TP.HCM mỗi năm sụt lún 4cm

TP.HCM là địa phương có tốc độ sụt lún rất lớn, trung bình 4cm/năm, cá biệt có nơi đến 6-7cm/năm.

Ông Bùi Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin cho biết như vậy tại hội thảo “Trao đổi và góp ý giải pháp mô phỏng biến dạng mặt đất, sụt lún đất nền khu vực TPHCM” do Sở TN-MT TP.HCM tổ chức ngày 11/12.

Chung cư 518 Võ Văn Kiệt bị nghiêng 45 cm. Ảnh: Đại đoàn kết

Chung cư 518 Võ Văn Kiệt bị nghiêng 45 cm. Ảnh: Đại đoàn kết

Theo nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM, nền đất yếu chiếm đến 60% diện tích đất của TP.HCM, phân bố chủ yếu ở các quận 2, 4, 6, 7, 8, huyện Nhà Bè, Cần Giờ, dọc bờ sông Sài Gòn…

Trên thực tế, tình trạng hạ tầng đất yếu bị quá tải vì cõng hạ tầng đã được nhắc đến từ nhiều năm trước tại TP.HCM.

Theo báo cáo của TP.HCM, ở thời điểm năm 2015 tình trạng sụt lún ở một số khu vực, trung bình quan trắc là 28mm, nhưng tốc độ thay đổi bề mặt đo được tới hơn 15mm/năm và đến nay có khu vực đã lún sâu hơn nửa mét và có thể quan sát trực tiếp. Khu vực lún sụt nhanh được xác định trong phạm vi hơn 356 ha, trong khi các khu vực có tốc độ lún 5-10mm/năm thì lên tới gần 4.400 ha.

Tình trạng sụt lún ở TP.HCM cũng liên quan đến tình trạng ngập úng đô thị thời gian qua. Cả hai tác nhân này đều đã tác động rất lớn đến đời sống dân sinh. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác nước ngầm quá mức cho phép, tốc độ đô thị hóa, đặc biệt là việc cấp phép xây nhà cao tầng, bê tông hóa vỉa hè ngày càng gia tăng, đã làm hạn chế khả năng thấm hút nước và gây ra hiện tượng sụt lún đất trên địa bàn thành phố.

Điển hình phải kể đến rốn ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh, TP.HCM. Tuyến đường "vàng" chỉ dài hơn 3 km này, nhưng đang phải "gánh" hàng chục dự án chung cư, với hơn 17.000 căn hộ. Chính hàng loạt dự án bất động sản với hàng chục nghìn căn hộ san sát được cho là nguyên nhân gây sụt lún mặt đường, khiến đường Nguyễn Hữu Cảnh phải chịu cảnh ngập úng liên miên, chưa tìm được giải pháp khắc phục.

Trong khi tại Quận 4 nằm ở khu vực trung tâm thành phố có diện tích chưa đến 5 km2, nhưng có đến hơn 200.000 dân sinh sống, trong khi diện tích của huyện Cần Giờ với 704 km2 (hơn Quận 4 khoảng 140 lần) nhưng dân số chỉ có 70.000 người. Với mật độ dân số tập trung quá đông dẫn tới tình trạng quá tải, gây áp lực lớn cho hạ tầng đô thị.

Góp ý các giải pháp hạn chế sụt lún cho TPHCM, các nhà khoa học cho rằng cần hạn chế tối đa việc khai thác nước ngầm, giảm mật độ xây dựng ở những nơi có nền đất yếu. Cần có những mô phỏng dự đoán tình trạng sụt lún ở các khu vực để từ đó có những giải pháp phù hợp trong việc quy hoạch, xây dựng phát triển đô thị.

Phát biểu trước đó về vấn đề này, PGS.TS Lê Văn Trung (Trường Đại học Bách Khoa TP HCM) khuyến nghị quy hoạch của thành phố đừng để bề mặt không thấm, bê tông hóa mở rộng, trong khi đó phải xây dựng các hồ điều tiết để trữ nước mưa. Vùng nào cấp nước mặt thì tuyệt đối không cho phép sử dụng nước ngầm.

Trong khi đó, đại diện Trung tâm điều hành chống ngập nước TP HCM giải thích, vấn đề triển khai quy hoạch chống ngập quá chậm, hệ thống cống thoát nước đầu tư chưa đạt yêu cầu đã khiến các nỗ lực nêu trên không được đồng bộ.

Thái An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tphcm-moi-nam-sut-lun-4cm-3424211/