TP.HCM muốn thu phí thoát nước: Đã hợp lý chưa?

Hệ thống thoát nước của TP.HCM chưa đảm bảo nên mới xảy ra ngập úng thường xuyên. Vì thế, việc thu phí thoát nước thời điểm này không hợp lý.

Ngày 15/8/2020, TS Ngô Văn Phúc - Giảng viên trường Đại học Kiến trúc bày tỏ sự ủng hộ trước đề xuất thu phí thoát nước từ các cá nhân, tổ chức mà Sở Xây dựng TP. HCM vừa trình lên UBND thành phố.

Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng, đây là việc phải làm trong tương lai - khi TP. HCM đã xử lý được hết tình trạng ngập ủng xảy ra trên địa bàn.

"Tờ trình của Sở Xây dựng TP. HCM cho thấy, phí thoát nước sẽ được phân bổ để bảo trì, nâng cấp hệ thống thoát nước của toàn thành phố. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống này không đảm bảo nên mới xảy ra tình trạng ngập úng thường xuyên trên các tuyến đường.

Chính vì thế, việc thu phí thoát nước ở thời điểm hiện tại là chưa phù hợp, dẫn tới việc nhiều người bỏ tiền phí dịch vụ nhưng lại không được hưởng dịch vụ đó tại thời điểm đóng phí. Điều này là bất hợp lý!" - TS Ngô Văn Phúc bày tỏ.

Theo ông Phúc, việc thu phí thoát nước đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Nhưng đó là khi các nước này đã có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, đảm bảo cho người dân không phải sống tình trạng ngập úng mỗi khi có cơn mưa đến.

26.000 tỉ đã được chi cho công tác chống ngập từ 2016-2020, và TP. HCM tiếp tục muốn thu phí chồng ngập, phí thoát nước để... chống ngập (Ảnh: Ngập lụt tràn cả đến trung tâm Q1, TP. HCM - LĐO).

26.000 tỉ đã được chi cho công tác chống ngập từ 2016-2020, và TP. HCM tiếp tục muốn thu phí chồng ngập, phí thoát nước để... chống ngập (Ảnh: Ngập lụt tràn cả đến trung tâm Q1, TP. HCM - LĐO).

Vị chuyên gia này lấy ví dụ ở Nhật Bản họ thu phí thoát nước còn cao hơn cả phí nước sử dụng. Nhưng đó là do họ không bị ngập, hệ thống thoát nước của họ rất tốt. Thậm chí, nước thải sinh hoạt còn qua một nhà máy xử lý trước khi thải ra ngoài môi trường.

Đặc biệt, tại những khu vực còn ngập úng ở Nhật Bản thì người dân không phải đóng khoản phí này. Như thế sẽ tạo ra sự công bằng, người dân không phản ứng mà còn hết sức ủng hộ.

Quay trở lại với đề xuất thu phí thoát nước ở TP. HCM, ông Phúc cho rằng, thành phố cần đầu tư, giải quyết bài toán ngập úng trước khi nghĩ đến chuyện thu phí thoát nước hay thu phí chống ngập với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

"Nếu dự án chống ngập thiếu kinh phí, thành phố tự tin sẽ giải quyết bài toán ngập úng cho người dân thì có thể kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân hoặc vay để làm dự án. Khi có được kết quả tốt rồi thì thu phí dịch vụ, như thế chắc chắn người dân sẽ rất ủng hộ và sẽ có cơ sở để tính toán mức giá cụ thể hơn" - ông Phúc cho biết.

Bàn về đề xuất thu phí thoát nước mà Sở Xây dựng TP. HCM đưa ra, TS Trần Trọng Quảng - Đại học Thủy lợi cho biết, hiện nay người dân đang phải đóng phí môi trường/m3 nước sử dụng.

Nếu TP. HCM thay phí môi trường bằng phí thoát nước thì giá nước sẽ bị tăng lên cao hơn so với mức giá hiện tại. Trong khi đó, tình trạng ngập úng vẫn xảy ra thì phản ứng không đồng thuận từ người dân là điều khó tránh khỏi.

