TP.HCM: Ngập bủa vây do thiếu tiền?

Mới vài cơn mưa đầu mùa 2018 nhưng nhiều khu vực ở TP.HCM đã bị ngập nặng.

Người dân TP.HCM thắc mắc không biết hiệu quả của những dự án chống ngập trong thời gian qua như thế nào và đến bao giờ TP mới hết ngập?

Mưa không lớn vẫn ngập

“Các điểm ngập hiện nay của TP tăng hay giảm, nguyên nhân vì sao?”. Ngày 9-5, trả lời câu hỏi này của PV Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước Trung tâm chống ngập TP, cho biết hiện trung tâm chưa có số liệu thống kê chính thức nên chưa trả lời được.

Theo số liệu PV thu thập được từ hệ thống camera ghi nhận ngập của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP, trận mưa chiều 8-5 trên địa bàn TP ít nhất có tám điểm ngập trong mưa và bốn điểm ngập sau mưa. Trong đó, các điểm ngập quen thuộc như đường Cây Trâm, Phan Huy Ích, Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp); đường Hồ Ngọc Lãm, quốc lộ 1 (quận Bình Tân)…

Trong khi đó, số liệu đo mưa của Công ty Thoát nước đô thị cho thấy nhiều khu vực vũ lượng ngày 8-5 không quá lớn. Cụ thể, lượng mưa ở trạm Quang Trung (quận Gò Vấp) chỉ 33,3 mm, trạm An Lạc (quận Bình Tân) 57,9 mm. Cán bộ của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam bộ cho biết thêm thời điểm xảy ra các trận mưa vừa qua, địa bàn TP.HCM không có triều cường (điều kiện thoát nước thuận lợi - PV).

Thế nhưng ngoài các điểm ngập nói trên, theo phản ánh của người dân tình trạng ngập hẻm xảy ra rất nhiều. Đơn cử, dọc tuyến đường Kinh Dương Vương mới vừa nâng cấp chống ngập, tại nhiều con hẻm hiện người dân đang khóc ròng vì bị ngập triền miên. Ngập nặng nhất là tuyến hẻm 48 đường Lâm Hoành (đường nhỏ dọc theo trục đường Kinh Dương Vương). “Trước khi nâng đường Kinh Dương Vương, hẻm có bị ngập nhưng sau mưa chừng 20 phút thì nước rút, giờ nâng đường mưa nhỏ nước cũng ngập kéo dài cả ngày. Hôm qua (8-5), nước ngập lút cả hẻm, tôi không thể về nhà được” - anh Huỳnh Thiên Định, nhà ở tuyến hẻm này bày tỏ.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh, một trong những tuyến đường được TP.HCM quan tâm chống ngập nhưng vẫn bị ngập sau cơn mưa đầu mùa. Ảnh: NGUYỄN THẮNG

Cống thoát nước thiếu và cũ

Trong một báo cáo mới đây gửi lãnh đạo UBND TP, Trung tâm chống ngập TP cho biết nguyên nhân ngập là do hệ thống cống thoát nước quá ít, không đáp ứng được. Cụ thể, năm 2001, toàn TP có 932 km cống các loại, đến nay TP đã đầu tư xây dựng nâng tổng chiều dài lên 4.176 km nhưng vẫn còn thiếu. Mặt khác, theo Trung tâm chống ngập, hệ thống cống đầu tư từ những năm trước năm 2010 hiện đã không còn đáp ứng yêu cầu thoát nước. Với tình hình này, nếu so với yêu cầu chống ngập theo quy hoạch thoát nước TP thì hệ thống cống chống ngập hiện có chỉ mới đạt 38,66%!

