TP.HCM khởi động 'điện hóa' xe buýt, rà soát vị trí xây hệ thống trạm sạc
UBND TP.HCM giao các đơn vị liên quan rà soát vị trí để xây dựng hệ thống trạm sạc xe điện trên toàn thành phố. Đây là bước khởi động cho đề án chuyển đổi xe buýt sang sử dụng điện vào năm 2030.
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi các sở, ngành và các địa phương về rà soát vị trí xây dựng hệ thống cấp điện, hạ tầng trạm sạc phục vụ xe điện trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND TP.HCM giao Sở GTVT chủ trì phối hợp sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan tổ chức rà soát mạng lưới đường bộ, cảng biển, cảng thủy nội địa, bến xe, nhà ga... trên địa bàn; lập danh sách các vị trí đủ điều kiện để xây dựng, lắp đặt hệ thống trạm sạc cho xe điện.
UBND TP yêu cầu, các vị trí làm trạm sạc phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng mặt bằng hoặc quy hoạch tổng thể khu vực, có nơi đậu xe và phương án đấu nối giao thông phù hợp và phải trình cấp thẩm quyền xét duyệt theo quy định.
Ngoài ra, UBND TP giao Sở GTVT phối hợp với các sở và đơn vị có liên quan triển khai lắp đặt các trạm sạc điện trong phạm vi đất dành cho đường bộ theo quy định; xây dựng các phương án tổ chức quản lý, khai thác các hệ thống trạm sạc.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, báo cáo, tham mưu UBND TP.HCM chỉ đạo theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện trong quý IV/2024.
Ngoài Sở GTVT, UBND TP.HCM giao Sở Công thương TP.HCM chủ trì ban hành hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các quy định, hướng dẫn về thiết kế, các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành cho các trạm sạc và thực hiện việc kết nối hệ thống trạm sạc vào hệ thống điện lưới. Các nội dung này phải báo cáo UBND TP trước ngày 30/11.
Sở Công thương TP.HCM cũng được giao đảm bảo cung ứng nguồn điện, nguồn năng lượng xanh đầy đủ cho các hệ thống trạm sạc, trạm nạp được xác lập theo danh mục, đáp ứng kịp thời khi các hệ thống này được lắp đặt và đưa vào vận hành.
Các đơn vị gồm Sở Xây dựng, Sở GTVT, Sở Công thương, Công an TP được yêu cầu căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong công tác rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn phòng cháy chữa cháy đối với công trình hạ tầng giao thông điện.
Trước đó, Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản gửi nhiều đơn vị để lấy ý kiến về đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND TP ban hành kế hoạch chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn.
Theo đề án, để đáp ứng kế hoạch chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, TP cần xây dựng ít nhất 25 trạm với 269 trụ sạc đến năm 2030, trong bối cảnh thành phố dự kiến có 3.317 xe buýt, trong đó 528 xe sử dụng CNG.
Trong đó, 17 trạm do Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đầu tư; 8 trạm do Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (Samco) đầu tư. Tổng mức vốn xây dựng 25 trạm sạc rơi vào khoảng 2.000 tỷ đồng.