TP.HCM may mắn vì bệnh nhân Covid-19 trẻ tuổi, khỏe mạnh

Các chuyên gia nhấn mạnh chúng ta có thể tạm yên tâm về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM song nguy cơ vẫn còn nếu sót F1 trong cộng đồng.

Ngày 6/12, TP.HCM bước sang ngày thứ 4 không ghi nhận thêm ca nhiễm mới trong cộng đồng kể từ thời điểm phát hiện bệnh nhân số 1342.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết điều đó chứng tỏ dịch tại thành phố có thể được kiểm soát, song chưa thể yên tâm do đây là thời điểm nhạy cảm.

"Tạm yên tâm về dịch ở TP.HCM"

Chia sẻ kinh nghiệm trong đợt bùng phát dịch tại Đà Nẵng hồi tháng 8, theo PGS.TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, mắt xích giúp cắt đứt đường lây truyền của SARS-CoV-2 trong cộng đồng là truy vết thần tốc F1. Việc này phải thực hiện nhanh, kiên quyết không được bỏ sót F1.

Do tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, F1 có nguy cơ rất cao bị nhiễm virus. Chúng ta có thể coi họ là những bệnh nhân tiềm tàng. Vì vậy, việc truy vết F1 ngay khi phát hiện ca bệnh Covid-19 hay ca nghi ngờ là yếu tố then chốt trong việc chống dịch.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), thành phố đã rà soát xét nghiệm 3.263 trường hợp tiếp xúc các ca dương tính. Trong đó, 861 trường hợp tiếp xúc gần (F1) và 1.400 F2 đều âm tính. Đối với 1.002 trường hợp lấy mẫu giám sát, 518 người có kết quả âm tính, 484 người đang đợi kết quả.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, đây là thành quả đáng mừng cho những nỗ lực của ngành y tế thành phố, đặc biệt là khối dự phòng khi tất cả F1 và F2 đều âm tính.

Điều lo lắng nhất hiện nay là F1 chưa khai báo y tế và chưa được cách ly. Ảnh: Duy Hiệu.

Điều lo lắng nhất hiện nay là F1 chưa khai báo y tế và chưa được cách ly. Ảnh: Duy Hiệu.

Ông cho biết khi xuất hiện ca dương tính, thông thường, tất cả F1 được cách ly tập trung, F2 được giám sát, theo dõi cách ly tại nhà chờ kết quả xét nghiệm của F1. Tại TP.HCM, trong thời gian từ khi phát hiện ca dương tính trong khu cách ly là BN1342, ngành y tế đã nhanh chóng truy vết tất cả người tiếp xúc gần.

"Lo lắng lớn nhất hiện nay là cộng đồng còn sót người tiếp xúc gần không khai báo, hoặc họ không biết bản thân vô tình là F1. Do vậy, chúng ta không nên vội vui và chủ quan. Theo tôi, tất cả cơ quan, công ty và gia đình có người đi học ngoại ngữ, hay hát karaoke, cà phê hay liên quan các địa điểm được HCDC công bố, nên rà soát lại và lập tức khai báo y tế nếu thấy bản thân có nguy cơ. Nếu tất cả F1 khai báo và âm tính, tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM có thể xem như đã được kiểm soát", bác sĩ Khanh nói.

Chuyên gia này chia sẻ thêm trong đợt bùng phát lần này, TP.HCM khá may mắn vì đối tượng bệnh ở nhóm người khỏe mạnh. Những người trẻ này có lịch trình di chuyển rất nhiều nhưng không có bệnh nền nặng, sức khỏe tốt, chưa đi đến các cơ sở y tế nên không làm lây bệnh cho người lớn tuổi. Nhờ điều này là thành phố dễ khống chế dịch hơn.

TP.HCM sẽ không có đỉnh dịch?

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết tất cả trường hợp tiếp xúc gần F1 âm tính thì xem như những người thuộc nhánh F2 đã an toàn. Tuy nhiên, chúng ta chưa thể vội mừng.

