TP HCM: Hơn 500 công trình xây dựng sai phép, không phép trong 8 tháng đầu năm

Sở Xây dựng TP HCM vừa báo cáo Thường trực Thành ủy, UBND TP HCM về tình hình thực hiện Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ TP trong 8 tháng đầu năm 2020.

Theo đó, tính đến tháng 8/2020 (từ ngày 15/12/2019 đến 25/8/2020), trên địa bàn TP có 504 công trình vi phạm trật tự xây dựng, trong đó sai phép 211 trường hợp (chiếm tỷ lệ 42%), không phép 293 trường hợp (chiếm tỷ lệ 58%).

Bình quân số vụ vi phạm trên một ngày là 1,9 vụ. Nếu so sánh với 6 tháng đầu năm 2019 là 8,5 vụ/ngày (thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị số 23) thì số vụ vi phạm đã giảm, tỷ lệ giảm là 77,2%.

Hiện nay, TP đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt đề án Thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện. Ban hành quyết định phân công nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định xử phạt và quyết định cưỡng chế. Phê duyệt đề án ứng dụng công nghệ GIS viễn thám trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng trên địa bàn TP.

Sở Xây dựng TPHCM cũng đã xây dựng dự thảo quy chế phối hợp xử lý, ngăn chặn công trình vi phạm trật tự xây dựng tiếp tục thi công khi chưa chấp hành xong quyết định xử phạt, trong đó có biện pháp cắt điện, nước.

Ngoài ra, Sở Xây dựng TP đã đề ra một số nhóm giải pháp để các cơ quan phối hợp thực hiện hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP trong thời gian tới.

 Một trong những công trình sai phạm 'khủng' ở huyện Bình Chánh

Một trong những công trình sai phạm 'khủng' ở huyện Bình Chánh

Để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, Sở Xây dựng và UBND quận huyện tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng thông qua quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố và kế hoạch liên tịch tăng cường quản lý trên địa bàn quận, huyện. Kiểm tra đồng bộ, xuyên suốt từ lúc khởi công đến khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng và sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng.

Kiên quyết không để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn mà không được kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm. Rà soát, tổ chức thực hiện dứt điểm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn chậm thực hiện.

UBND cấp quận huyện chỉ đạo UBND cấp phường xã giám sát chặt chẽ, áp dụng ngay biện pháp tịch thu phương tiện, vật liệu thi công nhằm đảm bảo ngăn chặn các công trình vi phạm trật tự xây dựng đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng vẫn tiếp tục thi công.

Niêm phong thiết bị, máy móc phục vụ thi công xây dựng công trình, cô lập khu vực vi phạm tại công trình trong trường hợp chủ đầu tư, nhà thầu không chấp hành ngừng thi công công trình vi phạm trật tự.

Trường hợp các đơn vị liên quan chống đối, không chấp hành thì lập thủ tục chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra. Phối hợp với các cơ quan Công an, Đội Thanh tra địa bàn và các đơn vị liên quan tổ chức chốt chặn, cấm các phương tiện vận tải chuyển chở vật tư, vật liệu và người lao động vào thi công xây dựng công trình vi phạm khi có yêu cầu ngừng thi công.

Trước đó, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân ban hành Chỉ thị 23 - yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm, nếu không người đứng đầu cấp ủy và chính quyền không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bí thư các quận huyện sẽ chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy, còn chủ tịch quận huyện chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP.

Gia Lai

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.net.vn/bat-dong-san/tp-hcm-hon-500-cong-trinh-xay-dung-sai-phep-khong-phep-trong-8-thang-dau-nam-99773.html