TP.HCM lo lắng việc cắt giảm ngân sách

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, thành phố (TP) phấn đấu từ năm 2017 sẽ bắt tay triển khai đồng bộ kế hoạch thực hiện 7 chương trình đột phá... Tuy nhiên, TP.HCM đang lo lắng việc TP.HCM bị cắt giảm ngân sách sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đang được gấp rút thi công.

Tìm vốn cho các chương trình đột phá

Ông Tuyến cho biết: Thời gian chỉ còn 3 năm (7 chương trình đột phá triển khai trong giai đoạn 2016-2020). Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát, báo cáo cụ thể nguồn vốn để thực hiện 7 chương trình đột phá theo hướng điều chỉnh, bổ sung, thay đổi hình thức đầu tư có sự tính toán hợp lý việc sử dụng nguồn vốn ngân sách theo khả năng được điều tiết ngân sách hàng năm, làm sao để một đồng vốn ngân sách bỏ ra huy động được 15 đồng vốn xã hội (lâu nay tỷ lệ này là 1/14), vì xét cho cùng nếu hiệu quả vốn mồi cao còn thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư vào chính sách của TP.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng số vốn cho các dự án thuộc 7 chương trình đột phá của thành phố giai đoạn 2016-2020 dự ước lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng nhưng khả năng cân đối từ nguồn ngân sách chỉ được khoảng 60%. Ông Tuyến cũng thông tin thêm, mới đây TP.HCM đã đề nghị tỷ lệ ngân sách điều tiết cho TP được hưởng giảm từ 23% xuống còn 21%.

7 chương trình đột phá trong nhiệm kỳ 2015-2020:

1. Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;

2. Chương trình cải cách hành chính;

3. Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP;

4. Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; 5. Chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng;

6. Chương trình giảm ô nhiễm môi trường;

7. Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị.

Nếu như trong năm 2017, TP được trung ương giao thu ngân sách khoảng 360.000 tỷ đồng thì tính ra phần bị cắt giảm khoảng 7.200 tỷ đồng và điều này cũng gây khó khăn cho việc điều tiết, sử dụng vốn ngân sách TP. “Tôi đề nghị các sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá lại các dự án để có thể chuyển đổi hình thức kêu gọi đầu tư phù hợp trong điều kiện ngân sách được điều tiết ngày càng giảm.” - ông Tuyến đề nghị tại cuộc họp và cho biết mới đây, theo tính toán sơ bộ thì nguồn vốn chuẩn bị để thực hiện các dự án thuộc 7 chương trình đột phá lên đến 1 triệu tỷ đồng (tương đương 43 tỷ đô la Mỹ).

Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM, cũng lo lắng thời gian tới nếu tỷ lệ điều tiết ngân sách bị cắt giảm, nguồn vay ODA được hưởng thời gian ngắn hơn với lãi suất cao hơn cộng với nhiều yêu cầu dân sinh bức thiết cần triển khai thực hiện hơn (như tình trạng ngập nước, ô nhiễm môi trường) kết hợp với yêu cầu cho phát triển trong tương lai thì quả thật TP đang đứng trước khó khăn. “Do vậy, quan điểm của tôi là phải giảm tối đa chi ngân sách cho đầu tư, đồng thời phải bằng nhiều cách kêu gọi đầu tư từ xã hội. Thực tiễn này đòi hỏi kêu gọi đầu tư xã hội càng phải quyết liệt hơn. Cần đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực y tế, giáo dục... Tôi đề nghị TP mạnh dạn chọn lấy một hai dự án trường học, bệnh viện, cơ sở giáo dục thí điểm làm xã hội hóa, đi dần từ mức độ thấp đến mức độ cao.

Còn theo bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính, các sở ngành sắp tới cần tính toán kỹ hơn về số liệu nguồn vốn cho 7 chương trình đột phá. Lãnh đạo Sở Tài chính kiến nghị với ngành giao thông, chống ngập sớm đưa ra danh sách các dự án cần triển khai không chỉ cho riêng các chương trình đột phá của TP mà còn giúp phát triển mang tính cả vùng. Bà Thắng cũng đề nghị các ngành cần tính toán chính xác cơ cấu các nguồn vốn bởi thời gian gần đây nhiều đơn vị cứ tách vốn ngân sách riêng với vốn dự án BT, ODA nhưng thực ra bản chất vốn dự án BT rồi nhà nước cũng trả lại bằng đất (và cũng là tiền nhà nước), hay dự án sử dụng vốn ODA cũng dùng tiền ngân sách để trả (cũng là tiền nhà nước).

Công trường thi công đập ngăn triều Mương Chuối (huyện Nhà Bè).

“Coi lại” các hình thức đầu tư

Làm việc với các sở ngành liên quan cuối tháng 10 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, đã yêu cầu sớm đánh giá lại hiệu quả các dự án thuộc loại hình đầu tư đối tác công - tư (chẳng hạn như đầu tư theo phương thức BT) trên địa bàn TP lâu nay, đồng thời có sự tính toán hợp lý việc sử dụng nguồn vốn ngân sách theo khả năng được điều tiết ngân sách hàng năm. Đó là trước mắt, còn lâu dài, các chuyên gia kinh tế ví von: “Nếu ví TP.HCM như “người con có thu nhập cao nhất trong nhà” và có trách nhiệm lo lắng cho các địa phương khác thì việc thu nhiều, nộp lại nhiều cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc cắt giảm lần này quá lớn khi nhu cầu chi của TP.HCM đang rất lớn”. Tại thời điểm hiện tại, TP.HCM có quá nhiều việc phải làm và sức hút của đô thị này gần như là lớn nhất nước. Do đó, việc cắt giảm ngân sách chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân. Với một đô thị có sức hút lớn và tiềm năng phát triển như TP.HCM nên có những chính sách hợp lý để TP.HCM tự túc phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo đảm đời sống, chăm sóc người dân của TP cũng như cả vùng trọng điểm phía nam.

Một số chỉ tiêu chủ yếu được TP.HCM đề ra trong nhiệm kỳ 2015-2020

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP (GRDP) bình quân hằng năm từ 8-8,5%; GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020 đạt 9.800 USD; đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng so với đầu năm 2011 là 3,5 lần, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn chương trình “Giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016-2020 bình quân 1%/năm; đến cuối năm 2020 bảo đảm nước sạch cho 100% hộ dân; xử lý chất thải y tế và nước thải công nghiệp đạt 100%; về năng lực quản lý của bộ máy chính quyền, phấn đấu TP trong nhóm năm địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính.

Quốc Định

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/tphcm-lo-lang-viec-cat-giam-ngan-sach-d49322.html