TP.HCM: Người dân hãy gọi đến số 08.39.351.351 để phản ánh cây gãy, đổ...

Khi gặp sự cố cây xanh (có nguy cơ gãy đổ hoặc đã gãy đổ…), người dân hãy gọi vào điện thoại vào đường dây nóng của Công ty là 08.39.351.351 và 08.39.55.77.55. Hoặc số điện thoại Tổng đài tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị 1022.

Đó thông tin được bà Nguyễn Thị Huỳnh Anh-Phó giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Công viên Cây xanh TP.HCM thông tin khi trả lời Báo điện tử Infonet vào chiều 1/9.

Gốc cây đổ xuống đường làm anh Từ Minh Khải (25 tuổi, quê Kon Tum) tử vong trên đường An Dương Vương, Q.5

Liên quan đến việc ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân trước sự cố cây xanh gãy, đổ làm 2 người chết, 1 người bị thương xảy ra từ ngày 26/8 đến 31/8, bà Huỳnh Anh-Phó giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Công viên Cây xanh TP.HCM chưa trả lời.

Xin giới thiệu bạn độc nội dung trao đổi ngắn liên quan đến sự cố cây xanh đổ, gãy gây họa chết người:

PV: Xin Công ty cung cấp số liệu về cây ngã đổ từ ngày 26/8-31/8 làm người dân bị thương, tử vong

Bà Huỳnh Anh: Tổng số cây bị ngã là 26 cây, cây bị gãy nhánh là 32 cây.

PV: Công ty đã hỗ trợ gì cho các nạn nhân (bị thương, tử vong). Ai sẽ chịu trách nhiệm về nguyên nhân và cũng như trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân?

Bà Huỳnh Anh: Ngay sau khi xảy ra sự cố cây xanh, Công ty đã nhanh chóng huy động lực lượng khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn giao thông thông suốt đồng thời đưa nạn nhân cấp cứu tại bệnh viện. Công ty đã cử người túc trực tại bệnh viện chăm lo, hỗ trợ toàn bộ chi phí cấp cứu. Đối với những nạn nhân tử vong, Công ty phối hợp với gia đình nạn nhân lo hậu sự.

Công ty là một trong những đơn vị được giao duy tu chăm sóc cây xanh dựa trên dự toán đặt hàng của các chủ đầu tư là các Khu Quản lý giao thông đô thị và trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn.

Qua Công tác tuần tra phát hiện và duy tu chăm sóc cây xanh, khi phát hiện có dấu hiệu cây chết khô, bị sạm mục, nghiêng nguy hiểm..Công ty sẽ báo cáo tuần tra, sau đó gửi văn bản đề xuất xử lý (đốn hạ, cắt thấp…) đến các đơn vị quản lý (các Khu Quản lý giao thông đô thị và Trung tâm Quản ý đường hầm sông Sài Gòn) theo địa bàn được phân cấp để xem xét giải quyết. Đối với những cây nguy hiểm cần xử lý gấp thì phối hợp với đơn vị quản lý xử lý ngay ngoài hiện trường nhằm đảm bảo an toàn.

PV: Để ngăn ngừa cây xanh tiếp tục gây họa, phía Công ty đã có giải pháp gì trước mắt cũng như lâu dài?

Bà Huỳnh Anh: Công ty triển khai thực hiện công tác chăm sóc bảo dưỡng thường xuyên cây xanh theo quy trình kỹ thuật như tuần tra phát hiện, lấy nhánh khô, mé ngọn tán không để nhánh xụ, nhánh nặng tàn…theo đặt hàng của chủ đầu từ và đề xuất thực hiện kế hoạch.

Đốn hạ thay thế cây sâu bệnh, già cỗi, sam thân, bọng gốc, nghiêng nguy hiểm

Hạ thấp chiều cao đối với cây có rễ ngang, cành nhánh giòn, dễ bật gốc như Sọ khỉ, Lim xẹt, Phượng vỹ…

Thay thế dần các cây tạp, cây tiềm ẩn nhiều nguy cơ gãy đổ bằng các chủng loài có nhiều đặc tính đáp ứng tiêu chí lựa chọn cây trồng đường phố (rễ ăn sâu, có tính phù hợp..)

Khó khăn trong công tác duy tu chăm sóc cây xanh đường phố hiện nay là tình trạng xâm hại cây xanh xảy ra khá nhiều (thi công đào đào, vỉa hè, cáp ngầm…) ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây.

Khi gặp sự cố cây xanh (có nguy cơ gãy đổ hoặc đã bị gãy đổ…), người dân hãy gọi vào điện thoại vào đường dây nóng của Công ty là 08.39.351.351 và 08.39.55.77.55. Hoặc số điện thoại Tổng đài tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị 1022.

Bà Huỳnh Anh cũng cảnh báo người dân: “Trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa, người dân cần hạn chế ra đường khi trời mưa to gió lớn, nhất là những cơn mưa đầu mùa thường kèm theo giông gió lớn và khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới, lưu ý không ẩn nấp dưới tán cây khi trời mưa, giông lốc”…

Nguyễn Tuấn

?

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tphcm-nguoi-dan-hay-goi-den-so-0839351351-de-phan-anh-cay-gay-do-post207983.info