"Đề xuất thu phí thoát nước của TP. HCM là hợp lý nhưng chưa hợp thời. Nhất là khi đề xuất phí chống ngập mà TP. HCM đưa ra bị phản ứng gay gắt thì đề xuất thu phí thoát nước lại được đưa ra khiến người dân có tâm lý bị tận thu.

Nếu TP. HCM cam kết thu phí thoát nước hay phí chống ngập sẽ chấm dứt được tình trạng ngập trên địa bàn thì hãy thực hiện. Còn không thì cần phải cân nhắc lại" - TS Trần Trong Quảng đưa ra lời khuyên.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, TS Đinh Thế Hiển (chuyên gia kinh tế) cho rằng các hoạt động cơ bản về hạ tầng đô thị như giao thông, y tế, giáo dục, cấp điện, cấp nước, thoát nước…, về cơ bản ngân sách thành phố đã có những khoản chi để đầu tư hợp lý.

Đó là nguồn thu từ thuế, hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đang sinh sống và làm việc tại TP HCM.

Với 18% ngân sách TP. HCM được giữ lại thì rõ ràng việc tái đầu tư cho hệ thống hạ tầng đô thị của thành phố còn thiếu thốn, hạn chế kéo theo các dịch vụ hạ tầng đô thị mà người dân được thụ hưởng chưa tương xứng với khoản tài chính mà họ đóng góp cho ngân sách.

"Nếu tiếp tục thu giá dịch vụ thoát nước trong giai đoạn này, theo tôi, là chưa thuyết phục, việc thu sẽ tạo thêm gánh nặng cho người dân nhất là những người nghèo, chưa kể việc quản lý số tiền thu được phải bảo đảm tính minh bạch.

Nếu TP. HCM cần huy động vốn để thực hiện chương trình chống ngập thì cần lên kế hoạch cụ thể, ví dụ lập dự án chống ngập A, công khai thông tin, tổng kinh phí, đơn vị thực hiện, qua đó có thể phát hành trái phiếu đô thị để huy động vốn của người dân thực hiện.

Khi nào kinh tế phát triển ổn định, TP. HCM có thể mua lại trái phiếu, trả vốn cho người dân. Đây là cách huy động vốn mà nhiều nước phát triển áp dụng, vừa bảo đảm tính minh bạch, công bằng vừa không tạo gánh nặng cho người dân" - TS Đinh Thế Hiển nói.

Sở Xây dựng TP. HCM đề xuất giá dịch vụ thoát nước bình quân năm 2020 trên mỗi m3 là 1.430 đồng (chưa gồm thuế giá trị gia tăng); năm 2021 là 2.033 đồng; năm 2022 là 2.694 đồng; năm 2023 là 3.426 đồng và có mức 4.237 đồng vào năm 2024.

Việc thu phí sẽ áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình (gọi chung là hộ thoát nước) có xả nước thải vào hệ thống thoát nước trên thành phố. Hộ thoát nước đã đóng tiền dịch vụ thoát nước không phải trả phí bảo vệ môi trường.

Về phương thức thu, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) sẽ căn cứ vào khối lượng nước tiêu thụ hàng tháng của hộ dân thông qua hóa đơn.

Nếu đề xuất này được chấp thuận, giá tiền nước sạch và dịch vụ thoát nước bình quân mà người dân phải trả cho mỗi m3 trong năm 2020 là 11.029 đồng; năm 2021 là 12.198 đồng; năm 2022 là 13.469 đồng; năm 2023 là 14.848 đồng; năm 2024 là 16.344 đồng. Số tiền này chưa tính 10% thuế giá trị gia tăng.

So sánh mức giá thu dịch vụ thoát nước của Hải Phòng, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Hà Nội (đang đề xuất thu trong năm 2020 với mức 1.895-2.645 đồng mỗi m3)..., Sở Xây dựng TP. HCM cho rằng mức thu của thành phố tương đối thấp.

Ngọc Vân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tphcm-muon-thu-phi-thoat-nuoc-da-hop-ly-chua-3416342/