TP.HCM: Hợp tác y tế công tư mới chỉ dừng lại ở bước thăm dò

Việc triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng mới chỉ dừng lại ở bước thăm dò chứ chưa thật sự trở thành làn sóng.

Đây là nhận định của chuyên gia tư vấn Trần Duy Hưng tại Hội nghị tập huấn đối tác công tư trong y tế cho các lãnh đạo bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn TP.HCM được tổ chức vào ngày 21/5.

Ông Hưng cho biết, hiện trên cả nước có 73 dự án hợp tác đầu tư theo hình thức đối tác công tư y tế. Tuy nhiên, mới chỉ có 15 dự án đã có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trong đó có 6 dự án triển khai đến bước lựa chọn nhà đầu tư. Trong 15 dự án nghiên cứu tiền khả thi có đến 9 dự án tại TP.HCM.

Cũng theo ông Hưng, việc triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng mới chỉ dừng lại ở bước thăm dò chứ chưa thật sự trở thành làn sóng. Nguyên nhân là do việc triển khai các dự án PPP vẫn thiếu mục tiêu và chiến lược rõ ràng. Bên cạnh đó, chưa thể xác định phần đóng góp của khối công lập như đất, thương hiệu, nhân lực... thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước khiến cho dự án bị trì hoãn, kéo dài.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai đã phát sinh nhiều vướng mắc liên quan đến cán bộ y tế, giá dịch vụ, bảo hiểm y tế, thuốc.

Bệnh viện Gia An 115 là bệnh viện tiên phong ở TP.HCM thực hiện mô hình hợp tác công tư giữa Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115.

Bệnh viện Gia An 115 là bệnh viện tiên phong ở TP.HCM thực hiện mô hình hợp tác công tư giữa Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115.

TS Nguyễn Thanh Nguyên, Giám đốc Tập toàn TWG - giảng viên khoa Sau đại học, Đại học Mở TP.HCM cho rằng, đầu tư theo hình thức PPP trong y tế hiện nay còn nhiều trở ngại mà lớn nhất là các quy định pháp luật của nhà nước về hình thức này chưa rõ ràng khiến nhà đầu tư chưa biết được chắc chắn dòng tiền bỏ ra có mang lại lợi nhuận hay không. Bên cạnh đó, thực tế có nhiều giám đốc bệnh viện, nhân viên y tế, nhóm lợi ích hưởng lợi từ bệnh viện công không muốn tiếp nhận đầu tư PPP bởi lo sợ ảnh hưởng quyền lợi.

Theo TS Nguyên, đầu tư theo hình thức đối tác công tư y tế trong giai đoạn hiện nay là hướng đi tốt nhưng khá mới mẻ đã gây tâm lý lo sợ cho các cấp quản lý nhà nước. Tuy nhiên chúng ta cần có những mô hình thí điểm sau đó nhân rộng, điều chỉnh các quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tế theo quan điểm cả hai bên cùng có lợi.

Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong bối cảnh các bệnh viện đã tự chủ tài chính như hiện nay thì việc tìm hướng phát triển cho bệnh viện là bài toán khó. Thực tế, có không ít bệnh viện gặp khó khăn và ngày càng đi xuống khi không đủ tiềm lực, trình độ chuyên môn để thu hút người bệnh. Trong đó khó nhất là nguồn vốn đầu tư để nâng cấp, phát triển bệnh viện.

Do đó, hợp tác đầu tư theo hình thức PPP được xem là cơ hội để các bệnh viện mạnh dạn tìm hướng đi cho riêng mình. Tuy nhiên, hợp tác như thế nào, hợp tác đến đâu để vẫn đảm bảo mục tiêu phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân là điều mà các bệnh viện cần cân nhắc.

Diệu Ngân

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/tphcm-hop-tac-y-te-cong-tu-moi-chi-dung-lai-o-buoc-tham-do-post59613.html