TP.HCM: Liên tiếp các ca trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi

Chỉ trong vài ngày, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM tiếp nhận 3 ca sởi. Điều đáng lưu ý là cả 3 trường hợp này đều xảy ra ở trẻ dưới 9 tháng tuổi và có dấu hiệu chuyển nặng.

Bé Nhân đang được hỗ trợ thở oxy sau khi mắc sởi

Bé Nhân đang được hỗ trợ thở oxy sau khi mắc sởi

Nằm trong phòng hỗ trợ thở oxy, bà ngoại bé Phạm Thành Nhân (8 tháng tuổi, ngụ tại Tân Trụ, Long An) cho biết, bé mới đi nong tim tại Bệnh viện Nhi đồng 1 về vài ngày thì thấy nổi vài nốt ban trên mặt, người hơi sốt và tiêu chảy. Đến tối thì bé nổi ban đầy người, sốt cao nên gia đình đưa bé vào Bệnh viện Nhi đồng 1 luôn trong tối 31/8 và được chẩn đoán mắc sởi.

Trong phòng cách ly, bé Ý Nhi (8 tháng tuổi, quê Đồng Tháp) nằm mệt mỏi với các nốt ban đỏ nổi dày đặc trên người. Mẹ bé cho biết, hai vợ chồng làm công nhân ở Bình Dương, bé Nhi dù mới 8 tháng nhưng đã đi nhà trẻ và ở trường bé không có ai mắc bệnh.

Trước đó 1 tuần, cha bé có bị sốt, nổi ban, đi khám thì được nói là sốt phát ban và cho thuốc về uống. Có khả năng bé lây bệnh từ cha vì chỉ 1-2 ngày sau khi cha bé sốt nổi ban, bé cũng bắt đầu nổi ban và sốt. Lúc đầu, gia đình cho bé đi khám gần nhà và được chẩn đoán sốt phát ban. Tuy nhiên thấy bé sốt ngày càng cao nên gia đình cấp tốc đưa bé vào Bệnh viện Nhi đồng 1. Bé được hỗ trợ thở oxy và chẩn đoán mắc sởi.

Một trường hợp khác là bệnh nhi 7 tháng tuổi, quê tại An Giang cũng được đưa đến khám trong tình trạng sốt, nổi ban và ngay lập tức được cách ly sau khi chẩn đoán bé bị mắc sởi.

Theo bác sĩ Tiêu Châu Thy, Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, các bé nhập viện trong tình trạng sốt cao, ho nhiều, nổi ban, viêm phổi, trong đó có 1 trường hợp khá nặng. Khoa đã tiếp nhận rải rác các ca trẻ mắc sởi trong vài tuần nay nhưng tuần này thì liên tiếp có 3 bé mắc, đều ở lứa tuổi quá nhỏ, chưa đủ tháng tuổi để tiêm phòng sởi.

Thông thường, ở lứa tuổi này, trẻ thường có miễn dịch từ mẹ (truyền qua sữa mẹ). Vì thế, trẻ mắc sởi có thể là do mẹ chưa có miễn dịch (chưa được tiêm, chưa từng mắc sởi) hoặc tiêm chưa đầy đủ nên miễn dịch chưa đủ để bảo vệ trẻ. Ở độ tuổi này, ban sởi không điển hình, chăm sóc khó khăn, trẻ dễ bị bội nhiễm.

BS Thy cho biết, sởi rất dễ bị nhầm với sốt phát ban. Vì thế, nếu thấy trẻ sốt cao, phát ban dạng sởi, bắt đầu từ mặt sau đó lan dần xuống dưới chân, tay; kèm theo viêm kết mạc mắt; viêm long đường hô hấp thì cha mẹ nên nghĩ đến việc con mắc sởi và cho đi khám ngay.

An Nhiên

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tphcm-lien-tiep-cac-ca-tre-duoi-9-thang-tuoi-mac-soi-post273396.info