TP.HCM mời đầu tư 6 dự án chỉnh trang kênh rạch

TP.HCM cần phải huy động hơn 23.000 tỉ đồng mới đủ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

“Chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản trong cải tạo, chỉnh trang đô thị. Cách làm của họ là không mang dân chỗ này đi sang chỗ khác mà cải tạo ngay tại chỗ, vừa sử dụng hiệu quả quỹ đất, giá trị đất cũng tăng lên, thêm được hồ nước, thêm được cây xanh…”. Ngày 1-2, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị mời gọi nhà đầu tư thực hiện các dự án cải tạo, di dời nhà ven và trên kênh rạch, chỉnh trang đô thị TP.HCM.

Di dời hơn 21.000 căn nhà lụp xụp

Theo báo cáo của Giám đốc Sở Xây dựng TP Trần Trọng Tuấn, hiện nay toàn TP có hơn 21.000 căn nhà trên và ven kênh rạch; tập trung chủ yếu tại quận 8 (9.806 căn), quận Bình Thạnh (1.830 căn), quận 7 (1.730 căn), quận 4 (1.630 căn)…

Việc di dời hơn 21.000 căn nhà nêu trên được chia thành ba nhóm dự án. Nhóm thứ nhất là dự án chỉnh trang đô thị bằng nguồn vốn ngân sách. Đây là các tuyến rạch nhánh, nhỏ, không thể thực hiện mở biên chỉnh trang hoặc không có giá trị thương mại, không hấp dẫn nhà đầu tư. Nhóm này có 52 dự án với quy mô di dời là 14.403 căn. Dự kiến kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gần 24.000 tỉ đồng.

Nhóm thứ hai là dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị, quy mô di dời hơn 1.800 căn, dự kiến tổng kinh phí bồi thường khoảng 2.702 tỉ đồng. Việc thực hiện di dời và tái định cư nhà trên và ven các tuyến kênh rạch được thực hiện bằng nguồn vốn doanh nghiệp.

Nhà ven kênh ở quận 4 nhìn từ cầu Nguyễn Văn Cừ. Ảnh: HTD

Nhà ven kênh ở quận 4 nhìn từ cầu Nguyễn Văn Cừ. Ảnh: HTD

Nhóm thứ ba là dự án chỉnh trang đô thị theo hình thức đối tác công tư: Di dời hơn 6.200 hộ dân. Dự kiến tổng kinh phí bồi thường là hơn 19.000 tỉ đồng. Phương thức chủ yếu là mở rộng biên chỉnh trang, mở rộng phạm vi thu hồi đất để tạo quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện theo hợp đồng BT. Nhóm này TP sẽ tổ chức công bố dự án, mời gọi nhà đầu tư tham gia với sáu dự án gồm di dời, tái định cư các hộ dân trên và ven bờ Nam kênh Đôi (quận 8); rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, quận Gò vấp); cải tạo rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh); rạch Cầu Dừa (quận 4); cải tạo cảnh quan hồ Song Tân (quận 7); chỉnh trang rạch Bần Đôn (quận 7).

Trong đó có dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đã được TP giao cho Công ty Cổ phần Hà Nội ngàn năm nghiên cứu khả thi để báo cáo TP xem xét. Ông Phạm Huy Thưởng, Tổng Giám đốc công ty này, cho biết sau sáu năm nghiên cứu, hiện đã có báo cáo khả thi và sẽ trình TP trong tháng 2. doanh nghiệp cũng đã được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho vay 70% vốn để thực hiện dự án.

Theo ông Thưởng, dự án này thực hiện theo phương thức khai thác quỹ đất tại dự án mà TP không phải bỏ tiền ngân sách. “Nếu đủ điều kiện khởi công trong năm 2018 thì chúng tôi dự định hoàn thành trong năm 2023. Tuy nhiên cần phải làm nhanh, nếu không thì số tiền đội vốn sẽ rất lớn. Lúc chúng tôi làm nghiên cứu tiền khả thi thì mới chỉ có 2.000 căn mà nay đã 3.745 căn, tổng mức đầu tư dự án là hơn 8.400 tỉ đồng. Nếu không làm nhanh thì tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ lớn hơn nữa” - ông Thưởng nói.

Cần học hỏi kinh nghiệm Nhật Bản

Theo Giám đốc Sở KH&ĐT TP Sử Ngọc Anh, một trong những khó khăn lớn nhất hiện vẫn là nguồn vốn để bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nhu cầu vốn ngân sách khoảng 25.745 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách TP chỉ có 2.508 tỉ đồng, cần phải huy động hơn 23.000 tỉ đồng nữa mới đủ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Trong sáu dự án kêu gọi đầu tư, đến năm 2020 cơ bản phải hoàn thiện ít nhất bốn dự án. Số còn lại có thể chậm hơn một chút nhưng sau năm 2020 thì những dự án này cũng phải xong mọi thủ tục và triển khai thực hiện.

Bí thư Thành ủy TP.HCM NGUYỄN THIỆN NHÂN

Đại diện JICA cho rằng tổ chức này sẽ tập trung vốn cho khu vực tư nhân để thực hiện dự án cải tạo kênh rạch. Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cam kết sẽ đồng hành với chính quyền TP trong chương trình chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân rất lưu tâm đến kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc cải tạo, sắp xếp lại đô thị. Theo ông Nhân, cách cải tạo tại chỗ thay vì phải di dời dân đi chỗ khác như ở Nhật Bản là những kinh nghiệm hay. Cách làm này vừa tạo hiệu quả sử dụng đất, tăng giá trị sử dụng đất, tăng cây xanh, hồ nước, cải thiện đời sống người dân…

Bí thư Nhân yêu cầu TP cần mời các chuyên gia Nhật Bản tập huấn cho các sở, ngành và các đơn vị có liên quan những kinh nghiệm về chỉnh trang, sắp xếp lại đô thị. Người đứng đầu Thành ủy chỉ đạo có thể thuê Nhật Bản tư vấn, cải tạo một số quận, huyện thật đồng bộ với phương châm cải tạo tại chỗ chứ không chạy đi đâu cả. Từ cách làm đó sẽ triển khai chung cho những quận, huyện khác.

Bí thư Nhân cho rằng trong 30 năm qua, TP di dời 36.000 căn nhà trên và ven kênh rạch nhưng chỉ trong năm năm (2016-2020) mà di dời hơn 20.000 căn nhà là một áp lực rất lớn.

Những bất cập của các dự án BT sẽ được khắc phục

Ông Nguyễn Đăng Trung, Cục trưởng Cục Đấu thầu, Bộ KH&ĐT, cho biết Chính phủ đang giao Bộ KH&ĐT soạn thảo văn bản sửa đổi Nghị định 15/2015 và Nghị định 30/2015 có liên quan đến hình thức đầu tư dự án theo phương thức BT. Bộ này cũng đã hoàn thiện các văn bản với nhiều nội dung sửa đổi siết chặt và thực hiện hiệu quả các dự án BT, đặc biệt là các dự án chỉnh trang đô thị, cải tạo nhà trên và ven kênh rạch. Ông Trung cho hay những bất cập, vướng mắc của các dự án BT cũng đã được khắc phục khi các nghị định này ra đời.

VIỆT HOA

Nguồn PLO: http://plo.vn/do-thi/tphcm-moi-dau-tu-6-du-an-chinh-trang-kenh-rach-754253.html