TP HCM làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh hậu Covid-19?

Sau khi tuột khỏi Top 10 chỉ số PCI, TP HCM đang tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân hậu Covid-19 để nâng cao năng lực, thu hút đầu tư.

Từ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP HCM tuột khỏi Top 10, cho thấy TP cần phải thay đổi cách thức điều hành, quản lý, đặc biệt là có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân hậu Covid-19, để nâng cao năng lực, thu hút đầu tư.

Đó là một trong những nội dung được nhấn mạnh trong phiên thảo tại hội trường sáng 10/7 của kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa 9.

Đai biểu nguyễn Thị Ngọc Thúy

Đai biểu nguyễn Thị Ngọc Thúy

Theo đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy, hiện nay chỉ số PCI của TPHCM xếp hạng thứ 14 trong cả nước, nhưng báo cáo của UBND TP vẫn chưa có đánh giá nào đậm nét về các giải pháp cho các doanh nghiệp tư nhân trong thời gian vừa qua.

Theo đại biểu này, nhóm chỉ số cần phải quan tâm nhiều hơn, đó là: thủ tục hành chính về đất đai và quản lý mặt bằng. Hiện nay 59% doanh nghiệp chưa hài lòng cao trong lĩnh vực này. Còn thủ tục hành chính về quy hoạch xây dựng và quản lý đô thì chỉ đạt chỉ số hài lòng 53,1%.

Cùng với đó, 35% doanh nghiệp tư nhân vẫn thấy khó khăn trong việc tiếp cận vốn, trong khi đó các doanh nghiệp đang khao khát nguồn vốn để phục hồi kinh doanh, sản xuất dưới sự tác động của dịch Covid-19.

"Tôi cũng đề xuất giải pháp 6 tháng cuối năm thứ nhất là phải có gói kích cầu chung của TP trên nhiều lĩnh vực, trong đó không nên cào bằng mà tập trung vào các ngành có tính chất lan tỏa, ví dụ như các ngành dịch vụ như du lịch. Khi có du khách thì sẽ có sự tiêu thụ nhà hàng ăn uống..thì sẽ kéo theo các mặt hàng sản xuất cũng được tăng trưởng" - đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy cho biết.

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm

Quan tâm đến chỉ số PCI của TP, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng chỉ số này đang từ top 10 xuống thứ 14, vì sao có sự xuống hạng này. Chính quyền TP cần phải có sự đánh giá phân tích chỉ số, so sánh với các địa phương khác, qua đó nhận thấy TP cần cải thiện nỗ lực điều hành cũng như khắc phục các lĩnh vực nào, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, đặt mục tiêu phát triển hậu Covid-19 để thu hút đầu tư nước ngoài.

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, việc buông lỏng trong công tác quản lý để đầu nậu tích trữ đất, thu gom làm dự án, bán lại cho người dân đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Nguyên nhân là do người dân không nắm được quy định của pháp luật, nhu cầu nhà ở không được đáp ứng và cả vì ham rẻ lại cần chỗ ở nên mua phải những dự án vi phạm và đến khi cưỡng chế thì người dân chịu thiệt.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: "Giờ phải tính toán lại việc xây dựng nhà ở. Chương trình xây dựng nhà ở hiện nay như thế nào. Bây giờ mình cưỡng chế những trường hợp đó thì tính toán xem người dân sẽ ở đâu. Họ là người dân nghèo, gom góp để mua được mảnh đất nhỏ cất nhà để ở. Sai pháp luật thì sai rồi nhưng mà trách nhiệm của pháp luật như thế nào trong việc chăm lo chỗ ở cho người dân".

Chiều 10/7, kỳ họp tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường. Trong đó các sở ngành giải đáp các vướng mắc về các vấn đề ngập nước, chăm lo đời sống cho người dân trong thời dịch Covid-19…/.

Kim Dung/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tp-hcm-lam-gi-de-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-hau-covid19-1069203.vov