TP HCM: Ngân hàng Đông Á cố ý phát mãi tài sản của khách hàng trái quy định ?

Theo thông tin từ ông Tân cùng ý kiến phân tích của luật sư, có nhiều bằng chứng để khẳng định, Ngân hàng Đông Á đã phát mãi tài sản thế chấp của ông Tân có dấu hiệu trái quy định của pháp luật.

Dư luận đề nghị làm rõ dấu hiệu phát mãi tài sản trái phép của ngân hàng Đông Á

Sau 2 bài viết tựa đề “TP HCM: Khách hàng tố Ngân hàng Đông Á bán mất tài sản thế chấp” đăng ngày 29/4/2017 và bài viết “Ngân hàng Đông Á Gò Vấp có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi bán tài sản thế chấp của khách?” đăng ngày 1/5/2017 trên Phapluatplus, đường dây nóng của báo đã nhận được rất nhiều cuộc gọi, phản hồi từ bạn đọc cả nước.

Ngoài bày tỏ sự bức xúc trước việc phát mãi tài sản một cách “bất minh” của Ngân hàng TMCP Đông Á – Chi nhánh Gò Vấp (NH Đông Á-GV), nhiều bạn đọc còn thể hiện mong muốn, yêu cầu báo phải bám sát, tiếp tục thông tin những diễn biến, tình tiết mới nhất của vụ việc để làm rõ vấn đề: Liệu việc Ngân hàng Đông Á phát mãi tài sản trong trường hợp của ông Tân là đúng hay sai? Và nếu sai thì sai ở những điểm nào?....

Sự việc bắt đầu từ thời điểm tháng 1/2012, ông Trần Văn Tân (SN 1971, ngụ Tân Bình, TP HCM) trong quá trình làm ăn đã nợ ông Nguyễn Anh Tuấn một số tiền. Do không có tiền trả nợ, ông Tân được ông Tuấn gợi ý nhờ Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vạn Phúc Lộc (số 60/675A Nguyễn Oanh, phường 6, quận Gò Vấp) đứng ra vay tiền Ngân hàng. Bù lại, ông Tân phải dùng thửa đất 488 có căn nhà số 804/5 Lê Trọng Tấn (khu phố 1, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP HCM) để bảo lãnh thế chấp cho khoản vay.

Sau khi thống nhất, ngày 16/1/2012, Công ty Vạn Phúc Lộc ký kết “Hợp đồng tín dụng” trị giá 2,1 tỷ đồng với NH Đông Á – GV. Cùng ngày, ông Tân và đại diện Công ty Vạn Phúc Lộc cùng đại diện NH Đông Á-GV tiếp tục ký “Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của bên thứ 3”. Trong hợp đồng này, ông Tân giữ vai trò đảm bảo nghĩa vụ trả nợ thay Công ty Vạn Phúc Lộc khi công ty này không chi trả được khoản vay. Cả hai hợp đồng đều có giá trị tới ngày 16/1/2017.

Dù là người chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay Công ty Vạn Phúc Lộc, tuy nhiên trong suốt thời gian sau khi ký hợp đồng, ông Tân cho rằng không hề nhận được bất kỳ một thông báo yêu cầu đóng lãi, trả nợ hoặc bất kỳ văn bản, giấy tờ nào từ phía NH Đông Á-GV. Xuất phát từ đây, ngày 14/4/2014, NH Đông Á-GV đã làm đơn khởi kiện Công ty Vạn Phúc Lộc ra TAND quận Gò Vấp, TP HCM và được TAND quận Gò Vấp thụ lý.

Ngân hàng TMCP Đông Á – Chi nhánh Gò Vấp.

Tuy nhiên, không đợi phán quyết từ tòa, NH Đông Á - GV đã cố tình thực hiện việc bán đấu giá tài sản thế chấp của ông Tân. Cụ thể, ngày 12/10/2016, NH Đông Á-GV và Công ty cổ phần đấu giá tài sản Đông Nam Á ký hợp đồng bán đấu giá tài sản. Đến ngày 6/1/2017, được sự đồng ý từ NH Đông Á-GV, Công ty Đông Nam Á đã tiến hành bán đấu giá thành công tài sản của ông Tân.

Đúng – Sai đã rõ ràng!?

Sau khi nghiên cứu, phân tích toàn bộ hồ sơ vụ việc, Luật sư Nguyễn Quang Vũ (Công ty Luật TNHH Đại Việt) đã đưa ra những nhận định pháp lý như sau:

Về việc NH Đông Á-GV lấy lý do không xác minh được nơi ở của ông Tân nên đã tự ý phát mãi tài sản mà không hề thông báo, thỏa thuận với ông Tân, Luật sư Vũ khẳng định, căn cứ điểm 8.7 mục 8 phần I Nghị quyết 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội Đồng Thẩm Phán TAND Tối Cao; điểm 7 Điều 9 Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 thì hành vi trên của NH Đông Á-GV là hoàn toàn sai quy định pháp luật.

