mỹ). Nhận thấy vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân TP.HCM, nên Tòa án quận Bình Thạnh quyết định chuyển hồ sơ vụ án thụ lý số 1552/TLST-DS ngày 23/8/2016 đến Tòa án nhân dân TP.HCM để giải quyết theo thẩm quyền.

Điều đáng nói, là gần 3 năm nay Tòa án nhân dân TP.HCM đã nhiều lần triệu tập những người có liên quan đến tòa án để bổ sung thông tin vụ án, nhưng đến nay vẫn chưa xét xử công bố vụ tranh chấp tài sản chung của vợ chồng ông Diệp, nhưng bà Phụng đã tự ý đuổi ông Diệp ra khỏi nhà và chiếm toàn bộ số tài sản chung để cho thuê và chiếm toàn bộ số tiền, ông Diệp không hề nhận được đồng nào từ việc cho thuê các tài sản chung.

“Tòa án quận Bình Thạnh đã kéo dài vụ kiện của tôi mất 4 năm rồi lên phúc thẩm tòa TP.HCM hủy án, trả hồ sơ về tòa quận, sau đó tòa án quận lại chuyển hồ sơ lên tòa thành phố. Đến nay gần 3 năm, đã nhiều lần thẩm phán Nguyễn Lê Thiên Hương (Tòa án nhân dân TP.HCM) mời chúng tôi lên để bổ sung thông tin vụ án nhưng đến nay vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử. Tổng cộng thời gian gần 8 năm ròng nhưng vụ án tranh chấp tài sản chung vẫn chưa được đưa ra xét xử. Giờ mong muốn nhất của tôi là tòa án TP.HCM nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử để tôi được nhận phần tài sản của mình, lo cho những ngày tháng tuổi già còn lại”.

Liên quan đến tài sản chung của vợ chồng đang xảy ra tranh chấp mà bà Phụng tự ý đuổi ông Diệp ra khỏi nhà chiếm toàn bộ tài sản chung để cho thuê và chiếm toàn bộ lợi tức, luật sư Lâm Hiền Phước - Công ty Luật QAP (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân gia đình thì tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân. Trong hợp này nếu xác định tài sản là căn nhà được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân và không có thỏa thuận tài sản riêng thì được coi như tài sản chung vợ chồng".

Pháp luật hiện hành quy định rất rõ về việc sử dụng tài sản chung, theo đó Điều 35 Luật Hôn nhân gia đình quy định: Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Việc định đoạt tài sản chung là bất động sản phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng. Đồng thời Điều 213 Bộ luật Dân sự cũng quy định: Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.

Căn nhà 272 A Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh, TP.HCM là tài sản đang tranh chấp nhưng bị bà Phụng chiếm cho người khác thuê.

Như vậy, việc bà Phụng không cho ông Diệp ở trong căn nhà là tài sản chung vợ chồng và cho thuê nhà trong thời gian dài mà không được sự đồng ý của ông Diệp đã vi phạm các quy định nêu trên. Trong trường hợp này, ông Diệp có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung, buộc bà Phụng phải hoàn trả lại một phần lợi tức từ việc cho thuê căn nhà nói trên.

Về vấn đề tòa án quận Bình Thạnh chuyển hồ sơ lên Tòa án Nhân dân TP.HCM đã gần 3 năm nhưng vẫn chưa đưa ra xét xử. Theo luật sư Lâm Hiền Phước: “Theo quy định tại Điều 302 Bộ luật Tố tụng dân sự thì thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án ly hôn, tranh chấp chia tài sản chung vợ là không quá 4 tháng (trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài). Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng.

Riêng đối với vụ án có yếu tố nước ngoài thì Khoản 2 Điều 476 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định:

2. Thời hạn mở phiên tòa, phiên họp hòa giải được xác định như sau:

a) Phiên họp hòa giải phải được mở sớm nhất là 06 tháng và chậm nhất là 08 tháng, kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý vụ án. Ngày mở lại phiên họp hòa giải (nếu có) được ấn định cách ngày mở phiên họp hòa giải chậm nhất là 01 tháng;

b) Phiên tòa phải được mở sớm nhất là 09 tháng và chậm nhất là 12 tháng, kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý vụ án. Ngày mở lại phiên tòa (nếu có) được ấn định cách ngày mở phiên tòa chậm nhất là 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 477 của Bộ luật này.’

Như vậy, ngoài trường hợp được quy định tại Khoản 4 Điều 477 thì Tòa án phải mở phiên tòa và tiến hành xét xử trong thời hạn chậm nhất là 12 kể từ ngày thụ lý vụ án. Trong trường hợp này, ông Diệp có thể đối chiếu các quy định trên để xác định thời hạn giải quyết đối với vụ việc của mình. Trường hợp Tòa án chậm đưa vụ án ra xét theo quy định thì ông có thể làm Đơn khiếu nại gửi Chánh án Tòa án nơi thụ lý vụ án để yêu cầu được giải quyết".

PV

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/nguoi-dan-ong-70-tuoi-lam-vao-canh-tot-cung-vi-toa-an-cham-dua-ra-xet-xu-vu-an-tranh-chap-tai-san-d97810.html