"Chúng ta chỉ mới trải qua 4-5 ngày cách ly F1. Với virus SARS-CoV-2 trong giai đoạn sớm, siêu vi có thể chưa có khả năng sinh sôi và gây bệnh. F2 tiếp xúc F1 trong giai đoạn này sẽ khó lây nhiễm nhưng F1 vẫn có thể trở thành F0 khi virus sinh sôi đủ để gây bệnh. F1 cần được theo dõi, cách ly, xét nghiệm đến khi đủ 14 ngày. Sau 14 ngày không phát hiện thêm ca dương tính mới, chúng ta có thể tạm yên tâm", bác sĩ Nam nói.

Đỉnh dịch chỉ xuất hiện khi số ca tăng nhanh do không có sự kiểm soát nên TP.HCM không thể có đỉnh dịch. Ảnh: Duy Hiệu.

Vị bác sĩ từng điều trị thành công cho 2 bệnh nhân Covid-19 cho biết thêm đợt bùng phát lần này là bài học lớn, không chỉ riêng TP.HCM, tất cả địa phương khác. Đây là bài học trong việc kiểm soát khu cách ly. Bất cứ ở đâu cũng có khả năng tạo ổ lây nhiễm, kể cả khu cách ly nếu không được quản lý tốt.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết đỉnh dịch là lúc ghi nhận rất nhiều người mắc, hàng loạt, sau đó, con số đi xuống, giảm dần. TP.HCM chưa có đỉnh dịch và khả năng sẽ không có.

Kể từ khi phát hiện ca dương tính đến truy lùng thần tốc F1, TP.HCM thực hiện rất gắt gao và nghiêm ngặt. Thành phố tung quân sớm, kiểm soát chặt chẽ, kịp thời và không để lây lan ồ ạt thì sẽ không có đỉnh dịch.

"Chúng ta không thể khẳng định đỉnh dịch đã qua. Đỉnh dịch phụ thuộc vào cách cộng đồng cùng phòng, chống và nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh", ông khẳng định.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội Truyễn nhiễm Việt Nam, cho biết đối với bệnh truyền nhiễm, diễn tiến của dịch tùy thuộc vào mầm bệnh lưu hành ở người.

Nếu vẫn còn người lành mang virus, bệnh sẽ còn dai dẳng, tiếp theo sẽ bùng phát các đợt dịch khác khi cộng đồng chưa có miễn dịch. Do đó, việc sản xuất vaccine để tăng miễn dịch cho cộng đồng quan trọng. Đó là điều kiện để ngăn chặn dịch lâu dài và trong trường hợp có dịch thì các ca ghi nhận sẽ lẻ tẻ, thấp, từ đó có điều kiện kiểm soát được dịch bệnh.

Các chuyên gia cảnh báo người dân phải tiếp tục cảnh giác trong thời gian này, tuyệt đối không lơ là nhất là khi chưa có vaccine và thuốc điều trị. Khi có sự giao lưu, tiếp xúc nhiều, không tuân thủ cách ly, trong cộng đồng còn có ca bệnh tự do sẽ dẫn đến đợt bùng phát dịch tiếp theo.

Vừa qua, tại cuộc họp báo cáo tình hình nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19 trong nước, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen (NANOGEN) phối hợp với Học viện Quân y sẽ tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn I thử nghiệm trên người vaccine Covid-19 do công ty này sản xuất.

3 đơn vị sản xuất vaccine Covid-19 của Việt Nam đã hoàn thiện quy trình sản xuất quy mô phòng thí nghiệm là Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC), Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen (NANOGEN).

Các đơn vị này đang đánh giá tính an toàn, miễn dịch của vaccine trên động vật. Riêng NANOGEN đã hoàn thành giai đoạn này và chuẩn bị sẵn sàng để tiến tới thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I.

Bộ Y tế đang triển khai nhiều biện pháp nỗ lực hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đơn vị khẩn trương thúc đẩy quá trình sản xuất vaccine trong nước. Đồng thời, cơ quan này cũng đàm phán, thống nhất với các đơn vị sản xuất vaccine từ nước ngoài, để Việt Nam sớm có vaccine Covid-19.

Kế hoạch giải phóng ổ dịch lớn nhất Đà Nẵng "Cảm giác của tôi khi bước vào Bệnh viện Đà Nẵng là rất ngổn ngang. Đó là chiến trường chính và cần phải tốn nhiều công sức để giải quyết", BS Đỗ Ngọc Sơn (BV Bạch Mai) chia sẻ.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tphcm-may-man-vi-benh-nhan-covid-19-tre-tuoi-khoe-manh-post1121167.html