TP.HCM ngập diện rộng: Vẫn gian nan bài toán chống ngập

Cơn mưa lớn kéo dài, gây ngập nặng ở nhiều tuyến đường khiến cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.

Gần 16 giờ ngày 25/11, dù bão số 9 đã suy giảm thành áp thấp nhiệt đới nhưng tại TP HCM và nhiều tỉnh, thành khu vực Nam bộ vẫn mưa rất lớn. Mưa trải trên diện rộng khắp địa bàn TP HCM, gây tình trạng ngập lụt nghiêm trọng tại nhiều quận, phường thuộc khu vực nội thành.

TP.HCM ngập trên diện rộng. Ảnh: NLĐ

Theo số liệu từ Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ trong vòng hơn 2 giờ qua, khu vực trung tâm TP mưa hơn 50mm, trong khi đó mưa tại Cần Giờ đã đạt hơn 150mm. Tại khu vực các quận nội thành ghi nhận cũng có gió giật cấp 7-8 khiến cây cối ngã đổ.

Trên hệ thống cảnh báo ngập của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP, hàng loạt tuyến đường như Hồ Học Lãm (quận Bình Tân), Lã Xuân Oai (quận 9), Cây Trâm (quận Gò Vấp), khu Thảo Điền (quận 2), Nguyễn Văn Quá (quận 12)…, đang trong tình trạng ngập nặng tính đến 15 giờ 30 phút cùng ngày.

Đặc biệt tại điểm giao lộ với đường Võ Văn Kiệt, nước ngập mênh mông, bốc mùi hôi thối. Hàng loạt phương tiện chết máy, phải dắt bộ khi lưu thông qua khu vực này, trong khi ở 2 bên đường, nhiều hộ dân đang kê kích các tấm ván để che chắn trước cửa nhà, tránh nước tràn vào.

Tại các tuyến đường Võ Văn Ngân (Q.Thủ Đức), mưa to nước chảy xiết thành dòng xô ngã hàng loạt người đi đường, hàng loạt tuyến đường kết nối xung quanh cũng bắt đầu ngập nước.

Trên đường Kha Vạn Cân thuộc quận Thủ Đức, mưa to gió mạnh cũng làm một số người đi đường bị té ngã.

Trong khi đó, tại đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7, mưa như thác đổ khiến con đường này ngập tới đầu gối, phương tiện di chuyển qua khó khăn. Nhiều trường hợp cũng bị té ngã trên tuyến đường này.

Đặc biệt, các tuyến đường ra vào khu vực sân bay Tân Sơn Nhất nước ngập lênh láng, có chỗ đã sâu đến 30 cm.

Nghiêm trọng nhất là đường Trường Sơn ở phần đường từ sân bay đi ra Công viên Hoàng Văn Thụ, làn đường cho xe máy bị ngập sâu nên nhiều chủ xe đành phải lấn ra làn ôtô. Mưa tối trời buộc các xe tô phải bật đèn mới thấy đường đi lại.

Tình trạng ngập nước trên địa bàn TP.HCM dự kiến sẽ còn diễn ra trầm trọng hơn sắp tới.

Gian nan tìm bài toán chống ngập

Ngay từ đầu tháng 6, TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu liên tiếp xuất hiện những cơn mưa lớn kéo dài, gây ngập nặng ở nhiều tuyến đường khiến cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.

Cứ sau mỗi trận mưa lớn này đã khiến các tuyến đường ở các quận Bình Thạnh, quận 3, quận 10, quận 9, quận Thủ Đức, quận 1... chìm sâu trong nước.

Theo đó, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đoạn gần với đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) nước ngập cao khiến nhiều người không thể di chuyển qua đoạn này. Các tuyến đường khác như Nơ Trang Long, Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh), Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức), Lê Văn Sĩ (quận 3), Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình)… cũng rơi vào tình cảnh ngập nước tương tự. Nhiều khu vực nước ngập sâu tràn cả vào nhà khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

Theo thống kê, những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để nạo vét, cải tạo, nâng cấp gần 2.600 km cống thoát nước, 60 km kênh rạch, củng cố đê bao, bờ bao, xây dựng cống kiểm soát ngăn triều, triển khai xây dựng một số nhà máy xử lý nước thải, hồ điều hòa... đã góp phần giảm 64 điểm úng ngập (từ 96 điểm nay còn 32 điểm ngập).

Tuy nhiên, theo Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân ngập nước trong thời gian qua là do địa hình TP Hồ Chí Minh tương đối thấp, cộng với triều cường ngày càng cao, hệ thống cống thoát nước được xây dựng đã lâu nên xuống cấp và thường xuyên xuất hiện tình trạng hư hỏng như: lún, sụp... làm hạn chế khả năng thoát nước…

TP.HCM ngập lịch sử sau mưa lớn: Lời thật... vô vọng!

Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện các dự án thoát nước triển khai còn chậm, đặc biệt là công tác đền bù giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện…

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, việc chống ngập của TP Hồ Chí Minh cần phải có thời gian, cần kết hợp nhiều giải pháp và phải đồng bộ. Trước mắt, Trung tâm chống ngập TP Hồ Chí Minh cần có báo cáo tổng hợp thông tin một cách khái quát đầy đủ, thể hiện làm sao để người dân thấy được bức tranh toàn diện về ngập và công tác chống ngập của thành phố. Nội dung báo cáo đánh giá phải khoa học và đầy đủ, trong đó phải nói sao cho người dân hiểu chứ không chỉ dùng những từ chuyên môn như "tụ nước" như vừa qua để gây bức xúc trong xã hội.

Mới đây, ngày 23/11, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (Trung tâm chống ngập) vừa có văn bản đề xuất UBND TP chấp thuận dự án "Xây dựng hồ điều tiết ngầm bằng công nghệ Cross-wave (theo công nghệ Nhật Bản) khu vực TP.HCM (giai đoạn 1)".

Theo thông tin trên báo Thanh niên, Trung tâm chống ngập đã tính toán, đề xuất dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 475,269 tỷ đồng để thực hiện xây dựng tổ hợp 7 hồ điều tiết với quy mô từ 1.500 - 20.000m3 tại 5 quận: Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và quận 10.

Để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án trong năm 2019 - 2020, Trung tâm chống ngập kiến nghị UBND TP cho phép phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính, Sở GTVT để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, hoàn thiện chủ trương đầu tư dự án và có thể báo cáo UBND TP trình trong đợt họp HĐND TP đầu tháng 12 tới.

Thái An(tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tphcm-ngap-dien-rong-van-gian-nan-bai-toan-chong-ngap-3369878/