Tp.HCM kiến nghị điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố lên 23%

Sáng 13/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Tp.HCM. Lãnh đạo TP kiến nghị các nội dung liên quan tới việc phân cấp, phân quyền cho Thành phố; điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố; công tác cổ phần hóa và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước…

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Tp.HCM.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Tp.HCM.

Tập trung vào vấn đề trọng tâm cấp bách

Đây là cuộc làm việc đầu tiên của Thủ tướng với các địa phương trên cương vị mới, nhằm giải quyết một số vấn đề trọng tâm, cấp bách, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc lớn để Thành phố tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Thủ tướng cho biết, đây là buổi làm việc đầu tiên của Thủ tướng trên cương vị mới với một địa phương trên cả nước sau khi Chính phủ được kiện toàn nhân sự. Thủ tướng yêu cầu, cuộc họp có rất nhiều nội dung, đòi hỏi chất lượng cao, thời gian lại có hạn, do đó, các đại biểu phải tập trung trí tuệ để cùng bàn bạc, tập trung vào các vấn đề trọng tâm. Thủ tướng cũng lưu ý, Thành phố phải tiếp tục tập trung cao độ cho công tác phòng chống COVID-19.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chủ động phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 3 tháng đầu năm đạt 329.636 tỷ đồng, tăng 4,58% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 0,42%). Trong 4 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 7,9%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,7% (cùng kỳ giảm 2,6%), 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu tăng 11,7%; xuất khẩu hàng hóa 15,5 tỷ USD, tăng 14%. Lượng khách du lịch nội địa đạt gần 6,2 triệu lượt, doanh thu gần 30.000 tỷ đồng, tăng 17%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 1,1 tỷ USD, có 5.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 95%. Tổng thu ngân sách Nhà nước thực hiện đạt 140.300 tỷ đồng, đạt 38,4% dự toán, tăng 15,7% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Thành Phong khẳng định, công tác chống dịch COVID-19 được triển khai tốt. Liên quan các chuỗi lây nhiễm từ ngày 27/4 tới nay, Thành phố chỉ ghi nhận 1 ca lây nhiễm cộng đồng liên quan chuỗi lây nhiễm tại Hà Nam.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết TP đang đối mặt với nhiều thách thức như sự quá tải về hạ tầng kinh tế-xã hội đang ngày càng gia tăng; hạ tầng giao thông lạc hậu, chậm được mở rộng và nâng cấp, hệ thống giao thông kết nối liên vùng còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như vị thế trung tâm liên kết của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và nhu cầu kinh phí để đảm bảo các chính sách, chế độ ngày càng tăng cao, gây áp lực lớn cho ngân sách Thành phố. Thành phố có hoạt động kinh tế lớn nhất cả nước (chiếm hơn 22% GDP cả nước) song việc thu hút đầu tư nước ngoài chưa vượt trội (số vốn bình quân đầu tư trên mỗi dự án chưa đạt 1 triệu USD), quy mô doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 98% với số vốn đăng ký chỉ chiếm hơn 27% tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp trên địa bàn.

Cùng với đó, Thành phố là địa phương có năng suất lao động và thu nhập đầu người cao nhất cả nước (gấp khoảng 2,7 lần so với bình quân cả nước), song tỷ suất sinh lại thấp nhất cả nước (khoảng 1,3 trẻ/phụ nữ so với bình quân cả nước là 2,1 trẻ/phụ nữ). Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố trong tương lai.

Thành phố là đô thị đặc biệt, có tốc độ đô thị hóa nhanh, tập trung đông dân cư cho nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh, trật tự an toàn xã hội với nhiều loại tội phạm, trong đó tội phạm liên quan đến ma túy rất phức tạp, là nguồn cơn của nhiều loại tội phạm khác.

Tp.HCM đối mặt với nhiều thách thức. (Ảnh minh họa)

Quản lý tài sản nhà nước tại 4 khách sạn

Tp.HCM đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Các kiến nghị này liên quan tới việc phân cấp, phân quyền cho Thành phố; điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố; công tác cổ phần hóa và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; mức vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, về phân cấp, phân quyền cho Tp.HCM, ông Phong kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp Tp.HCM và các bộ, ngành trung ương sớm xây dựng đề án ban hành nghị định thay thế nghị định số 93/2001/NĐ-CP của Chính phủ về phân cấp một số lĩnh vực cho Tp.HCM trong quý 2-2021 vì "hiện nay, một số nội dung trong nghị định số 93/2001/NĐ-CP không còn phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và không tạo cơ chế thuận lợi cho sự phát triển của thành phố".

Đối với vấn đề đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Tp.HCM kiến nghị chấp thuận thông báo điều chỉnh lại mức vốn dự kiến đầu tư công kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ các nguồn vốn đầu tư thành phố có thể huy động được theo đúng khả năng cân đối và nhu cầu của thành phố là 261.967 tỉ đồng, trong đó đối với vốn đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương, trung ương bố trí đủ kế hoạch trung hạn cho các dự án sử dụng vốn ODA vay lại là 43.391 tỉ đồng. Còn với vốn ngân sách thành phố, thành phố cũng kiến nghị Chính phủ điều chỉnh tăng mức vốn dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 218.576 tỉ đồng.

Riêng về vấn đề quản lý tài sản của các doanh nghiệp nhà nước, các công ty liên doanh có giá trị lịch sử, kiến trúc, vị trí đảm bảo quốc phòng - an ninh, lãnh đạo Tp.HCM cũng kiến nghị 3 phương án đối với Tổng công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV (Saigontourist), hiện đang quản lý 4 khách sạn gồm khách sạn Bến Thành - Rex Hotel, khách sạn Cửu Long - Majestic Hotel, khách sạn Hoàn Cầu - Continental Hotel và khách sạn Kim Đô, nhưng thuộc diện cổ phần hóa, Nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ theo hướng "Nhà nước cần thiết phải quản lý bốn khách sạn và phần vốn góp tại các liên doanh này" để đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Cùng với đó, TP cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với thành phố và các cơ quan liên quan hoàn chỉnh đề án điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố, hoàn thiện tờ trình của Chính phủ trình cấp có thẩm quyền thông qua đề án trong năm 2021 nhằm tăng thu ngân sách chuyển cho trung ương và tạo tiền đề để thành phố phát triển nhanh, bền vững, giai đoạn 2022 - 2025 là 23%.

Hải Nam

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/tphcm-kien-nghi-dieu-chinh-ty-le-dieu-tiet-ngan-sach-cho-thanh-pho-len-23-d20977.html