TP HCM: Khí thải lơ lửng trên đầu

Tại TP HCM, trong 2 ngày 12 và 13-12, các điểm đo chất lượng không khí (AQI) trên Pam Air, Air Visual đều ở mức đỏ và cam (tức có hại sức khỏe và ảnh hưởng đến nhóm nhạy cảm).

Thời điểm chỉ số AQI ở mức kém rơi vào buổi sáng đến đầu giờ chiều và cải thiện dần đến tối. Cụ thể, trên Air Visual, cập nhật lúc 8 giờ ngày 13-12 cho thấy AQI của TP HCM ở mức 167 - có hại sức khỏe, xếp thứ 9 về mức độ ô nhiễm các TP lớn trên thế giới. Tuy nhiên, đến 16 giờ cùng ngày, AQI cải thiện ở mức 97 (trung bình). Trên Pam Air, từ 9 giờ, 18 điểm đo đều ở mức cam, đỏ và cải thiện dần về mức trung bình lúc 16 giờ. Cá biệt có 2 điểm đo tại huyện Hóc Môn và quận 12 đến 16 giờ vẫn ở mức đỏ.

Trong 2 ngày này, từ sáng sớm, nhiều tuyến đường dẫn vào trung tâm TP như Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai… xuất hiện lớp sương mù gây cản trở tầm nhìn. Nhiều tòa nhà cao tầng "biến mất" trong lớp sương mù trắng xóa.

Nhiều tuyến đường ở TP HCM sương mù phủ trắng

Nhiều tuyến đường ở TP HCM sương mù phủ trắng

Theo các chuyên gia khí tượng, TP HCM và Nam Bộ bắt đầu bước vào mùa khô, tiết trời se lạnh, độ ẩm không khí thấp nên xảy ra hiện tượng mù khô, khiến các chất gây ô nhiễm này lơ lửng trong không khí.

Đại diện Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (TN-MT) TP HCM, cho biết do việc quan trắc không khí hiện nay được trung tâm thực hiện thủ công, 10 ngày/tháng, không thường xuyên liên tục nên chưa thể cho kết quả về chất lượng không khí trong 2 ngày qua. Tuy nhiên, đây là hiện tượng có tính chu kỳ xảy ra vào thời điểm giao mùa, khi độ ẩm không khí thấp sẽ lưu giữ các chất ô nhiễm lơ lửng trong không khí như khí thải, bụi thải từ phương tiện giao thông, công trình, nhà máy… Cũng theo đại diện trung tâm này, ô nhiễm không khí hiện nay đã rõ nguyên nhân, vấn đề là TP cần sớm đề ra các giải pháp ngắn hạn, dài hạn để cải thiện.

Để cung cấp kịp thời tình hình không khí đến người dân TP HCM, Sở TN-MT vừa đề xuất UBND TP chấp thuận tăng cường tần suất quan trắc chất lượng không khí tại 30 vị trí quan trắc hiện hữu. Cụ thể, tăng thời gian quan trắc từ 10 ngày/tháng vào 2 thời điểm (sáng - chiều) lên 3 thời điểm/ngày và quan trắc mỗi ngày để có thể công bố số liệu hiện trạng môi trường hằng ngày vào những thời điểm người dân tham gia các hoạt động giao thông. Ngoài ra, Sở TN-MT đề xuất tăng cường quan trắc thông số bụi mịn PM10 và PM2.5 (trung bình 24 giờ) tại tất cả các vị trí quan trắc nhằm đánh giá chi tiết về hàm lượng bụi mịn trong không khí tại TP HCM. Qua đó, cung cấp thông tin cho người dân trên website và ứng dụng trên điện thoại thông minh với tần suất hằng ngày, độ trễ của số liệu quan trắc là 5 ngày. Khi cập nhật trên điện thoại, người dân có thể biết được các chỉ số về NO2, SO2, CO, bụi lơ lửng; mức ồn; bụi PM10, PM2.5. Thời gian triển khai kế hoạch này từ năm 2020 - 2022.

Bài và ảnh: Thu Hồng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/tp-hcm-khi-thai-lo-lung-tren-dau-20191213225550404.htm