TP.HCM nghiên cứu thu phí ô nhiễm: Người nghèo sầu muộn?

Theo chuyên gia, thu phí giúp TP.HCM tăng nguồn thu, vấn đề là sử dụng nguồn thu đó như thế nào để giải quyết ô nhiễm môi trường.

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản đề xuất UBND Thành phố xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông, đồng thời triển khai thu phí ô nhiễm môi trường các phương tiện.

Xăng đã gánh phí môi trường

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất này.

Ông cho biết, cần phân loại ô nhiễm môi trường từ giao thông là gì, từ đó có chính sách cho phù hợp. Chẳng hạn, ô nhiễm do khói xe xả ra, do chạy trên đường bụi hay phá nát cầu đường...

Nếu ô nhiễm do khói xe thì không được phép thu thêm vì mỗi người dân đã phải đóng thuế môi trường qua xăng dầu. Trường hợp thu vì làm xuống cấp cầu đường thì đã có thuế cầu đường khác, còn trường hợp thu vì xe chạy gây bụi thì phải xem ai là người gây ra? Bụi ấy phần nhiều là do xe lớn gây ra, mà xe chạy làm bụi bung lên là do đường dơ, lòng lề đường không được làm sạch.

Vì lẽ đó, ông băn khoăn Sở GTVT TP.HCM đề xuất thu phí các phương tiện giao thông gây ô nhiễm là thu cái gì? Thuế môi trường mỗi người dân phải đóng khi mua xăng dầu đã xử lý được gì hay chưa?

"Thu phí giúp địa phương tăng nguồn thu, vấn đề là sử dụng nguồn thu đó như thế nào để giải quyết ô nhiễm môi trường?

Người dân sẵn sàng đóng tiền nhưng cơ quan quản lý giảm thiểu ô nhiễm bằng cách nào, có làm không hay lấy tiền đó nhập vào ngân sách, rồi "hòa cả làng", không biết tiền đó đi đâu? Nếu như vậy thì không nên đặt vấn đề thu phí môi trường ra.

Tôi tin rằng có thu thuế, phí bao nhiêu đi chăng nữa thì khả năng giải quyết cũng không có. TP.HCM đang phải đương đầu với chuyện kẹt xe, ngập nước và tình trạng ấy càng ngày càng nặng nề", PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi bày tỏ quan điểm.

Ùn tắc giao thông ở TP.HCM

Ai gây ô nhiễm?

Nhắc lại con số thống kê về lượng phương tiện tại TP.HCM: hơn 8,3 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó có hơn 7,6 triệu mô tô, xe gắn máy, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi kết luận, như vậy nếu thu phí phương tiện giaop thông gây ô nhiễm thì đối tượng phải nộp phần lớn là mô tô, xe gắn máy.

Nhưng một thực tế được vị chuyên gia chỉ ra khi ông tham gia giao thông mỗi ngày, đó là, nguyên nhân gây ô nhiễm chính không phải là do xe máy dù số lượng xe máy nhiều.

"Một ống khói xe buýt bằng bao nhiêu chiếc xe máy. Nguyên nhân gây kẹt xe là xe lớn, ống khói của chúng mới là khủng khiếp.

Nếu chỉ có riêng xe máy chạy có thể thấy không khí nhẹ nhàng hơn và không gây kẹt xe. Cuộc sống của người dân tại TP.HCM ngày càng khấm khá lên, vậy nên ra đường thấy mô tô, xe gắn máy mới rất nhiều, xe cũ, hết đát chỉ chiếm phần nhỏ.

Nếu có chính sách về kiểm soát khí thải ngay trong nhà máy bán ra và kiểm định khi đăng ký, rồi quy định xe chỉ được chạy bao nhiêu năm... thì sẽ dễ dàng hơn và người dân không cần phải đóng thuế, phí ô nhiễm môi trường nữa.

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân thì phải phát triển phương tiện công cộng, mà ở đây phần nhiều là xe buýt. Nhưng điều nhiều người đã quên đó là các nước có thể phát triển xe buýt vì đường rộng, cơ sở hạ tầng thích hợp, xe buýt chạy tới điểm dừng thì có làn riêng đi vào, không phải dừng giữa đường, gây kẹt xe, ồn ào như Việt Nam.

Trong khi đó, với Việt Nam, xe buýt lại là một trong những nguyên nhân gây kẹt xe và cơ sở hạ tầng của chúng ta chưa đáp ứng được để phát triển loại hình phương tiện công cộng này.

Với metro, khi hoàn thành tuyến số 1 và một số tuyến khác thì thậm chí lúc ấy tình trạng kẹt xe của TPHCM càng trầm trọng thêm. Đó là vì lượng người đổ về càng nhiều càng nhanh và bị tắc nghẽn ngay lập tức vì cơ sở hạ tầng không đồng bộ.

Tôi dự báo, với đà này, chỉ chừng 5 năm nữa, tình trạng kẹt xe ở TP.HCM không phải diễn ra ở một số điểm mà là toàn thành phố, người dân phải chôn chân luôn tại chỗ, tức vấn đề kẹt xe không thể giải quyết được", vị chuyên gia chỉ rõ.

Nhìn rộng ra, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen cho rằng, phương hướng tốt nhất, rẻ nhất và bền vững là phát triển các vùng lân cận TP.HCM để giãn dân, vì nếu càng tập trung phát triển TP.HCM thì "đất lành chim đậu", người dân càng đổ về TP.HCM, các vấn đề thành phố đang phải đương đầu sẽ càng thêm rối.

Còn phương án đánh thuế, phí môi trường để giảm lượng xe là không thể, vị chuyên gia khẳng định. Ai cũng có nhu cầu đi lại và họ sử dụng phương tiện cá nhân để đi, đó là phương tiện thuận lợi nhất. Người dân không thể đi xe đạp trong thành phố với lưu lượng xe gắn máy như hiện nay, ngay cả đi... bộ cũng không khả thi vì không dám qua đường.

"Thu phí môi trường đối với các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe gắn máy chẳng qua là đánh vào túi của người nghèo. Người giàu vẫn ngồi trong xe hơi và họ là người xả khói ra nhiều nhất. Người đi xe gắn máy phải gánh chịu ô nhiễm môi trường, và nếu phải nộp thêm phí thì họ càng thiệt, điều đó không công bằng", PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi kết luận.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tphcm-nghien-cuu-thu-phi-o-nhiem-nguoi-ngheo-sau-muon-3367785/