TP.HCM muốn bỏ xe xăng dầu, thay bằng xe điện trong tương lai

'Giao thông điện là cơ hội tuyệt vời cho TP.HCM, đây đồng thời là thách thức chuyển dịch từ động cơ đốt trong sang sử dụng phương tiện điện', bà Urda Eichhorst nói.

Trong bối cảnh Chính phủ cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 năm 2050 tại COP26, TP.HCM nhìn nhận việc ứng phó biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn mà trong đó, chuyển dịch loại hình giao thông vận tải từ nhiên liệu hóa thạch sang điện là trọng tâm.

Theo thống kê, TP.HCM là một trong những thành phố hàng đầu thế giới chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu mà giao thông vận tải là nguyên nhân chính, chiếm 45% tổng lượng phát thải khí nhà kính.

Nội dung được đề cập tại Hội thảo tham vấn Kế hoạch phát triển giao thông điện tại TP.HCM diễn ra chiều 12/5.

Ông Lê Anh Tuấn, Trưởng nhóm tư vấn (Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết về định hướng phát triển chung, TP.HCM mong muốn đến năm 2030 sẽ có nền kinh tế thải cacbon thấp, phát triển bền vững. Trong đó tỷ lệ vận tải hành khách công cộng chiếm 25%, tỷ lệ năng lượng mới đạt 17%, làm nền tảng để giao thông điện phát triển.

Hiện nay, tỷ lệ đất dành cho giao thông tại TP.HCM chiếm 12%, phương tiện vận tải chủ yếu là ôtô, xe máy cùng một số loại hình khác. Nhiên liệu chính vẫn là xăng.

TP.HCM gần đây cũng ghi nhận sự chuyển đổi tích cực khi xuất hiện nhiều hơn các xe điện hai bánh. Riêng ôtô con có tỷ lệ tăng trưởng lớn chiếm 6,65%. Hệ thống xe buýt hiện có 126 tuyến, nhiên liệu chính là diesel.

 Phương tiện chủ yếu tại TP.HCM hiện là xe máy, ôtô - đường Tôn Đức Thắng (quận 1) dọc từ chân cầu Thủ Thiêm 2. Ảnh: Chí Hùng.

Phương tiện chủ yếu tại TP.HCM hiện là xe máy, ôtô - đường Tôn Đức Thắng (quận 1) dọc từ chân cầu Thủ Thiêm 2. Ảnh: Chí Hùng.

Theo ông Lê Anh Tuấn, khi nói đến phương tiện giao thông điện, nhà quản lý cần quan tâm đến lưới điện. Hiện trạng lưới điện ở TP.HCM từ năm 2020 đến nay có tổng công suất 4.500 MW. “Sự thâm nhập nguồn năng lượng tái tạo vốn nằm trong xu thế Việt Nam. Sơ đồ điện 8 được Chính phủ điều chỉnh và sắp công bố", chuyên gia nói và tin rằng tỷ trọng tái tạo trong thời gian tới sẽ tăng lên.

Song, chuyên gia Lê Anh Tuấn cho rằng xe điện nói chung và hạ tầng sạc điện nói riêng tại TP.HCM vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, hầu như do các công ty tư nhân khai thác. Điển hình, xe điện 4 bánh hiện nay chỉ có VinFast, còn xe điện hai bánh có MBI. Tính đến tháng 3 năm nay, TP.HCM có thêm 29 trạm sạc ôtô điện của VinFast đi vào hoạt động. Thế nhưng vấn đề về tiêu chuẩn thống nhất cho hệ thống sạc điện này vẫn chưa có.

Bà Urda Eichhorst, Giám đốc dự án NDC - TIA (Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước châu Á), thuộc Tổ chức hợp tác quốc tế - GIZ, nhận xét TP.HCM là đô thị lớn nhất Việt Nam có nhiều phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Việc phát triển giao thông công cộng là rất cần thiết để giảm phát thải từ nhiên liệu này cũng như các công cụ khác; đồng thời giảm ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.

Bà Urda Eichhorst, giám đốc dự án NDC - TIA. Ảnh: Anh Thư.

"Giao thông điện là cơ hội tuyệt vời cho TP.HCM, đây đồng thời là thách thức chuyển dịch từ động cơ đốt trong sang sử dụng phương tiện điện", bà Urda Eichhorst nói.

Ở bối cảnh quốc tế, ông Lê Tuấn Anh cho biết các nước láng giềng như Indonesia, Thái Lan, Philippines cũng thúc đẩy xu hướng điện hóa trong giao thông vận tải. Nước bạn định hướng từ nay đến năm 2025 sẽ có ít nhất 20-25%, thậm chí là 50% xe điện, hybrib được bán ra tùy theo mỗi quốc gia. Năm 2035-2040, Thái Lan dự kiến có 18,41 triệu xe chạy bằng điện, còn Philippines chiếm 21-50% tổng số xe.

Với riêng Việt Nam, chuyên gia này cho rằng đô thị lớn nhất cả nước có nhiều nền tảng phát triển giao thông điện dù còn ở giai đoạn sơ khai.

Tuyến xe buýt điện cỡ lớn đầu tiên tại TP.HCM. Ảnh: Y Kiện.

“Chúng ta có nhiều động lực chuyển dịch từ phát triển động cơ đốt trong sang phương tiện điện thân thiện môi trường. Phát triển giao thông điện là xu thế toàn cầu và chúng ta không cưỡng lại được xu thế này”, ông nhấn mạnh và cho biết ngoài ra, xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch cũng là định hướng đúng đắn mà TP.HCM hướng đến.

Theo ông Tuấn, để đạt được mục tiêu, cần có các giải pháp từng bước phân vùng kiểm soát khí thải và thu phí ô nhiễm ở từng giai đoạn. Cụ thể, đến 2025, TP.HCM phải xây dựng và ban hành định mức kỹ thuật liên quan đến phát triển phương tiện giao thông điện. Sau 2030, chính sách thống nhất tiêu chí đối với các trạm sạc được hoàn thiện.

Năm 2035, thành phố dừng cấp đăng ký mới với xe buýt sử dụng động cơ đốt trong. 5 năm tiếp theo, thành phố đặt mục tiêu dừng cấp đăng ký mới với xe dùng động cơ diesel và xe máy dùng động cơ đốt trong. Và đến năm 2050, TP.HCM sẽ dừng cấp đăng ký mới với tất cả xe sử dụng nhiên liệu từ động cơ đốt trong.

Thư Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tphcm-muon-bo-xe-xang-dau-thay-bang-xe-dien-trong-tuong-lai-post1316506.html