TP.HCM muốn tự xét tốt nghiệp: Có những chuyện buồn

Không nên lấy điểm thi tốt nghiệp THPT làm cơ sở để tuyển vào đại học và vì thế, đừng biến thi THPT thành cuộc đua.

Trước đề xuất của TP.HCM xin tự xét tốt nghiệp THPT, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho hay, ông ủng hộ đề xuất của TP.HCM bởi ít ra có thể tiết kiệm được ngân sách.

Dù vậy, ông tin rằng dù để TP.HCM tự xét tốt nghiệp hay Nhà nước vẫn tổ chức thi như mọi năm thì tỷ lệ tốt nghiệp vẫn sẽ là trên 95%.

"Đó là mặt bằng chung mà xã hội chấp nhận và đã có từ hơn 30 năm nay. Tôi nhớ có năm tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT chỉ đạt khoảng 60%, nhưng rồi cuối cùng người ta lại sửa điểm, sửa "barem" để nâng tỷ lệ đỗ lên.

Chính vì thế, dẫu thi tốt nghiệp hay xét tốt nghiệp, địa phương tự tổ chức hay thi tập trung toàn quốc, thi tự luận hay thi tốt nghiệp..., cuối cùng tỷ lệ đỗ vẫn trên 95%", GS.TS Phạm Tất Dong nói.

Ông đặt câu hỏi, trong trường hợp địa phương thi nghiêm túc, chẳng hạn, chỉ khoảng 40% thí sinh đỗ tốt nghiệp, vậy 60% số học sinh bị đánh trượt sẽ ra sao? Số học sinh ấy phải tổ chức lớp, thuê thầy dạy 1 năm nữa, tốn kém cho người dân và Nhà nước, chưa kể không biết lấy đâu lớp cho số học sinh bị đánh trượt và số học sinh từ lớp 11 lên.

Từ đây, ông bày tỏ, đừng biến kỳ thi tốt nghiệp THPT thành một cuộc chạy đua và đánh triệt học sinh THPT làm gì.

Đối với những học sinh đỗ xứng đáng thì cấp cho một tấm bằng tốt nghiệp để họ tiếp tục thi vào đại học. Số còn lại cấp một giấy chứng nhận đã học xong 12 năm, nếu ai muốn vào đại học thì cố gắng tích lũy kiến thức mà trường đại học đòi hỏi rồi đi thi, số khác học nghề.

"Thi tốt nghiệp THPT chỉ cần "vừa vừa" để có một mặt bằng, từ đó học sinh có thể đi học thêm, học nghề, tham gia các lớp học do doanh nghiệp tổ chức, các trung tâm giáo dục thường xuyên...

Không nên lấy thi tốt nghiệp THPT để làm cơ sở tuyển vào đại học, tức không nên thi 2 trong 1 làm gì. THPT là THPT, đại học phải tuyển theo cách khác.

THPT là một cấp mà sau này phải phổ cập, đó là mặt bằng chung cho toàn dân để có thể sống và làm ăn bình thường.

Cho nên, đưa kỳ thi tốt nghiệp THPT lên thành kỳ thi quốc gia là không cần thiết", Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phân tích.

GS.TS Phạm Tất Dong. Ảnh: Dân trí

Dẫu vậy, một thực tế được GS.TS Phạm Tất Dong chỉ ra, đó là nhiều trường đại học không thích thi tuyển riêng, cứ muốn dựa vào thi THPT. Lý do là trường đại học thích "hớt váng" cho an toàn.

"Nếu lấy điểm cao từ kỳ thi tốt nghiệp THPT thì không ai nói được các trường hạ chất lượng đầu vào. Ra đề thi lại rất dễ sai và sơ hở, nếu không có khâu đó nữa thì các trường mừng quá. Chưa kể, tổ chức thi phải mời người đến ra đề, tổ chức các lớp thi, phải giữ gìn, canh gác... rất mệt mỏi và tốn kém", GS Dong giải thích.

Vấn đề ở chỗ, dẫu có thi phân hóa để các trường chọn được thí sinh chất lượng tốt thì với hơn 250 trường đại học, cao đẳng trên cả nước, vẫn không thể đáp ứng yêu cầu về số lượng của các trường.

Vì lẽ đó, chọn xong thí sinh điểm cao, các trường vẫn phải lấy thí sinh điểm thấp và Bộ không thể cấm các trường làm việc đó.

"Đại diện của nhiều trường đại học nói rằng, bây giờ vào đại học không khó. Các trường chỉ cần có người học để có tiền, còn đầu ra họ chưa cần quan tâm. Họ bỏ tiền ra mua đất, xây trường nên phải tuyển bằng được sinh viên để hàng tháng trả được lương cho giáo viên, có chút lời và tái sản xuất. Vậy nên đừng hy vọng họ phấn đấu vì mục tiêu con người mới xã hội chủ nghĩa", Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam thẳng thắn.

Nhân đề xuất của TP.HCM, GS.TS Phạm Tất Dong - người đã có hơn 60 năm gắn bó với ngành giáo dục, đề cập đến một chuyện buồn khác đã và đang tồn tại trong ngành suốt bao năm và đến nay vẫn chưa thể giải quyết được, đó là bệnh gian lận.

Ông nhắc lại một số ý kiến đề xuất rằng, bởi điểm thi gian lận nhiều quá nên thay vì căn cứ vào điểm thi, cứ xét tuyển học bạ để vào đại học.

Nhưng sự thật đáng buồn là học bạ phổ thông cực kỳ đẹp.

"Tôi đã hỏi nhiều giáo viên và họ nói rằng không trường nào không sửa học bạ. Nếu thầy cô giáo không sửa học bạ thì làm sao giành lao động tiên tiến được? Không được lao động tiên tiến thì không lên lương được. Nếu giáo viên lỡ cho học sinh điểm kém thì cuối năm cũng sửa. Vì lẽ đó, học bạ rất đẹp nhưng đi thi điểm rất kém", GS Dong kể.

Trở lại với kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay, GS.TS Phạm Tất Dong nhắc lại những phát biểu về việc Bộ đã đưa ra nhiều quy chế để học sinh không thể gian lận được. Tuy nhiên, cuối cùng không phải học sinh gian lận mà là người lớn gian lận.

"Vụ gian lận điểm thi ở Sơn La, Hòa Bình là người lớn sai. Tương tự, 114 thí sinh ở Hà Giang không ai bị đuổi khỏi phòng thi. Sau Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có thể còn các địa phương khác", ông nói.

Vị chuyên gia chua chát nhận xét, nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục đắt đỏ và ăn gian.

"Trường học giống như người thợ, anh làm ra sản phẩm thì phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. Nếu cứ gian trá mãi, chất lượng sinh viên kém, doanh nghiệp không nhận thì tự khắc trường học phải thay đổi và làm tử tế".

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/tphcm-muon-tu-xet-tot-nghiep-co-nhung-chuyen-buon-3363303/