TP.HCM muốn thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Theo UBND TP.HCM, việc hình thành và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM đã được Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương ủng hộ tại các Hội thảo và Diễn đàn được tổ chức trong những năm qua. Bên cạnh đó, ý tưởng xây dựng một trung tâm tài chính của Việt Nam đặt tại TP.HCM đã được Thành ủy, UBND TP quan tâm chỉ đạo.

"Do đó, với mong muốn góp phần quan trọng trong việc nâng tầm quốc gia lên vị thế mới trong bản đồ các trung tâm tài chính phát triển của thế giới, UBND TP.HCM kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất “Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”- văn bản nêu rõ.

Theo đó, TP.HCM có môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và tăng trưởng kinh tế nhanh, ổn định là điều kiện không thể thiếu để các trung tâm tài chính hình thành và phát triển.

TP.HCM còn là đầu tàu, động lực chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam. Hiện TP đang đóng góp 22,3% GDP, chiếm 26,6% ngân sách quốc gia, thu hút 33,8% số dự án FDI của cả nước.

Đây cũng là nơi ra đời thị trường chứng khoán của Việt Nam và hạ tầng tài chính của TP vẫn còn nhiều tiềm năng rất lớn. TP có hệ thống các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính trung gian, các quỹ đầu tư, công ty tài chính, công ty chứng khoán,....Hệ thống này đóng góp vai trò quan trọng không chỉ đối với TP.HCM mà còn với cả nước trong việc huy động và phân bổ vốn thông qua các hoạt động đầu tư trực tiếp, gián tiếp, hoặc qua kênh mua bán - sáp nhập (M&A), hoạt động kiều hối...

Với các xu hướng toàn cầu đang diễn ra và cục diện chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu có nhiều thay đổi như sự kiện Brexit sẽ có tác động không nhỏ đến vị trí của trung tâm tài chính London. Những diễn biến tại Hồng Kông có thể làm lung lay vị thế của trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố này..., các thách thức trên sẽ tạo ra cơ hội cho nhiều nền kinh tế mới nổi trong đó có Việt Nam để đón đầu các nguồn lực dịch chuyển từ các trung tâm này.

Theo đó, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang đứng trước cơ hội “có một không hai” để hiện thực hóa khát vọng xây dựng một Trung tâm tài chính quan trọng của quốc gia, khu vực và thế giới .

Theo UBND TP, ý tưởng xây dựng một trung tâm tài chính của Việt Nam đã có từ nhiều năm trước nhưng do điều kiện chưa chín muồi nên chưa thành hiện thực. Đến nay, việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là xu thế tất yếu của kinh tế hiện đại mà còn là một biểu hiện của một quốc gia năng động, phát triển và hội nhập.

Vì vậy TP kiến nghị Chính phủ ủng hộ chủ trương xem mục tiêu “Phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM” là nhiệm vụ trọng điểm, chiến lược quan trọng của quốc gia và được đưa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Đồng thời bổ sung nội dung này vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, TP sẽ xây dựng Đồ án cụ thể trình các cơ quan Trung ương phê duyệt theo quy định và huy động các nguồn lực xã hội để hiện thực hóa chủ trương phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM, góp phần vào sự phát triển chung và nâng tầm vị thế của Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

KIÊN CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/tphcm-muon-thanh-trung-tam-tai-chinh-khu-vuc-va-quoc-te-933488.html