Về hệ thống tiêu thoát nước kênh rạch, Trung tâm chống ngập cho biết trong thời gian qua, do điều kiện ngân sách còn khó khăn nên hầu hết hệ thống sông, kênh, rạch chưa được đầu tư nạo vét làm hạn chế khả năng thoát nước. “Mặc dù trong những năm gần đây TP đã cố gắng tập trung, thực hiện bằng nhiều giải pháp và huy động nhiều nguồn lực nhưng chỉ mới nạo vét được 60,3/4.369 km, chiếm tỉ lệ 1,38% trên bốn trục tiêu thoát nước chính (Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên; Tàu Hũ - Bến Nghé - Kênh Đôi, Tẻ; Nhiêu Lộc-Thị Nghè; Tân Hóa-Lò Gốm)” - Trung tâm chống ngập cho biết.

96.329 tỉ đồng là tổng nhu cầu vốn thực hiện các dự án chống ngập TP.HCM giai đoạn 2016-2020, theo Trung tâm chống ngập TP. Trong đó nguồn ngân sách TP chỉ chiếm khoảng 6.338 tỉ đồng; nguồn vốn trung ương 10.588 tỉ đồng; nguồn vốn xã hội hóa khoảng 21.865 tỉ đồng và nguồn vốn vay ODA là 57.518 tỉ đồng (đang tìm nguồn tài trợ).

Không chỉ chuyện thiếu vốn

Là người có hàng chục năm theo dõi, nghiên cứu về tình hình ngập nước trên địa bàn TP.HCM, ThS Hồ Long Phi, cựu Viện trưởng Viện Quản lý tài nguyên nước và biến đổi khí hậu, ĐH Quốc gia TP.HCM, không ngạc nhiên với diễn biến ngập những ngày vừa qua. Ông nhận định: “Mới mưa đầu mùa, thời điểm mưa không có triều cường mà đã ngập như vậy thì những đợt mưa lớn hơn hoặc mưa kết hợp với triều cường thì tình trạng ngập sẽ còn nghiêm trọng hơn!”.

Về nguyên nhân ngập, ThS Phi cho rằng do việc đầu tư xây dựng hệ thống cống thoát nước trong thời gian qua chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Ông dẫn chứng: “Nếu tính theo quy hoạch chống ngập, TP cần hàng tỉ USD để thực hiện các dự án nhưng đến nay số tiền TP huy động được vẫn còn quá ít so với nhu cầu thực tế. Ví dụ khi Ngân hàng Thế giới cho chúng ta vay tiền để thực hiện dự án cải tạo tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, họ chỉ đầu tư xây dựng các tuyến cống lớn, còn các cống nhỏ TP phải đầu tư xây dựng. Nhưng trên thực tế chúng ta đầu tư xây dựng các tuyến cống nhỏ rất ít. Do hệ thống cống thoát nước không được đầu tư, kết nối đồng bộ nên hiệu quả chống ngập thấp là điều dễ hiểu”.

Song theo ThS Phi, vấn đề chống ngập của TP không phải chỉ là thiếu tiền mà cần có bộ máy điều hành chương trình chống ngập thật sự phù hợp, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng chạy theo dự án riêng lẻ, không kết nối đồng bộ.

Không đột phá, còn ngập dài dài

ThS Hồ Long Phi cho rằng nếu không tạo được sự đột phá về chống ngập thì TP.HCM còn ngập dài dài, đến năm 2050 cũng chưa chắc hết ngập. Ông lập luận: “Lâu nay TP nói đột phá về chống ngập nhưng theo tôi thấy thì chưa đột phá. Ví dụ về nguồn vốn, TP không chủ động được, nhiều dự án phải chờ phân bổ từ trung ương, phải chờ các khoản vay ưu đãi từ nước ngoài… Chúng ta nên học theo Hà Lan (quốc gia nổi tiếng về chống ngập), họ đưa luôn vào luật, hằng năm phải trích bao nhiêu % GDP của quốc gia để thực hiện dự án chống ngập. Khi nào TP.HCM làm được điều tương tự thì may ra mới tạo được sự đột phá”.

TRUNG THANH - KHANG BÁCH

Nguồn PLO: http://plo.vn/do-thi/tphcm-ngap-bua-vay-do-thieu-tien-769672.html