TP.HCM: Khó xác định nguyên nhân nhiều vụ ngộ độc thực phẩm

Các nạn nhân ngộ độc thực phẩm thường nhập vào các bệnh viện khác nhau, khó có sự kết nối, khó lấy mẫu bệnh phẩm để tìm ra nguyên nhân.

Chiều 14-10, tại HĐND TP.HCM diễn ra cuộc giám sát của ban Văn hóa - Xã hội về công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.

Khó xác nhận tác nhân gây ngộ độc

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện sở y tế chỉ còn phối hợp trong xử lý hậu quả các vụ việc mất an toàn thực phẩm, truy vết, điều tra, xét nghiệm tìm tác nhân gây ngộ độc thực phẩm.

Sở y tế có 3 đầu mối chính để phối hợp, chỉ đạo điều hành đó là các bệnh viện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) và trung tâm y tế quận huyện…

Năm 2024, ngành y tế phối hợp xử lý 2 vụ việc liên quan ngộ độc thực phẩm.

Thứ nhất, vụ việc liên quan đến hàng chục sinh viên tại ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM hồi tháng 5.

Thứ hai, vào tháng 10 có 6 học sinh trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) xuất hiện triệu chứng ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn ở trường.

 Ban Văn hóa - Xã hội họp và giám sát về công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Ban Văn hóa - Xã hội họp và giám sát về công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Hay cuối năm 2023 có 2 trẻ cùng ăn món giò chả trong bữa tiệc trước khi về quê Bình Dương và Nghệ An. Trẻ về Nghệ An có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm mới chuyển Bệnh viện Nhi đồng 2. Còn trẻ về Bình Dương cũng có triệu chứng ngộ độc thực phẩm, điều trị ở bệnh viện tỉnh rồi chuyển về Bệnh viện Nhi đồng 2.

Sau đó, 2 trẻ tình cờ nằm chung phòng nên mới phát hiện ăn chung bữa tiệc, từ đó mới xác định được tác nhân là món giò chả.

Như vậy cho thấy khi các nạn nhân có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, nhập vào các bệnh viện khác nhau sẽ khó có sự kết nối để xác nhận tác nhân gây ngộ độc, khó lấy mẫu bệnh phẩm để điều tra nguyên nhân ngộ độc.

“Về điều trị, một số trường hợp ngộ độc không có thuốc điều trị đặc hiệu, mua một lọ giá đã mấy trăm triệu. Dù đã có cơ chế đặc thù phân cấp cho TP nhập khẩu thuốc, nhưng vẫn cần thêm cơ chế dự trữ các thuốc hiếm. Vì khi xảy ra ngộ độc mới đặt hàng thì đã chậm trễ trong điều trị” - ông Nam đề xuất.

 Ban Văn hóa - Xã hội giám sát an toàn thực phẩm tại phố ẩm thực. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Ban Văn hóa - Xã hội giám sát an toàn thực phẩm tại phố ẩm thực. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Khó mua kít test thực phẩm

Ông Lê Minh Hải, Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết về kiểm tra chất lượng thực phẩm, TP không thiếu kinh phí mua kít test nhanh nhưng thiếu pháp lý để triển khai thực hiện.

Trước đây, Bộ Công an xác nhận tính pháp lý của kít test này, nhưng hiện không còn làm nữa. “Năm nào Sở An toàn thực phẩm cũng trả lại kinh phí mua kít test cho TP vì không mua được”.

Ngoài ra, ông Hải cho hay có những trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm nhưng trong điều khoản không ghi cụ thể nên cơ quan chức năng lúng túng khi xử phạt. Ông kiến nghị nâng mức xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm để tăng tính răn đe.

 Một bệnh nhân trong vụ ngộ độc thực phẩm do ăn giò chả từ gánh hàng rong. Ảnh: BVCC

Một bệnh nhân trong vụ ngộ độc thực phẩm do ăn giò chả từ gánh hàng rong. Ảnh: BVCC

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, cũng cho rằng hiện nay một số người dân có nhu cầu sử dụng bộ kít test để kiểm tra độ an toàn của thực phẩm, nhưng giá cả đắt đỏ và khó sử dụng. Bà đề xuất các đơn vị có thể nghiên cứu các bộ kít test nhanh để người dân mua và sử dụng khi có nhu cầu kiểm tra hàn the, mức độ thuốc bảo vệ thực vật.

Cạnh đó, bà Nga cũng đặt vấn đề về quản lý an toàn thực phẩm từ chợ truyền thống lên đến bàn ăn của người tiêu dùng.

“Có nhiều sản phẩm tươi sống bán từ sáng tới tối, lượng hàng tồn sẽ về đâu? Khi đi giám sát, tôi thấy thực chất hàng tươi sống bán đến trưa đã đổi màu. Như vậy các hàng hóa này có bị tẩm ướp phụ gia hay hóa chất gì không?”, bà Nga đặt câu hỏi.

Bà Nga cũng kiến nghị cần có hệ thống tủ giữ nhiệt cho hàng tươi sống ở chợ. TP cần hỗ trợ đầu tư trang thiết bị ban đầu cho tiểu thương để đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, sau đại dịch, thực phẩm bán qua mạng rộng rãi, thuận lợi cho người dân. Rất cần có cơ chế quản lý chặt chẽ các mặt hàng bán online này để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Sớm xây dựng sàn giao dịch thịt heo

Tp cần sớm xây dựng mô hình sàn giao dịch thịt heo TP.HCM. Sàn thịt heo phải có tiêu chuẩn đầu vào, nhà sản xuất phải tự mình điều chỉnh tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu của sàn. Hiện nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng rất có hiệu quả.

Ngoài ra, khi lên sàn, thịt heo bắt buộc phải giết mổ công nghiệp, không mổ thủ công, heo sẽ tự động được đưa về các lò mổ công nghiệp tại TP.HCM giải quyết được vấn đề an toàn thực phẩm rất nóng hiện nay.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM.

Siết chặt buôn bán quanh chợ đầu mối

Sự phối hợp quản lý an toàn thực phẩm giữa các ban ngành thời gian qua đã có sự chuyển biến rõ nét, có nhiều giải pháp, sáng kiến rất hay trong quản lý. Cạnh đó các địa phương đã chủ động thanh kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên mong muốn của người dân TP là an toàn sức khỏe phải được đặt lên hàng đầu. Vì vậy cần có biện pháp để nguồn hàng nhập vào chợ đầu mối phải được kiểm soát chặt chẽ, sản phẩm bán ra cho người dân phải đảm bảo chất lượng.

Theo đó, tình trạng buôn bán tự phát trước các chợ đầu mối đang được UBND chỉ đạo rất mạnh để các đơn vị tập trung siết chặt và có nhiều giải pháp như gắn camera phạt nguội, ra lệnh cấm tụ tập buôn bán ngoài lòng lề đường, không cho xuất hiện xe lôi, xe kéo xung quanh chợ. Nếu quản lý tốt các chợ đầu mối lớn, các nguồn sản xuất hương liệu thì người dân sẽ yên tâm hơn về an toàn thực phẩm của TP.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-kho-xac-dinh-nguyen-nhan-nhieu-vu-ngo-doc-thuc-pham-post814891.html