“Nếu NH Đông Á-GV cho rằng không thể xác minh nơi ở của ông Tân, thì ngân hàng cần thực hiện thủ tục “yêu cầu thông báo tìm người vắng mặt nơi cư trú” làm cơ sở để TAND quận Gò Vấp giải quyết vụ án, chứ không thể tự ý bán tài sản thế chấp của ông Tân khi chưa có bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Với hành vi tự ý bán tài sản thế chấp, cho thấy NH Đông Á-GV đã cố ý vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xem thường cơ quan Tòa án, không thượng tôn pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp cho ông Tân và những người liên quan khác đối với tài sản thế chấp trên”.

Đồng thời, theo Luật sư Vũ, do NH Đông Á-GV đã tự ý bán tài sản của ông Tân trong thời điểm TAND quận Gò Vấp đang thụ lý vụ việc, đồng thời căn nhà hiện đang là tài sản tranh chấp trong vụ án khởi kiện của ông Tân nên: Căn cứ vào điểm b, khoản 1 Điều 188 luật đất đai; điểm b, khoản 1 Điều 188 luật nhà ở và điểm b Điều 122; Điều 128 BLHS… thì hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 701/HĐ-BĐG.ĐNA ngày 06/01/2017 giữa NH Đông Á-GV và ông Nguyễn Anh Triều (người trúng đấu giá căn nhà của ông Tân) là hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật.

Trả lời báo chí về vụ việc trên, NH Đông Á-GV có công văn số 18/CV-GVP ngày 30/4/2017 với nhiều nội dung. Trong đó, NH Đông Á-GV cho rằng: “Ngày 11/6/2012 NH Đông Á-GV và công ty Vạn Phúc Lộc ký hợp đồng vay vốn số H.0111/1 ngày 11/6/2012 với tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tọa lạc tại thửa đất số 488, tờ bản đồ số 3-BĐC-X.BHH-H.Bình Chánh tại địa chỉ 804/5 Lê Trọng Tấn, KP1, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM. Hợp đồng này chỉ đóng lãi đến ngày 11/10/2012 và chính thức bị quá hạn từ ngày 21/11/2012. Sau khi hợp đồng vay vốn này bị quá hạn, NH Đông Á-GV đã nhiều lần đòi nợ công ty Vạn Phúc Lộc nhưng công ty không còn khả năng trả nợ. Ngày 14/4/2014 NH Đông Á-GV đã làm đơn khởi kiện công ty Vạn Phúc Lộc và các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ra TAND quận Gò Vấp, TP.HCM”.

Cũng theo công văn số 18/CV-GVP, NH Đông Á-GV cho rằng: “Do không xác minh được nơi ở của ông Tân nên Tòa án Gò Vấp không thể tống đạt các văn bản, giấy triệu tập cho ông Tân được nên Tòa vẫn chưa thể tiến hành thủ tục hòa giải và xét xử. Ngoài ra, trong quá trình xác minh thực tế tại nơi có tài sản, trong danh sách do Công an Phường Bình Hưng Hòa xác nhận chỉ có những người thuê nhà, không có tên ông Tân”.

NH Đông Á-GV cho rằng đã gửi một số thông báo đến nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của ông Tân nhưng không có phản hồi hoặc không có người nhân. Nội dung công văn 18/CV-GVP còn khẳng định: “Qua quá trình giải quyết vụ kiện tại tòa án Gò Vấp và trực tiếp nhận viên ngân hàng đi xác minh, NH Đông Á-GV nhận thấy ông Trần Văn Tân đã đi khỏi nơi cư trú và không thể xác minh được nơi ở hiện tại”

Từ cơ sở trên, NH Đông Á-GV đã liên hệ công ty thẩm định giá và xác định tài sản của ông Tân thế chấp có giá 3.720.000.000 đồng và đây cũng là giá khởi điểm để bán đấu giá tài sản. Ngày 12/10/2016, NH Đông Á-GV và công ty cổ phần đấu giá tài sản Đông Nam Á (Công ty Đông Nam Á) ký hợp đồng bán đấu giá tài sản. Công ty Đông Nam Á đã tiến hành đăng thông báo bán đấu giá trên 2 số báo, đồng thời tiến hành niêm yết công khai nơi có tài sản bán đấu giá nhưng không có người mua nên ngày 28/11/2016 NH TMCP Đông Á giảm giá khởi điểm còn 3,6 tỷ đồng. Việc thông báo bán đấu giá được đăng báo Mua & Bán 2 số, đồng thời niêm yết tại UBND phường nơi có tài sản bán đấu giá. Do đó, ngày 6/1/2017 ông Nguyễn Anh Triều đã mua trúng tài sản trên với giá 3,615 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Tân cho rằng: “Những lý lẽ mà NH Đông Á - GV đưa ra trong công văn số 18 chỉ là cố ý bao biện cho những sai phạm của mình. Việc bán tài sản của tôi mà tôi không nhận được bất cứ thư từ thông báo gì, trong khi tòa án cũng chưa có phán quyết cuối cùng, thì đó là việc trái pháp luật. Hành vi này của ngân hàng Đông Á đã đẩy tôi vào hoàn cảnh gần như mất trắng khối tài sản".

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.

Anh Minh

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/tp-hcm-ngan-hang-dong-a-co-y-phat-mai-tai-san-cua-khach-hang-trai-quy-dinh-d56396.html