Tp.HCM: Hệ số điều chỉnh giá đất vẫn chưa phù hợp

Các địa phương cần rà soát, thống kê hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp của các dự án trên địa bàn được Ủy ban nhân dân Tp.HCM phê duyệt từ tháng 1/2020 đến tháng 5/2021, từ đó đề xuất hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp cụ thể cho phù hợp với địa bàn từng quận, huyện....

Hệ số điều chỉnh giá đất đối với đất nông nghiệp tại Tp.HCM được cho là vẫn chưa phù hợp tại một số khu vực.

Mặc dù đã lấy ý kiến Ủy ban nhân dân các quận, huyện trước khi ban hành, thế nhưng hệ số điều chỉnh giá đất đối với đất nông nghiệp tại Tp.HCM được cho là vẫn chưa phù hợp tại một số khu vực cụ thể.

HỆ SỐ ĐIỀU CHỈNH GIÁ ĐẤT CHO TỪNG KHU VỰC

Mới đây, Sở Tài nguyên & Môi trường Tp.HCM lại có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện xác định hệ số điều chỉnh giá đất cho từng khu vực đối với đất nông nghiệp trên địa bàn Tp.HCM năm 2021.

Mặc dù trước đó, ngày 4/5/2021, Ủy ban nhân dân Tp.HCM đã ban hành Quyết định số 10/2021/QĐ-UBND quy định về hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi năm 2021.

Đối với đất nông nghiệp, Ủy ban nhân dân Tp.HCM chia hệ số điều chỉnh giá đất theo 3 vị trí. Vị trí 1 gồm những thửa đất tiếp giáp với lề đường (đường có tên trong bảng giá đất ở) trong phạm vi 200m.

Vị trí 2 gồm những thửa đất không tiếp giáp với lề đường (đường có tên trong bảng giá đất) trong phạm vi 400m. Vị trí 3 gồm các thửa đất còn lại.

Đất nông nghiệp được phân theo khu để xác định hệ số

Đất nông nghiệp theo khu 1 gồm: Quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh có đất không đủ điều kiện công nhận đất ở; đất nông nghiệp mặt tiền đường, đất thuộc khu dân cư hiện hữu và đất cùng thửa đất ở thì hệ số K=35. Đất nông nghiệp ngoài khu dân cư (nông nghiệp thuần) K=30.

Khu vực 2 gồm quận 7, 12, Bình Tân, thành phố Thủ Đức thì đất nông nghiệp mặt tiền đường, đất thuộc khu dân cư hiện hữu và đất cùng thửa đất ở có K= 25; đất nông nghiệp thuần K=20.

Khu vực 3 là huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn thì đất nông nghiệp mặt tiền đường, đất thuộc khu dân cư hiện hữu và đất cùng thửa đất ở có K=20; đất nông nghiệp thuần có K=15.

Khu vực 4 là huyện Cần Giờ thì đất nông nghiệp mặt tiền đường, đất thuộc khu dân cư hiện hữu và đất cùng thửa đất ở có K=15; đất nông nghiệp thuần có K=10.

Theo Sở Tài nguyên & Môi trường, sau khi Ủy ban nhân dân Tp.HCM ban hành hệ số điều chỉnh giá đất và cụ thể là đất nông nghiệp như nói trên, phản ánh từ các đơn vị liên quan cho thấy, hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp chưa thật phù hợp tại một số quận, huyện.

Do đó, Sở Tài nguyên & Môi trường đề nghị các địa phương tùy điều kiện cụ thể của dự án mà cân đối với các dự án tương đồng đã được Ủy ban nhân dân Tp.HCM phê duyệt trong khoảng thời gian không quá 1 năm để điều chỉnh hệ số cho phù hợp với giá chuyển nhượng khi lấy ý kiến người dân đưa vào phương án bồi thường.

Các địa phương cần rà soát, thống kê hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp của các dự án trên địa bàn được Ủy ban nhân dân Tp.HCM phê duyệt từ tháng 1/2020 đến tháng 5/2021. Từ đó đề xuất hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp cụ thể cho phù hợp với địa bàn từng quận, huyện.

Sở Tài nguyên & Môi trường đề nghị các địa phương thống kê, báo cáo trước ngày 15/6/2021 để đơn vị này tổng hợp, tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tp.HCM.

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁ ĐẤT

Song song với việc xác định lại hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp, mới đây Ủy ban nhân dân Tp.HCM cũng chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất.

Theo đó, Ủy ban nhân dân Tp.HCM giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên & Môi trường, Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Mục đích để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin đất đai nhằm tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên & Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản.

Ủy ban nhân dân Tp.HCM giao Sở Xây dựng tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về kinh doanh bất động sản. Kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản bảo đảm hoạt động này tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về việc tách thửa đất; xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, Sở Tài nguyên & Môi trường cần có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân Tp.HCM giao Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư, pháp luật về kinh doanh bất động sản…; thông tin kịp thời về quy hoạch của địa phương để người dân hiểu và thực hiện, tránh bị lợi dụng, trục lợi.

Đức Minh -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tp-hcm-he-so-dieu-chinh-gia-dat-van-chua-phu-hop.htm