TP.HCM nắng nóng cả tuần, chỉ số UV ở ngưỡng gây hại rất cao

Tuần này, TP.HCM duy trì thời tiết nắng nóng ban ngày, chiều tối dịu mát. Độ ẩm thấp kết hợp nắng nóng khiến nguy cơ cháy nổ cao.

Ngày 8/3, TP.HCM và các tỉnh, thành Nam Bộ tiếp tục duy trì thời tiết nắng nóng diện rộng. Tuy nhiên, do áp cao cận nhiệt đới đang có xu hướng suy yếu và rút ra phía đông, thời tiết nắng nóng sẽ thu hẹp ở khu vực TP.HCM và các tỉnh, thành Đông Nam Bộ trong 2 ngày tiếp theo.

Nhiệt độ cao nhất ở Đông Nam Bộ dao động 34-36 độ C, còn ở miền Tây Nam Bộ, nhiệt độ ở khoảng 31-33 độ C, có nơi trên 33 độ C. Thời gian nắng nhất trong ngày từ 11h đến 15h. Độ ẩm thấp nhất là 35-45%.

Đến chiều tối, nhiệt độ hạ dần, trời mát mẻ. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C, riêng miền Đông có nơi dưới 22 độ C.

 Nắng nóng diện rộng tại TP.HCM và các tỉnh, thành Nam Bộ bắt đầu từ tuần trước. Ảnh: Quỳnh Danh.

Nắng nóng diện rộng tại TP.HCM và các tỉnh, thành Nam Bộ bắt đầu từ tuần trước. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, tuần tới, thời tiết không có nhiều biến động. Nắng nóng diện rộng, không mưa, độ ẩm thấp tại TP.HCM và các tỉnh, thành Nam Bộ sẽ còn kéo dài từ nay đến hết 17/3. Nhiệt độ cao nhất 34-36 độ C, trời không mưa.

Độ ẩm thấp kết hợp với nắng nóng diện rộng dẫn đến nguy cơ cháy, nổ rất cao tại các khu đô thị lớn cũng như khu vực rừng núi. Do đó, người dân cần chú ý đề phòng.

Trong khi đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết chỉ số UV cực đại tiềm năng trong 3 ngày tiếp theo tại TP.HCM (8-10/3) đều ở mức 10 đơn vị. Đây là ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao. Tình trạng tương tự tại Cần Thơ và Cà Mau.

Chỉ số UV cao nhất lúc 10h-14h, đều ở ngưỡng nguy cơ gây hại từ cao đến rất cao.

Mức UV cao tại Nam Bộ bắt đầu từ tuần trước và kéo dài đến nay. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo khi chỉ số UV mức 8-10, nếu người dân ở ngoài nắng khoảng 25 phút có thể bị bỏng da. Do đó, người dân nên hạn chế ra đường giữa trưa, khi ra đường cần che chắn để tự bảo vệ như dùng kem chống nắng, mặc trang phục dày, đeo kính râm...

Chỉ số AQI tại TP.HCM lúc 6h sáng 8/3 theo PAMAir (ảnh trước) và AirVisual. Ảnh chụp màn hình.

Về chất lượng không khí, lúc 6h, ứng dụng PAMAir (theo cách tính AQI của Việt Nam) cho thấy hầu hết điểm quan trắc tại TP.HCM có chỉ số AQI trong lành, dưới 50 đơn vị.

Một số điểm có chỉ số AQI cao hơn 50 đơn vị, ở ngưỡng trung bình hoặc xấu. Xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, tiếp tục là nơi có chỉ số AQI cao nhất thành phố - 163 đơn vị, ngưỡng xấu. Ngoài ra, một số nơi khác cũng có AQI ở mức trung bình như: Cao Lỗ (quận 8) - 57 đơn vị; Tân Quý (quận Tân Phú) - 59 đơn vị; Học Lạc (quận 5) - 52 đơn vị.

Trong khi đó, ứng dụng AirVisual cho thấy chỉ số AQI trung bình của TP.HCM là 91 đơn vị. Hầu hết điểm quan trắc cho thấy chỉ số AQI trong khoảng 50-100 đơn vị, ngưỡng trung bình. Riêng điểm đo tại ấp Xuân Thới Đông 2 (huyện Hóc Môn) là nơi có AQI cao nhất TP.HCM với 160 đơn vị, ngưỡng xấu.

Dự báo 4 ngày tới, chỉ số AQI tại TP.HCM ở ngưỡng trung bình, từ 79 đến 94 đơn vị. Riêng ngày 13/3, chỉ số AQI tăng lên 101 đơn vị, ngưỡng xấu.

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tphcm-nang-nong-ca-tuan-chi-so-uv-o-nguong-gay-hai-rat-cao-post1190683.html